Trọng tâm phát triển là logistics và công nghiệp phụ trợ

Thụy Hậu|01/01/1970 08:00

(VLR) (baodautu.vn) Trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông HỒ VĂN NIÊN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về kinh nghiệm giúp địa phương duy trì vị thế hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Sau hơn 20 năm kể từ ngày giấy phép đầu tư nước ngoài đầu tiên của cả nước được cấp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông nhận định thế nào về hiệu quả của nguồn vốn FDI cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà?

Hoạt động FDI trong hơn 20 năm qua đã khơi dậy tiềm năng thiên nhiên tại địa phương, đóng góp quan trọng cho sự phát triển GDP trên địa bàn tỉnh, tạo mặt bằng kinh tế - xã hội có khả năng hòa nhập cao với thế giới, chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm và giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, cộng đồng.

Là điểm sáng trong thu hút FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu đã rút được những bài học kinh nghiệm nào, thưa ông?

Trong một thập niên đầu tiên sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, các nhà đầu tư vẫn còn đang nghiên cứu, dò xét tình hình chính sách của Việt Nam. Cơ sở hạ tầng của Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như cả nước nói chung chưa thật tốt, nên chỉ một số ít nhà đầu tư đến và chủ yếu là đầu tư các dự án có quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực dịch vụ, vận tải và dịch vụ dầu khí. Vào thời điểm đó, hầu hết nhà đầu tư đến tỉnh đều được cấp giấy phép, tỉnh không có sự lựa chọn và chưa hình thành chiến lược thu hút đầu tư.

Năm 1996 - 1997, làn sóng đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu trỗi dậy, một số dự án lớn về cảng, thép ra đời. Lãnh đạo tỉnh đã nhìn thấy rất rõ tiềm năng quý giá của tỉnh là cảng biển, dầu khí; từ đó chủ động xây dựng chiến lược với định hướng thu hút đầu tư có tính chọn lọc những dự án phát huy được tiềm năng.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1998 cho đến năm 2007, dòng vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn mạnh. Hàng loạt dự án cảng, thép, điện đã ra đời. Dấu mốc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đẩy tốc độ thu hút vốn FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng gấp đôi so với trước đó, có nhiều dự án lớn có quy mô trên 1 tỷ USD.

Nhờ chủ động quảng bá tới các nước có nhiều nhà đầu tư chiến lược, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được nhiều dự án như mong muốn. Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 300 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 28 tỷ USD.

Đến nay, hầu hết tiềm năng các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh đã được khai thác với hiệu quả cao. Với chủ trương ưu tiên các dự án lớn, công nghệ cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, tại địa phương, đã hình thành một lực lượng lao động, trong đó có những loại hình lao động chỉ có duy nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu và có tỷ lệ chất xám bình quân đầu người thuộc bậc cao nhất nước. Chất lượng lao động cao, nên mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động được duy trì ở mức khá tốt. Nhờ vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu không xảy ra những vấn đề về tranh chấp lao động hay quá tải do tăng dân số cơ học.

Việc thu hút các dự án lớn, tạo số lượng lớn sản phẩm đã thúc đẩy phát triển lưu thông hàng hóa, trong đó quan trọng là hoạt động xuất khẩu, giúp Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với thị trường thế giới.

Vài năm trở lại đây, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự tụt hạng. Để khắc phục tình trạng này, hướng đến xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chính sách mới nào?

Chúng tôi xác định FDI là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu, vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, ban hành các chính sách đầu tư hợp lý.

Hiện tỉnh có hệ thống 52 cảng đã đi vào hoạt động, trong đó có nhiều cảng container vận chuyển trực tiếp sang châu Âu, Mỹ. Với lợi thế này, tỉnh đang xây dựng chiến lược phát triển logistics và công nghiệp phụ trợ.

Các lĩnh vực kinh tế cơ bản của tỉnh đã được đầu tư, nhưng giáo dục, y tế, xã hội nói chung và tại các khu đầu tư tập trung nói riêng còn hạn chế. Chúng tôi sẽ chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực này để tăng chất lượng của hạ tầng xã hội.

Điều quan trọng nhất là, tỉnh phải nỗ lực để thực hiện tốt công cuộc cải cách hành chính. Đây là quá trình đòi hỏi thời gian dài và có sự nhất quán giữa các cấp lãnh đạo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số dự án đầu tư đã được cấp phép, nhưng chưa được thực hiện. Chúng tôi sẽ rà soát lại và hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư.

Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 15/7/2011:

“Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát huy các lợi thế lớn về khai thác, thăm dò dầu khí, du lịch, giao thông - vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghiệp nặng; huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bà Rịa - Vũng Tàu phải chớp lấy thời cơ, đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển, đóng góp không chỉ cho sự phát triển của tỉnh, mà còn của cả khu vực Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và cả nước; khai thác tối đa lợi thế về dịch vụ cảng nhờ hệ thống cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu 100.000 tấn đi châu Âu, Mỹ. Nhiều loại hàng hóa như may mặc, hải sản, nông sản, da giày, mỹ nghệ của cả khu vực sẽ tập trung xuất qua hệ thống cảng này. Vì vậy, tỉnh cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép. Trong 5 năm tới, Dự án Sân bay Long Thành hoàn thành, cùng với hệ thống cảng Cái Mép sẽ làm cho Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trung tâm lớn về dịch vụ cảng biển, logistics. Vì vậy, hệ thống cảng Cái Mép là loại công trình quốc gia dạng cấp bách. Bộ Giao thông - Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành sớm tuyến đường liên cảng, Quốc lộ 51.

Cùng với sự phát triển kinh tế, tỉnh cần lưu ý giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; bảo đảm an ninh quốc phòng biển đảo, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Trọng tâm phát triển là logistics và công nghiệp phụ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO