Tháo gỡ vướng mắc 8 dự án BOT: Các bên tham gia phải cùng chung trách nhiệm

Nga Nguyễn|01/11/2022 15:08

Các dự án BOT mà Bộ GTVT đề xuất Nhà nước mua lại đều là các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí; nhiều dự án không thể thu phí do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ; dự án đã thu phí, doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí...

tram-thu-phi.jpg

Trạm thu phí T1 QL91 Cần Thơ (1 trong 8 dự án BOT đang được đề xuất phương án xử lý)

Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng cần giải quyết dứt điểm thể hiện tinh thần sòng phẳng, công bằng trong hoạt động đối tác công - tư, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và tôn trọng pháp luật khi hợp đồng các bên đã ký.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng:“Mục đích của chúng ta cần xử lý những vấn đề này là để đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân, xã hội, đảm bảo sự công bằng trong hợp tác công - tư, trong đó có lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, tránh nguy cơ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các dự án theo phương thức PPP vốn rất cần thiết hiện nay.

Tôi cho rằng, cần phải đánh giá kỹ nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc bất cập của từng dự án mà Bộ Giao thông vận tải đề xuất Nhà nước mua lại. Đây là các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư, do vậy khi xem xét giải quyết cần phải xem những hạn chế của từng dự án là do đâu, trách nhiệm của bên nào. Nếu những tồn tại do nhà đầu tư gây ra thì họ phải chịu trách nhiệm. Trái lại nếu tồn tại đến từ phía các cơ quan Nhà nước thì Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra xử lý.

Làm điều đó không khó, chúng ta xem xét kỹ, thứ nhất, các dự án BOT có thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký hay không, có đúng chủ trương, quy định của pháp luật và Bộ GTVT đã thực hiện đúng các cam kết với Chính phủ, Quốc hội không?

Bên cạnh đó, trước khi cấp tín dụng, các ngân hàng cũng đã thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, do vậy các ngân hàng cũng cần có trách nhiệm chung tay xử lý các vướng mắc bất cập cho các dự án BOT này.

Trong số 8 dự án BOT, trên cơ sở khảo sát đánh giá thực tế, cần phân loại các dự án để có phương án xử lý phù hợp. Thứ nhất, đối với những dự án có cơ sở chặt chẽ, vướng mắc hoàn toàn xuất phát từ phía Nhà nước thì Nhà nước có thể xem xét giải quyết bằng nhiều giải pháp bao gồm cả việc mua lại. Thứ hai, những dự án khác có thể khắc phục hậu quả, như cho nhà đầu tư kéo dài thời gian khai thác (thu phí). Ngoài ra, có thể áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng, để các ngân hàng khoanh, giãn nợ cho nhà đầu tư. Đây là những giải pháp nằm trong thẩm quyền Bộ GTVT và Chính phủ và các ngân hàng”.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết ông sẵn sàng đi thực tế các dự án nói trên để hiểu hơn về những bất cập vướng mắc đang gặp phải, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư, để từ đó tham mưu Chính phủ hay báo cáo Quốc hội những giải pháp phù hợp nhất và ông tin rằng các đại biểu Quốc hội khác cũng sẽ chia sẻ và ủng hộ với khó khăn của các doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam cùng chung quan điểm:“Tôi đồng tình với quan điểm của Đại biểu Lê Thanh Vân phải xem xét lại đúng sai, nguyên nhân từ đâu đặc biệt các dự án đã có ý kiến của các cơ quan là Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước nêu ra các vấn đề liên quan đến tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư của dự án. Khi đã xác định rõ các yếu tố đảm bảo hoặc yếu tố khác làm ảnh hưởng thì phải đánh giá, qua đó yêu cầu các bên liên quan là Doanh nghiệp đầu tư, Cơ quan có thẩm quyền là Bộ GTVT hay địa phương và đặc biệt, các Ngân hàng cho vay phải cùng ngồi lại xác định trách nhiệm và nghĩa vụ khi đã đề xuất, ký kết hợp đồng, thẩm định cho vay và phải chia sẻ rủi ro, đừng đẩy doanh nghiệp vào đường cùng.

Các giải pháp chính cần đảm bảo công bằng cho các bên nhưng phù hợp với thực tế, đúng với quy định pháp luật qua đó có thể xem xét ngoài việc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm, có thể thực hiện các giải pháp khác như cơ cấu lại nợ của dự án, cho kéo dài thời gian thu, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ một phần kinh phí. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư BOT trong giai đoạn trước đây cũng đã lo toàn bộ kinh phí và không có cơ chế hỗ trợ NSNN tham gia 50% Tổng mức đầu tư như Luật PPP mới quy định. Nhà nước nên mua lại các dự án này khi đã xác định phương án tài chính không đảm bảo xuất phát từ các cam kết của Nhà nước không được thực hiện hoặc việc thu phí ảnh hưởng quá lớn đến người dân”.

Bài liên quan
  • Khát vọng cao tốc Việt Nam
    Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam dài khoảng 9.014km. Trong đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 5.000 Km đường cao tốc để góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc 8 dự án BOT: Các bên tham gia phải cùng chung trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO