Bà Rịa - Vũng Tàu: Những làng nghề văn hoá

Hoàng Mai|25/11/2022 16:02

Làng nghề được xem là di sản về không gian sống, hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa đặc sắc, nơi lưu giữ kí ức của bao thế hệ. Chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu luôn trân trọng những nét đẹp truyền thống ấy, ngoài việc lưu giữ, động viên người dân giữ gìn, phục hồi và phát triển các hoạt động, sinh hoạt của làng nghề. Làng nghề đã trở thành một trong những điểm đến thú vị cho du khách tìm hiểu về con người và văn hóa nơi đây.

"Rượu Hoà Long ai đong nấy uống"

Có lẽ vì chất rượu thơm nồng, đậm đà và đặc trưng của loại thức uống này mà giới “mộ tửu” trong lúc trà dư tửu hậu đã ngẫu hứng “chế tác” ra câu thơ truyền khẩu từ bao đời nay ở xứ này. Giải thích về câu dân gian này, anh N N T – hướng dẫn viên du lịch cho rằng: chính vì chất lượng ngon của rượu nên khi ngồi nhậu với nhau các “đế tửu” thường đưa ra quy định ai uống được bao nhiêu thì tự tay rót bấy nhiêu, không ép, kẻo phí rượu.

dac-san-mua-ve-lam-qua-o-vung-tau-6-min-compressed.jpg

Xét về đặc trưng văn hóa vùng miền, kinh nghiệm phát triển du lịch người ta hay gắn một vùng đất với những con người nổi danh nào đó, hay có khi chỉ là một đặc sản... Vùng đất BRVT có nhiều thứ để nói, để đến... mà rượu Hòa Long được nhắc đến như là một trong những điểm nhấn. Cũng giống như hương rượu ngô, rượu táo mèo đã làm say đắm lòng người bởi đôi mắt thăm thẳm của những cô gái Mèo miền sơn cước, hương rượu nếp nồng nàn như đôi má đỏ hồng của những thôn nữ Bắc Bộ, hay cái say ngất ngưởng, đậm đà trong hương rượu Bàu Đá (Bình Định) miền Trung.

Hòa Long (BRVT) cũng có một làng nghề như thế, nghề nấu rượu từ xưa với bí quyết riêng làm nên vị nồng nàn riêng biệt, cuốn hút người thưởng thức. Dù không biết bí quyết riêng ấy là gì, nhưng ta vẫn nghe người ta rủ rỉ với nhau về sự độc đáo của loại rượu thấm đậm men say này.

Trao đổi với chúng tôi, một nghệ nhân của một lò rượu ở Hòa Long chia sẻ: Để cất ra những vò rượu ngon, trước hết loại gạo được chọn để nấu phải còn nguyên lớp cám, phải nấu bằng nồi đất, sau khi cơm nguội vừa và trộn men thì phải được ủ trong chum sành, dùng bao bố để buộc chặt miệng chum. Thời gian ủ chừng 3 ngày đêm, rồi sau đó pha nước lạnh để chưng cất, và nồi nấu cũng phải bằng đất nung... Ở một góc nhìn khác, giới mộ điệu nhận định tóm tắt rằng, cái làm nên hương vị khác biệt của rượu Hòa Long được khởi đi từ mạch nguồn nước giếng mát ngọt của vùng đất đỏ bazan, từ men làm thủ công theo bí quyết gia truyền và quy trình chưng cất bởi đôi tay khéo léo của những nghệ nhân bậc thầy.

images5420209_4-compressed.jpg

Có lẽ chính cách làm thủ công từ nguyên liệu đến chế biến mang đậm hồn quê nên trong cái vị nồng say ấy đã chuyên chở tình quê hương.

Khách du lịch thập phương, trong nước và thế giới đến với Hòa Long để xem người dân làng nghề ủ gạo, nấu rượu... và thưởng thức, cảm nhận men say chạy trong thanh quản “uống tới đâu, thấm tới đó”, và mang theo về một vài chai rượu làm quà, món quà giản mộc mà sao quý giá, luyến nhớ đến lạ thường.

