Vận tải đường bộ, đường biển, đường không rục rịch tăng giá

01/01/1970 08:00

(VLR) Sau khi các doanh nghiệp tăng giá cước vận tải do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, lượng đơn hàng vận chuyển giảm khá mạnh so với thời điểm chưa tăng giá xăng dầu.

Vận tải biển tăng giá

Trong lĩnh vực vận tải biển, ngay từ tháng 1-2012, các hãng tàu đã nâng mức phí tăng chung (General Rate Increase - GRI) đối với hàng hoá vận chuyển đi Mỹ lên 400 đô la Mỹ/TEU (container 20 feet).

Trong tháng 2 và tháng 3, các hãng tàu tiếp tục nâng phí nâng hạ container (Terminal Handling Charge – THC) và đến phụ phí xăng dầu với mức tăng trung bình 8%, chủ yếu áp dụng cho các điểm đến khu vực châu Á. Đầu tháng 4, đến lượt hàng hóa từ Việt Nam đến châu Âu phải trả phí GRI sẽ được áp dụng với giá là 400 đô la Mỹ/TEU tương tự như tuyến đến Mỹ vào đầu năm.

Theo đại diện hãng giao nhận HL Cargo, mỗi container 20 feet hàng đi châu Âu phải trả 1.350 đô la Mỹ tiền cước, cộng với các khoản phí THC, vận đơn (bill of landing) và nhiều khoản phí khác vừa tăng giá kể trên, tổng cộng gần 2.000 đô la Mỹ. So với năm 2011, giá cước đã tăng gần gấp đôi…

Doanh nghiệp xuất khẩu mặc dù chủ yếu bán hàng theo điều kiện FOB (free on board), tức là nhà nhập khẩu sẽ chịu tiền cước vận tải, bảo hiểm và một số khoản phí nhưng vẫn phải đóng hàng loạt khoản phí và phụ phí trong ngành gọi là local charge như THC, vận đơn, phí khai báo hải quan…

Vận tải đường bộ giảm đơn hàng

Ở lĩnh vực vận tải đường bộ, đặc biệt là vận tải hàng hóa, đơn hàng vận chuyển giảm đáng kể so với thời điểm xăng dầu chưa tăng giá, trong đó tuyến vận tải về các tỉnh miền Tây giảm mạnh.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh, cho biết đơn hàng vận chuyển của công ty giảm khá mạnh, đặc biệt là các tuyến vận chuyển về các tỉnh miền Tây. Nguyên nhân được ông Khánh cho biết do mức thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương quá cao nên chủ hàng không ký hợp đồng vận chuyển nữa.

Còn ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty vận tải Đặng Tiến, cho biết khi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương bắt đầu thu phí, đơn hàng vận chuyển về các tỉnh miền Tây của công ty giảm khoảng 30%. Sau đó, khi giá xăng dầu tăng, việc điều chỉnh cước vận chuyển đã khiến lượng khách giảm tiếp 20% nữa.

Hiện nay, do đơn hàng giảm mạnh, cộng với việc đóng phí cầu đường quá cao và sắp tới là quỹ bảo trì đường bộ nên nhiều doanh nghiệp vận tải tư nhân đang tính đến chuyện bán xe và giải thể công ty.

Hàng không tăng phụ phí

Theo một số đại lý vé máy bay và công ty du lịch tại TPHCM, hiện nhiều hãng hàng không đã tăng phụ phí xăng dầu cho các chuyến bay quốc tế đi và đến Viện Nam. Trong đó, hãng có nhiều chặng bay tăng phụ phí nhất là Vietnam Airlines.

Các hãng khác như Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Turkish Airlines, Luffthansa Airlines, China Airlines... cũng tăng phí do ảnh hưởng của biến động giá dầu thô trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, All Nippon Airways lại giảm phụ phí xăng dầu.

Theo các nguồn tin trên, Vietnam Airlines đã tăng phụ phí xăng dầu cho một số đường bay quốc tế từ đầu tháng 2 và 3. Đến nay, hãng hàng không này lại thông báo nhiều đường bay sẽ áp dụng mức phụ phí mới, tính từ ngày 22-3 và từ 1-4 tới. Với mức phụ phí mới thì mỗi chặng bay hành khách sẽ phải trả thêm vài đô la Mỹ.

Theo đó, từ ngày 22-3, nhiều đường bay từ Việt Nam đi Malaysia, Singapore, Campuchia... sẽ áp dụng mức phụ phí mới. Chẳng hạn, mức phí mới cho đường bay từ Việt Nam đi Malaysia sẽ là 45 đô la Mỹ, từ Việt Nam đi Singapore là 41 đô la Mỹ, từ Việt Nam đi Malaysia là 45 đô la Mỹ, từ TPHCM đi Phnôm Pênh (Campuchia) là 30 đô la Mỹ...

Đợt tăng phụ phí xăng dầu từ ngày 1-4 sẽ áp dụng cho các đường bay từ Việt Nam đi Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản... Theo đó, khách từ Việt Nam đi Pháp hoặc Đức phải trả phụ phí là 175 đô la Mỹ, từ TPHCM hoặc Hà Nội đi Thượng Hải (Trung Quốc) phải trả phụ phí là 68 đô la Mỹ, còn đường bay từ Việt Nam đi Nhật Bản có mức phụ phí xăng dầu là 87 đô la Mỹ.

Trước đó, từ ngày ngày 15-3, Turkish Airlines cũng tăng phụ phí xăng dầu lên thêm 195.400 đồng cho các vé máy bay của hành trình đi từ TPHCM đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và các điểm đến khác. Mức phí mới là 2.779.000 đồng, chỉ riêng chặng từ TPHCM- Bangkok là vẫn giữ mức phụ phí cũ.

Từ đầu tháng 3-2012, Singapore Airlines và Malaysia Airlines cũng bắt đầu tăng phụ phí xăng dầu. Theo đó, Malaysia tăng phụ phí cho tất cả các loại vé, hạng phổ thông tăng thêm 5 đô la Mỹ/chặng, hạng thương gia và hạng nhất tăng thêm 10 đô la Mỹ/chặng.

Singapore Airlines thì thông báo tăng phụ phí xăng dầu cho các chuyến bay từ Singapore đến các nước trong vùng Đông Nam Á. Với mức phụ phí mới, hành khách mua vé hạng phổ thông sẽ phải trả phụ phí là 36 đô la Mỹ/chặng thay vì 34 đô la Mỹ, hạng thương gia phải trả 52 đô la Mỹ thay vì 47 đô la và hạng nhất phải trả 61 đô la Mỹ thay vì 55 đô la.

Hai hãng hàng không China Airlines và Lufhansa Airlines cũng đã tăng phụ phí xăng dầu từ trước đó.

Trong khi nhiều hãng đều thông báo tăng phụ phí xăng dầu thì All Nippon Airways lại có thông báo khá bất ngờ là giảm phụ phí cho đường bay từ TPHCM đi Narita (Nhật Bản) từ 99 đô la Mỹ xuống còn 88 đô la Mỹ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vận tải đường bộ, đường biển, đường không rục rịch tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO