Diễn đàn đã thu hút hàng trăm chuyên gia công nghệ tham dự
Chuỗi sự kiện có sự tham dự của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học Công nghệ; ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software; ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó tổng giám đốc, Giám đốc ngành hàng Thiết bị Di động của Samsung Việt Nam; bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup; bà Vũ Phương Nga, Giám đốc mảng thanh toán di động Moca; ông John Lê, CEO Propzy cùng đại diện các Bộ, ngành, các công ty công nghệ Việt Nam, đại diện các nhà mạng lớn trong nước và hàng trăm chuyên gia công nghệ tham gia.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học Công nghệ cho biết: “Là một quốc gia đi sau, Việt Nam cần tận dụng nền tảng của thế giới. Khi đã làm chủ công nghệ, lúc đó mới hy vọng phát triển những công nghệ riêng, hình thành nhiều doanh nghiệp công nghệ là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Lúc đó, khoa học công nghệ sẽ là một động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển động kinh tế, khi Việt Nam không còn nhiều tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Mức lương của lao động đã bắt đầu vượt nhiều quốc gia có thu nhập thấp hơn. Không còn con đường nào khác, Việt Nam phải thúc đẩy công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số”.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ (ngoài cùng bên phải) đi tham quan các gian trưng bày giải pháp công nghệ tại Diễn đàn
Theo một báo cáo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Ngoại giao Australia, nếu thúc đẩy chuyển đổi số, có khả năng mỗi năm Việt Nam sẽ tăng 1% tăng trưởng GDP, với điều kiện phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ quyết liệt. Điều kiện thứ hai là làm chủ công nghệ từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước, đây cũng là cách làm của nhiều tập đoàn và đã thành công như FPT, VinGroup,...
Tại diễn đàn, ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software cũng chia sẻ: “Bên cạnh việc tham gia vào các hệ sinh thái của Microsoft, Amazon, SAP,... FPT trong 5 năm qua đã đầu tư mạnh để xây dựng hệ sinh thái số dựa trên nền tảng công nghệ của người Việt Nam và hướng đến phân khúc SME (Small and Medium Enterprise). Đây là phân khúc không có nhiều điều kiện để sử dụng công nghệ đã thành danh trên thế giới. Và cơ hội của công nghệ Việt Nam chính là phân khúc này”.
Ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software chia sẻ về Hệ sinh thái số của FPT Software tại Diễn đàn
Cũng theo ông Tuấn, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không phải trình độ, kỹ sư Việt Nam không có khoảng cách lớn với quốc tế. Tuy nhiên làm ra một sản phẩm tốt vẫn chưa đủ mà còn phải thuyết phục được khách hàng sử dụng sản phẩm của mình.
Theo đại diện Cục Viễn thông, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN; năm 2030 mạng 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân sẽ được truy nhập Internet băng rộng với chi phí thấp.
Diễn đàn diễn ra với 3 phiên thảo luận về 3 nội dung: Sản phẩm Công nghệ Việt, Việt Nam trong kỷ nguyên 5G và Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới.