Vậy là một cái Tết nữa đang đến gần. Các nỗi lo về dịch bệnh, kinh tế đã dần dần tan biến. Khắp nơi nơi, hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc. Theo đó là những mầm xanh cựa mình khỏi thân cây xù xì tràn đầy nhựa sống, như khiến tâm hồn ta muốn bay bổng với thiên nhiên, đất trời. Tất cả tạo nên khung trời xuân hiền hòa, bình dị và dịu dàng.
Thời khắc giao mùa này, nhìn lại năm qua, khi Việt Nam bước vào đại dịch COVID-19 lần thứ 4 với nhiều mất mát đau thương, thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, tưởng chừng như khó chống đỡ. Tuy nhiên, từ trong gian khó, Việt Nam đã có những bước đi tỉnh táo, những việc làm nhanh chóng, kịp thời triển khai đã làm cho nền kinh tế trở nên phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bù đắp cho quý III bị kìm hãm, trì trệ.
Vui với những kỳ tích
Bất chấp hàng trăm ngàn DN phải dừng hoạt động trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lên đỉnh ngoạn mục về điểm số và thanh khoản. Động lực chính xuất phát từ dòng tiền của nhà đầu tư nội chảy vào các sàn, đưa số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán tăng mạnh, lập kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 1,306 triệu tài khoản, gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Theo đó là Chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021 (trước đó vào năm 2007 rồi đi xuống), sau đó là đỉnh cao mới quanh ngưỡng 1.500 điểm vào giai đoạn cuối năm 2021.
Dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025, song mục tiêu này đã được hoàn thành trước 4 năm.
Điều đáng mừng là sau tất cả những khó khăn chồng chất, GDP của cả nước đã lấy lại “phong độ” cũng kịp thời tăng trưởng 2,58%, tạo cho vĩ mô ổn định, làm cho các DN, đối tác, nhà đầu tư, luôn tin tưởng vào tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam trong năm 2021 về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó, xuất khẩu (XK) tăng 19%, riêng tháng 12/2021, đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ấn tượng XK có thể kể đến từ ngành dệt may. Từ chỗ không tự tin với khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trong khi sản lượng liên tiếp giảm trong 3 tháng 7, 8, 9, nhưng chỉ trong 2 tháng sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, ngành dệt may đã tăng tốc thần kỳ với doanh thu XK cả năm ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn doanh thu XK của năm 2019 - khi chưa có dịch COVID-19.
Để đạt được thành quả trên, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Đó là tập trung triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những hiệp định này.
Đồng thời ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK và các thị trường XK sớm khôi phục sau đại địch COVID-19. Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến, dựa trên những nền tảng số. Chuyện đáng mừng nữa là lần đầu tiên XK sắt thép vượt mức 10 tỷ USD, ước đạt 12 tỷ USD. Với sự tăng trưởng “thần tốc”, 11 tháng năm 2021, thép XK đã cán mốc 10,8 tỷ USD và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất, đạt 129,8%. Dự báo XK thép những tháng đầu năm 2022 còn nhiều triển vọng tốt nữa bởi việc thiếu hụt nguồn cung thép - xi măng tạm thời từ Trung Quốc. Vấn đề về thiếu cung cấp điện đã kéo giảm sản lượng thép của Trung Quốc.
7 mặt hàng XK năm 2021 của Việt Nam trên 10 tỷ USD là điện thoại - linh kiện, máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện, máy móc - thiết bị, công cụ - phụ tùng khác, hàng dệt - may, giày dép các loại, gỗ và thép. Ấn tượng nhất, XK nông - lâm - thủy sản đã thiệt lập kỷ lục mới với trị giá hơn 47 tỷ USD.
Thách thức và niềm tin
Ngày 16/12/2021, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã trở thành ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 đè nặng lên kinh tế toàn cầu. BoE đánh giá rằng áp lực từ lạm phát gia tăng sẽ gây rủi ro với nền kinh tế nhiều hơn là biến thể mới Omicron. Các nhà hoạch định chính sách cho biết, sẽ tiếp tục tăng nhẹ lãi suất khi lạm phát đang tiến tới mức đỉnh, có thể đạt khoảng 6% trong tháng 4/2022. Quyết định tăng lãi suất vào thời điểm này rất đáng chú ý, vì Anh đang chìm trong làn sóng COVID-19 mới do biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn, khiến số ca mắc hàng ngày ở Anh lên mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Động lực phát triển kinh tế chính là các doanh nghiệp
Nhiều quan chức của các ngân hàng Trung ương đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, đang bị áp lực lạm phát, vì nhiều ẩn số xung quanh biến thể mới Omicron. Hiện nay, biến thể này đã xuất hiện tại Việt Nam, do vậy, áp lực lạm phát như các quốc gia khác đối với Việt Nam trong năm 2022 là điều có thể diễn ra. Theo đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc phục hồi kinh tế do thực tế những hạn chế liên quan đến việc đi lại, thương mại và đầu tư quốc tế vẫn còn rất lớn. Mặt khác, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy XK, đồng thời bảo vệ người dân khỏi các biến thể mới Omicron.
Động lực phát triển kinh tế chính là các DN. Tuy nhiên, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 ngàn DN, giảm 10,7% so với năm 2020. Theo đó, có tới 119,8 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%. Điều này cũng góp thêm vào cho tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam lên mức khác cao là 3,22%. Dự báo năm 2022, dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Do vậy, việc các DN chống đỡ để trụ lại thị trường quả là một hành trình gian nan.
Việc Chính phủ ban hành, triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc, đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các DN.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.
Dự kiến, trong năm 2022 sẽ có thuốc điều trị COVID-19, đây chính là động lực lớn nhất cho nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch. Với sự chấp thuận của Chính phủ các nước và các nhà chức trách, Vietnam Airlines, Vietjet công bố mở cửa bầu trời, khôi phục loạt đường bay quốc tế thường lệ từ 01/01/2022, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ... Đồng thời, với việc mở rộng các hình thức vận chuyển (đường bộ và đường sắt), kết nối với thương mại quốc tế sẽ linh động hơn đối với cả hàng hóa và hành khách, ngành vận tải cũng sẽ có kỳ vọng tăng trưởng cao trở lại.
Lạc quan về một tương lai sống chung với COVID-19 là điều hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch chắc chắn sẽ tăng mạnh. Ngân hàng HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng GDP 6,8% vào năm 2022.