(Vietnam Logistics Review)Việc quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7-2015, các địa phương đã bắt đầu triển khai nhưng công tác này còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Tại hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống trung tâm logistics Việt Nam” do Tổ chức The Keynesian (Đại học Ngoại thương) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 31-10, đánh giá về tình hình phát triển lĩnh vực logistics tại Việt Nam, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, trường Đại học Ngoại thương cho rằng, ngành logistics của Việt Nam những năm qua tuy đã có sự phát triển, song vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn và nhân lực. Đặc biệt, khả năng liên kết, kết nối giữa các lĩnh vực trong ngành thành chuỗi hệ thống vẫn chưa được triển khai hiệu quả, việc quản lý của Nhà nước vẫn còn “dẫm chân” lên nhau”.
Về việc phát triển trung tâm logistics, theo ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trung tâm logistics sẽ được xây dựng thành 3 nhóm: trung tâm hạng 1 ở cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm hạng 2 ở cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế và trung tâm chuyên dụng.
Tiêu chí của việc lựa chọn dựa vào dung lượng thị trường, khả năng đấu nối thuận tiện với các hệ thống giao thông vận tải, quan hệ chặt chẽ với các đối tác sản xuất, xuất nhập khẩu, lợi thế vị trí, phù hợp với quy hoạch phá triển cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế.
Ở khu vực phía Bắc, hiện đang có tỉnh Bắc Giang xin kế hoạch xây dựng trung tâm hạng 2, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng cũng đã trình kế hoạch xây dựng trung tâm chuyên dụng.
Tuy nhiên, ông Bùi Hồng Minh cho biết, mặc dù đề xuất đã có nhưng phía Bộ Công Thương vẫn đang yêu cầu các địa phương làm rõ mô hình quản lý, đầu tư phù hợp, quy mô dự án, hướng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ…
Nói về khó khăn trong việc phát triển và xây dựng trung tâm logistics, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BeeLogistics cho hay, vốn đầu tư cho ngành logistics rất lớn, sẽ ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng được yêu cầu khi đầu tư vào trung tâm hạng 1 hoặc hạng 2. Hơn nữa, việc xây dựng, quy hoạch nếu không qua phương án đầu thầu sẽ tạo ra thế độc quyền, thiếu tính an toàn và làm tăng chi phí logistics tại Việt Nam.
Đặc biệt, tại một số địa phương, hiểu biết thực sự về bản chất của lĩnh vực logistics còn nhiều hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics và mối liên kết giữa các doanh nghiệp logistics trong nước còn yếu.
Vì thế, để những dự án phát triển trung tâm logistics đạt được hiệu quả, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương đề xuất, các địa phương cần minh bạch thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng và lên kế hoạch đầu tư.
Cũng về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Vân Hà, Khoa Vận tải- Kinh tế, Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, các dự án cần phải lên kế hoạch tổng thể với những điều kiện liên quan đến lựa chọn địa điểm, mong muốn của doanh nghiệp cũng như các quy hoạch khác của địa phương, cần tránh việc quy hoạch chồng chéo, gây lãng phí cho xã hội.