Thu hút đầu tư phát triển trung tâm logistics

18/02/2016 14:39

(VLR) (Vietnam Logisitics Review) Ngành dịch vụ logistics tại VN ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều DN cũng như các nhà hoạch định chính sách. Gần đây nhất, ngày 03.7.2015, thủ tướng chính phủ đã kí quyết định số 1012 phê duyệt: “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

(Vietnam Logistics Review)Theo bản quy hoạch này, VN hoàn toàn có thể có được các trung tâm (TT) logistics thực thụ, không những cung cấp đồng bộ và trọn gói các dịch vụ logistics cho mạng lưới phân phối hàng hóa trên thị trường cả nước mà phục vụ đắc lực cho cả hoạt động XNK của các DN. Nhưng câu hỏi đặt ra là: đầu tư cho các TT này sẽ được thực hiện như thế nào nhằm đạt được các mục đích đề ra?

Hệ thống trung tâm Logistics và quy hoạch số 2

Theo lộ trình gia nhập WTO, năm 2014 VN đã mở cửa cho các DN logistics nước ngoài đầu tư vào VN với các chính sách ưu đãi như các DN trong nước. Ngoài ra theo thống kê, trong những năm vừa qua, hoạt động thương mại đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước (trung bình mức tăng hàng năm là 8%), trong khi các DN kinh doanh dịch vụ logistics VN chủ yếu là DN vừa và nhỏ, hoạt động chưa chuyên nghiệp, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thực tế. VN vẫn chưa có DN nào đủ tiềm lực vật chất và kĩ năng quản lí, tổ chức, điều hành toàn bộ chuỗi logistics, dù trong phạm vi hẹp là phục vụ chuỗi lưu thông hàng hóa. Việc phát triển TT logistics mới có thể cung cấp các dịch vụ một cách chuyên nghiệp theo hướng hiện đại với chất lượng cao, bảo đảm cho dòng hàng hóa từ SX đến tiêu dùng nhanh nhất, rẻ nhất… Do đó, việc lập quy hoạch phát triển hệ thống TT logistics là rất cần thiết và quan trọng.

Thực tế, năm 2011, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và đã được thông qua bởi Quyết định số 2223/ QĐ-TTg (ngày 13.12.2011). Tuy nhiên việc thực hiện triển khai cụ thể bản quy hoạch nói trên còn rất hạn chế. Quyết định số 1012 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống TT logistics do Bộ Công Thương xây dựng có nhiều điểm tương đồng với Quyết định số 2223. Như vậy các DN trong ngành hoàn toàn có quyền hy vọng các quy hoạch nói trên sẽ sớm được triển khai cụ thể nhằm đem lại hiệu quả cho toàn nền kinh tế xã hội.

Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistcis đến năm 2020. định hướng đến 2030

Theo Quy hoạch 1012 sẽ có 3 loại TT logistics:

1. TT logistics hạng I: có vị trí nằm gần hoặc có thể kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế, công năng tích hợp đầy đủ, trọn gói các dịch vụ của một TT logistics, hoạt động như một cảng, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS, quy mô diện tích từ 20ha trở lên, bán kính phục vụ tối thiểu là trên 100km.

2. TT logistics hạng II: có vị trí nằm ở các TT kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn, các vùng sản xuất tập trung, gồm một số công năng chính, chủ yếu của một TT logistics, hoạt động như một bãi container, kho ngoại quan, kho CFS, quy mô diện tích từ 10ha trở lên, bán kính phục vụ tối thiểu là trên 50km.

TT logistics hạng I có vai trò là TT gốc. Từ các TT gốc này, các TT logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế sẽ được phát triển theo hình rẽ quạt; bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, NK đến tiêu dùng, XK của các vùng, tiểu vùng và trên các hành lang kinh tế; kết nối với các đầu mối giao thông (cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung... ).

3. TT logistics chuyên dụng: gắn liền hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến các cảng hàng không, diện tích tối thiểu là 3ha. Trước mắt được xây dựng là các TT logistics chuyên dụng hàng không gắn liền với các cảng hàng không, kết nối cùng với hệ thống các TT logistics hạng I và hạng II để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động XNK hoặc trung chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức, phục vụ cho đầu vào và đầu ra của sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, TT công nghệ cao, vùng SX tập trung quy mô lớn.