Bún Long Kiên, nơi giữ vàng - giữ ngọc cho đời sau

Làng bún Long Kiên ở phường Long Tâm, TP. Bà Rịa có xuất xứ từ miền Bắc, theo chân những người di cư Hải Phòng vào Nam.

file-1611767882699-compressed.jpg

Nghề làm bún nay đây có lịch sử khởi đầu cũng khá nhỏ, chỉ có khoảng dăm hộ gia đình tổ chức làm bún. Nhưng có lẽ do “địa lợi, nhân hòa” ở đất này, sự kết hợp hòa quyện giữa gạo với nước của vùng đất này cho ra sợi bún rất ngon thơm, trắng mịn và mang dư vị đặc trưng của xứ biển mặn mòi.

Người dân nơi đây đã chọn loại gạo Nàng Sậu, gạo Sơ Ri do họ tự tay cấy trồng trong 6 tháng. Hạt gạo có màu trắng xanh, nhỏ hạt, dài hơn các loại gạo khác và nấu nhanh chín. Cùng với nguồn nước ngọt mát thấm đẫm trong hạt gạo dẻo thơm ấy đã kết tinh ra sợi bún ngon, dẻo, trắng ngần... làm nên thương hiệu bún Long Kiên nổi tiếng.

huong-dan-cach-lam-bun-tuoi-tai-nha-don-gian-khong-can-dung-may-760x367-compressed.jpg

Du lịch đến với làng nghề này ngoài việc được thưởng thức món bún sạch (không chất bảo quản) ăn kèm với thịt nướng, chả giò, rau sống và nước mắm chua ngọt, được tham quan tìm hiểu qui trình làm bún theo cách thủ công quả là những trải nghiệm khó quên.

Làng nghề cả trăm năm ấy đã được người dân tiếp nối và lưu giữ lấy hương vị, thương hiệu và sự uy tín mà ông cha họ để lại như giữ vàng - giữ ngọc trong nét văn hóa cổ truyền cho ngàn đời sau.

Bánh tráng An Ngãi

Người dân xã An Ngãi (huyện Long Điền) cũng không biết nơi đây đã làm nghề bánh tráng từ khi nào, chỉ biết rằng bánh tráng đã trở thành món ăn đặc trưng, dân giã không thể thiếu trong đời sống của họ. Những người cao niên nơi đây đã kể lại rằng, họ đã ngồi tráng bánh từ những ngày còn thiếu nữ, món ăn ấy không quá đặc biệt, nhưng lại không thể thiếu trong mâm cơm của những dịp Lễ, Tết, giỗ, cúng... Từ chiếc bánh nem để cuốn chả giò, bánh lớn để cuốn dưa giá, thịt luộc,... đã hiện diện thường xuyên trong “gu” ẩm thực của người dân nơi này.

banh_trang_2_-compressed.jpg

Nguyên liệu chính để làm bánh tráng chính là gạo tẻ ngâm rồi đem xay thành bột mịn, sau đó lọc nước chua đi rồi pha bột với nước sao cho khéo, trên ngọn lửa liu riu, tráng phải nhanh tay và đều thì bánh mới tròn, mỏng. Đặc biệt, người làm bánh còn phải biết nhìn trời, cây cỏ, hơi sương để biết ngày mai nắng đẹp hay trời âm u để tráng bánh trong đêm, rồi phơi khi trời vừa nắng lên.

Lâu dần, làng nghề “cha truyền con nối” ấy có trên 150 hộ làm bánh tráng. Và không còn chỉ phục vụ cho người dân khu vực, không chỉ là bày tỏ lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết. Bánh tráng An Ngãi đã theo chân du khách đến những nơi xa, hương vị mộc mạc nghĩa tình ấy cứ theo đi và lan tỏa khắp mọi miền.

Ngoài việc được chính quyền địa phương công nhận là Làng nghề truyền thống, sản vật quê hương được công nhận, được hỗ trợ để phát triển ngành nghề. Bánh tráng An Ngãi còn được nằm trong đề án phát triển kinh tế gắn khâu sản xuất với tiêu thụ, phương tiện sản xuất được đầu tư hiện đại theo tiêu chuẩn: máy xay bột, cải tạo sân phơi, nguồn cung nước sạch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Những làng nghề văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO