Thực trạng cảng cạn/ICD trong chuỗi giá trị ở Việt Nam

Bảo Hân (tổng hợp) |21/05/2023 21:07

ICD miền Nam được coi là đang phát huy hiệu quả nhất so với cả nước. Do khối lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực này chiếm đến 80% lượng hàng hóa của cả nước.

icd-song-than-kho-2-61b98e96982df.png
ICD Tân Cảng - Sóng Thần có diện tích từ 5.000 mđến 50.000 mgồm kho nội địa, kho ngoại quan, kho CFS và trung tâm phân phối, được thiết lập phù hợp với yêu cầu của khách hàng mang tính linh hoạt cao, kích hoạt phần mềm WMS của Infor, an ninh giám sát 24/24

Hiện trạng phát triển cảng cạn, cảng thông quan nội địa

Hệ thống cảng cạn Việt Nam hiện nay, bao gồm các cảng cạn đã được công bố theo quy chế hoạt động cảng cạn ban hành theo Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các điểm thông quan nội địa thành lập trước khi có quy chế, hoạt động theo các chức năng như cảng cạn.

Theo thống kê trên toàn quốc hiện có 10 cảng cạn đã công bố, 4 cảng cạn đang được triển khai xây dựng và 15 địa điểm thông quan nội địa, tập trung tại miền Bắc và miền Nam, miền Trung chưa có. Tổng lượng hàng thông qua các cảng cạn hiện có khoảng 35.000 -40.000 TEU/tháng. Riêng Tân Cảng Nhơn Trạch 12.000 -15.000 TEU/tháng.

Sau 4 năm thực hiện quy hoạch chi tiết cảng cạn giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT), kết quả thực hiện như sau:

Tổng số 69 cảng cạn đã được quy hoạch chi tiết, trong đó : 63 cảng cạn được quy hoạch theo Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11/8/2018; 06 cảng cạn được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ 2018 đến nay: Tuyên Quang, Tân Cảng Hà Nam (Hà Nam, đã công bố), Long Biên (Hà Nội, đã công bố), Văn Lâm (Hưng Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa), Trảng Bàng (Tây Ninh).

Trong đó: 10 cảng cạn được công bố đều là những cảng cạn hình thành mới và đi vào hoạt động từ 2015 trở lại đây; Vị trí: 9/10 cảng nằm ở miền Bắc, 01 cảng ở Miền Nam, miền Trung chưa có cảng cạn; Về kết nối: 5/10 cảng cạn có kết nối vận tải thủy nội địa đến cảng biển: Quế Võ, Hải Linh, Phúc Lộc, Móng Cái, Nhơn Trạch. Các cảng còn lại chỉ kết nối bằng đường bộ; Có 3/10 cảng cạn nằm sát cảng biển, đều nằm trong KCN Đình Vũ.

Tổng diện tích các cảng cạn/ICD trên cả nước là 744,83 ha (năm 2018 là 229 ha), với tổng công suất thiết kế khoảng 4 triệu TEU/năm. Quy mô diện tích của các cảng cạn dao động lớn, cảng cạn có diện tích nhỏ nhất là cảng cạn Hải Linh (4,7 ha) cảng lớn nhất là ICD TBS Tân Vạn 115 ha, thông thường diện tích các cảng cạn, ICD khoảng từ 15 - 30 ha.

Có 6 ICD đã được quy hoạch thành cảng cạn nhưng chưa thực hiện công bố: miền Bắc: ICD Lào Cai, ICD Tiên Sơn, ICD Hải Dương; miền Nam: ICD Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương); TBS Tân Vạn. Cụm ICD Trường Thọ di dời về cảng cạn Long Bình (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh).

Cảng cạn đã được đầu tư và công bố khai thác


Khu vực phía Bắc gồm 09 cảng cạn là: Cảng cạn Hải Linh, Cảng cạn Móng Cái, Cảng cạn Tân Cảng Đình Vũ, Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình, Cảng cạn Hoàng Thành, Cảng cạn Tân cảng Hà Nam, Cảng cạn Tân cảng Quế Võ, Cảng cạn Phúc Lộc, Cảng cạn Long Biên; Khu vực miền Trung chưa có cảng cạn.

nhat-tin-12.jpg
Dù là “cánh tay nối dài”, san sẻ áp lực hàng hóa cho hệ thống cảng biển nhưng cảng cạn (ICD) vẫn chưa phát huy được lợi thế do hạn chế về phương thức kết nối.

Ngoài các cảng cạn đã được công bố đưa vào khai thác nêu trên, hiện nay còn có các ICD đã được hình thành và đang hoạt động, một số ICD thuộc quy hoạch phát triển cảng cạn nhưng chưa được các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục chuyển đổi điểm thông quan thành cảng cạn theo quy định.