Theo đó, hệ thống TT logistics quốc gia được quy hoạch tại 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam): Khu vực miền Bắc (số lượng TT logistics là 8) trong đó có 7 TT logistics hạng I, hạng II và 1 TT logistics chuyên dụng gắn liền với cảng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (số lượng TT logistics là 7) bao gồm 6 TT logistics hạng I, hạng II và 1 TT logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Khu vực miền Nam (số lượng TT logistics là 6) sẽ hình thành 5 TT logistics hạng I, hạng II và 1 TT logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Thu hút đầu tư hệ thống TT Logisitcs theo quy hoạch 1012

Việc thực hiện toàn bộ nội dung của bản quy hoạch cùng một thời điểm là rất khó khăn, chính vì vậy Quy hoạch số 1012 đã đưa ra danh mục 07 dự án TT logistics được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2015-2020, đó là:

Khu vực miền Bắc: TT logistics Bắc Hà Nội; TT logistics trên hành lang kinh tế ven biển Đông Bắc Bắc bộ; TT logistics chuyên dụng hàng không thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng (nối Cảng hàng không Nội Bài). Như vậy chỉ có khu vực miền Bắc sẽ được ưu tiên phát triển TT logistics chuyên dụng. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên: TT logistics khu vực TP. Đà Nẵng; TT logistics trên hành lang kinh tế đường 19 và duyên hải Nam Trung bộ; Khu vực miền Nam: TT logistics tiểu vùng kinh tế các tỉnh Đông Bắc TP.HCM; TT logistics thuộc tiểu vùng kinh tế TT ĐBSCL.

Các biện pháp liên quan đến thu hút đầu tư xây dựng các TT logistics đã được đưa ra:

Thứ nhất, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các TT logistics. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước. Trong thời gian tới, Nhà nước chắc chắn sẽ đưa ra các quy định cụ thể về hình thức đầu tư (BOT, BT, PPP,… ) nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư vào phát triển các TT logistics theo quy hoạch.

Thứ hai, quy hoạch nhấn mạnh vào việc Nhà nước sẽ có các quy định nhằm mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hiện hành phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội của từng địa phương về tín dụng, thuế, giá,phí, lệ phí, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền... Quy định này tương đối rộng, nhưng cụ thể mỗi địa phương sẽ vận dụng sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, làm sao để tránh tình trạng độc quyền khi một DN (hoặc một nhóm DN) có thể đầu tư vào nhiều TT logistics khác nhau? Kinh nghiệm của Úc về việc không cho DN đầu tư khai thác nhiều hơn 1 sân bay là bài học rất đáng để học hỏi.

Thứ ba, Nhà nước sẽ đánh giá, lựa chọn một số công trình trọng điểm và cấp thiết có vai trò quan trọng và có khả năng tạo được đột phá lớn để áp dụng thực hiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp các TT logistics hiện có, phù hợp quy hoạch và hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Thực tế, đã có một số công ty lớn đầu tư phát triển hệ thống kho hoặc TT logistics một cách bài bản theo mô hình “One stop shop”. Như vậy, Nhà nước nên phối hợp rà soát cùng các công ty nói trên để hạn chế đầu tư không hiệu quả từ phía Nhà nước cũng như DN. Hình thức hợp tác côngtư là một mô hình hiệu quả trong việc xây dựng, quản lý và khai thác các TT logistics.

Thứ tư, Nhà nước sẽ lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư các TT logistics theo Quy hoạch này, đặc biệt là đối với các TT logistics chuyên dụng hàng không có các yêu cầu, tiêu chuẩn riêng về an toàn, an ninh.

Thứ năm, các địa phương (nằm trong khu vực quy hoạch các TT logistics) sẽ phải chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách đất đai để hỗ trợ cho xây dựng TT logistics. Với các vị trí kinh doanh thuận lợi, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật là cần thiết và khách quan nhằm lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Thứ sáu, trong mọi DN, công tác nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ cho công tác này để có được đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các TT logistics. Như vậy chính các DN đầu tư phát triển TT logistics cũng sẽ được hưởng lợi khi có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Có thể nhận thấy các biện pháp thu hút đầu tư phát triển TT logistics theo Quy hoạch 1012 khá cởi mở, không phân biệt DN FDI hay DN trong nước. Những biện pháp này nhấn mạnh vào hình thức hợp tác công - tư, xem đây như là một biện pháp hiệu quả ở thời điểm hiện nay. Hy vọng với những cải cách mạnh mẽ này sẽ thu hút được không những các nhà đầu tư trong nước mà còn có các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các biện pháp nói trên còn cần phải cụ thể hơn nữa, cần sự quyết tâm hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương thông qua các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, điều đó thể hiện quyết tâm ý thức về sự phát triển ngành logistics.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư phát triển trung tâm logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO