(VLR) Thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng thêm cho khu vực ĐBSCL khoản kinh phí 2 tỷ USD phục vụ các dự án phát triển, đã làm người dân miền Tây Nam Bộ phấn khích. Tuy nhiên, vùng đất phì nhiêu này sẽ chuyển động ra sao trong tương lai, vẫn là câu chuyện đáng suy tư.
TP. HCM kết nối ĐBSCL chỉ mỗi cao tốc TP. HCM-Trung Lương dài 40km nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng vì không có đơn vị quản lý.
Niềm vui từ Bộ KH-ĐT
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã vui mừng thông báo Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng cường nguồn lực tài chính để kích hoạt kinh tế ĐBSCL. Cụ thể, những nguồn lực tài chính cho Tây Nam bộ bao gồm nguồn lực địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có và nguồn lực Trung ương với khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới để thực hiện các dự án hạ tầng.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ KH-ĐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh ĐBSCL và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này. Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ KH-ĐT đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét. Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để phát triển trong thời gian tới. Một nguồn lực nữa là từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.
Để có thể hoàn thiện toàn bộ đường ven biển cho ĐBSCL, và một số giao thông quan trọng đối với một số tỉnh không có đường ven biển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Chúng ta tập trung nhiều nguồn lực để có thể thực hiện được hạ tầng cho ĐBSCL có điều kiện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đặc biệt là đường cao tốc từ Cà Mau đến Bạc Liêu và Bạc Liêu đến Cần Thơ sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2025".
Hy vọng lời hứa của Bộ GTVT
Tiềm lực của ĐBSCL là điều hầu như không ai phủ nhận. Thế nhưng, hiện tại nhiều mặt hàng nông sản chủ lực cũng như du lịch miền Tây Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn do sự tắc nghẽn giao thông. Con đường độc đạo nối TPHCM với các tỉnh vùng sông nước là quốc lộ 1A gần như quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài hàng chục cây số qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trước đây, kế hoạch giải quyết áp lực giao thông đã được tính thêm vào con đường N2 từ Thạnh Hóa - Long An nối với TP. HCM, nhưng vẫn không thể đáp ứng lưu lượng xe đang tăng lên theo cấp số nhân.
Con đường về miền Tây Nam Bộ đang đặt ra nhiều nghi ngại. Bởi lẽ, cao tốc TP. HCM - Trung Lương đã ngừng thu phí nhiều năm và đang xuống cấp vì không có đơn vị quản lý trực tiếp. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang giai đoạn thi công. Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn khởi động chậm chạp. Khi giao thông ì ạch mọi cơ hội gần như nằm ngoài khả năng hoạch định của người dân ĐBSCL.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vất về khă năng hoàn thành 300km cao tốc trước năm 2025. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng mục tiêu ấy hoàn toàn có cơ sở. Bằng chứng phân tích của ngành giao thông là hiện nay đã có 40km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cuối năm nay sẽ thông xe Trung Lương - Mỹ Thuận dài 24km và theo kế hoạch nhà đầu tư sẽ đưa vào sử dụng năm 2021. Có 7km kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2 đã triển khai cả 4 gói thầu, đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Có 23km cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tháng 12 này sẽ phát động khởi công, bố trí đủ vốn. Dự kiến năm 2023 từ TPHCM đến Cần Thơ sẽ chính thức có đường cao tốc xuyên suốt.
Theo tiên liệu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cuối năm nay Thủ tướng Chính phủ sẽ dự lễ khánh thành đường từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi, đã thông xe kỹ thuật và bố trí đủ vốn, đoạn từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống dài 26km, hiện đang hoàn chỉnh để công bố đường cao tốc. Như vậy tuyến TPHCM - Cần Thơ, Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi sẽ có hơn 210km. Thậm chí, một viễn cảnh khác là thông tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cà Mau vào năm 2025. Từ Cần Thơ đến Cà Mau, toàn bộ dự án sẽ được ưu tiên cho nhiệm kỳ tới. Đoạn cầu Cao Lãnh - An Hữu dài 30km khi làm xong, từ TPHCM đi Kiên Giang sẽ có nhánh thứ 2 đường cao tốc.
Để khắc phục hạ tầng giao thông yếu kém, ngoài tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang tập trung 4 trục dọc gồm đường Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp Mười kết nối Kiên Giang, Quốc lộ 1 nâng cấp, cao tốc TPHCM về Cà Mau, Quốc lộ 60 khởi công xây dựng qua cầu Rạch Miễu… Riêng trục ngang, sẽ có 4 trục gồm Quốc lộ 62 kết nối cửa khẩu Bình Điền, cao tốc Hồng Ngự - Trà Lĩnh kết nối cửa khẩu, trục song song Quốc lộ 91 làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Kiên Giang - Bạc Liêu và đoạn Rạch Giá - Xà Thía. Với các trục dọc và ngang chính, giai đoạn tới ĐBSCL sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng.
Băn khoăn 2 tỷ USD và lời hứa
Với thực trạng trên, 2 tỷ USD và bài toán giao thông miền Tây Nam bộ, quả thật còn nhiều vướng mắc đáng băn khoăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Từ TPHCM tới ĐBSCL hiện mới có 40km đường cao tốc. Quy hoạch là quy hoạch, nhưng làm ở đâu trước, nơi xe đông và lưu lượng xe nhiều thì phải tính toán, cái nào làm trước, cái nào làm sau, cái nào cấp bách. Yêu cầu Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT tham mưu Chính phủ giải pháp phù hợp nhất và hiệu quả nhất”.
Bên cạnh câu chuyện giao thông, hiện nay việc xây dựng hồ chứa nước ngọt cho ĐBSCL cũng đang được người dân chờ đợi. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Tây Nam bộ đang chịu tác động biến đổi khí hậu nên đã có chương trình ứng phó. Trước mắt, kế hoạch phát triển vùng bao gồm vấn đề nước mặn quá thừa vào mùa lũ, nước mặn quá ô nhiễm và nước mặt quá thiếu. Do đó, việc chuẩn bị hồ tích trữ nước ngọt, đặc biệt là hồ tứ giác Long Xuyên, chuẩn bị hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải ở vùng để phát triển vùng thừa nước, có nước, chuyển đổi quy mô lớn đặc biệt là nông nghiệp.
Về nước ngầm, hiện chỉ có 45% dữ liệu, bản đồ 1/50.000 chưa đủ dữ liệu, nhưng việc khai thác quá mức nước ngầm là vấn đề đáng lo ngại, nên cần phải có giải pháp khai thác, cung cấp nước hiệu quả. Vì khai thác quá mức không bảo vệ môi trường có thể dẫn tới xâm nhập mặn, cần phải bảo vệ, điều tra tốt mức khai thác nước, chất lượng nước, phát triển nước ngầm thông qua mùa lũ nghiên cứu phương án sử dụng hiệu quả tầng nước ngầm.