- Nhóm cảng cạn, ICD (được quy hoạch cảng cạn nhưng chưa, chuyển đổi, công bố) đã hình thành và đi vào hoạt động bao gồm 16 cảng cạn, ICD (chiếm 23,9% số cảng cạn được quy hoạch), trong đó, 10 cảng cạn đã được công bố chính thức và 6 ICD đã được quy hoạch thành cảng cạn.

- Nhóm cảng cạn đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng bao gồm 25 cảng (chiếm 37,3% số cảng cạn được quy hoạch), chủ yếu là các cảng cạn đã được quy hoạch trên địa bàn các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hà Nội,...

- Nhóm các cảng cạn chưa triển khai đầu tư gồm 26 cảng (chiếm 38,8% số cảng cạn được quy hoạch). Đối với các cảng cạn khu vực miền Trung, việc chậm triển khai đầu tư theo quy hoạch chủ yếu là do nhu cầu còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Các cảng cạn quy hoạch gắn với đường sắt phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ các dự án đường sắt mới theo quy hoạch chuyên ngành.

Sản lượng hàng hóa và hiệu quả hoạt động khai thác cảng cạn


Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và ICD đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm (cảng cạn, ICD ở miền Bắc thông qua khoảng 0,45 triệu TEU/năm, miền Nam khoảng 3,65 triệu TEU/năm), trong đó 90% hàng hóa thông qua các ICD, bao gồm 6 ICD đã quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP. Hồ Chí Minh.

Khối lượng hàng thông qua 10 cảng cạn đã công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết trong số này đều mới được hình thành và đều nằm ở miền Bắc, ngoại trừ cảng cạn Tân cảng Nhơn Trạch ở Đồng Nai.

Với 35 - 40% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, các cảng tại miền Nam phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa (chiếm 35 -40%), hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực TP. Hồ Chí Minh. Thực trạng vận chuyển trực tiếp đến cảng biển gặp nhiều khó khăn do ùn tắc, kết nối chưa thuận lợi cũng khiến việc sử dụng cảng cạn cao hơn so với miền Bắc.

Các cảng cạn miền Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực miền Nam do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với miền Nam; bên cạnh đó, cảng biển khu vực miền Bắc không xảy ra ùn tắc thường xuyên, vì vậy, hàng hóa không bắt buộc phải trung chuyển qua cảng cạn để đến cảng biển như miền Nam; dẫn đến tỷ lệ sử dụng cảng cạn, ICD phía Bắc còn thấp.

Riêng cụm cảng ICD Trường Thọ (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) bao gồm 5 cảng ICD Phước Long, ICD Transimex, ICD Sotrans, ICD Phúc Long và ICD Tanamexco có tổng diện tích 63,12 ha, hiện nay có sản lượng thông qua lớn nhất cả nước - trên 2 triệu TEU/năm, tương đương khoảng 24% tổng sản lượng container thông qua cảng biển TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động cho các cảng biển này. Tuy nhiên, lượng hàng hóa container thông qua hệ thống cảng biển nhóm 4 tăng nhanh kéo theo sự tăng cao sản lượng hàng container thông qua cụm ICD Trường Thọ trong thời gian qua tiềm ẩn nguy cơ rất cao về an toàn giao thông trên trục cửa ngõ phía Đông thành phố. Sự phát triển của cụm ICD Trường Thọ cũng ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển thành phố, đặc biệt là ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ khu vực nên vị trí hiện tại không được đưa vào quy hoạch cảng cạn.

Cảng cạn, ICD khu vực miền Nam (mặc dù các ICD còn một số hạn chế như nêu ở trên) thực sự đã góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa về tổ chức vận tải đến cảng biển, giảm thời gian, chi phí, đồng thời hỗ trợ tốt cho hoạt động khai thác cảng biển.

Mục tiêu đến năm 2030

trung-tam-logistics-icd-vinh-phuc_9.jpg
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center – DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) để phục vụ hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Hiện dự thảo Quy hoạch cảng cạn đặt ra một số mục tiêu cụ thể như sau:

- Đến năm 2025: Phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 20% - 30% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6 - 8,7 triệu TEU/năm. Trong đó, miền Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 2,2 - 3,0 triệu TEU/năm; miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,24 - 0,37 triệu TEU/năm; miền Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 3,5 - 5,3 triệu TEU/năm.

- Đến năm 2030: Phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 25% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng 11,6 - 15,7 triệu TEU/năm. Trong đó, miền Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 4,2 - 5,5 triệu TEU/năm; miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,66 - 0,95 triệu TEU/năm; miền Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 6,8 - 9,3 triệu TEU/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng cảng cạn/ICD trong chuỗi giá trị ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO