"Bài toán" bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa

Bảo Hân (tổng hợp)|26/12/2022 19:07

Việc dự trữ xăng dầu thấp dễ dẫn tới tình huống khi thị trường biến động, nhu cầu tăng cao hoặc khi thế giới bất ổn về nguồn cung, nguồn cung trong nước có vấn đề... sẽ dẫn đến việc điều hành xăng dầu gặp khó khăn

Dự trữ xăng dầu chỉ đủ cho 7 ngày sử dụng

Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đưa ra tại họp báo chuyên đề ngày 26/12. Bà cũng cho biết từ đầu năm 2022, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, nguồn cung có nhiều bất ổn dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Do đó, việc tăng mức dự trữ xăng dầu rất cần thiết.

dau_1_e9c0a_1_.jpeg
Dự trữ xăng dầu quốc gia đang ở mức thấp. Ảnh: Petrolimex.

"Trong Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ dự trữ về lưu thông thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, sản xuất cung ứng xăng dầu... 15-20 ngày, dự trữ sản xuất khoảng 90 ngày. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đáp ứng được 7 ngày sử dụng", Phó tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết.

Theo bà Giang, Tổng cục DTNN được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính đang thảo luận mức dự trữ xăng dầu quốc gia phù hợp để có ý kiến cùng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Theo tìm hiểu của phóng viên VLR, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2022, giải thích hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại nhiều địa phương xảy ra khi đó, đại diện Bộ Công thương cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một nguyên nhân khác là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi các chi phí này lại chưa được cơ quan quản lý nhà nước (liên Bộ Công thương - Tài chính) tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho nên doanh nghiệp đành hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, đơn vị đối mặt nhiều khó khăn trong kinh doanh xăng dầu do mức chiết khấu thấp, có thời điểm chiết khấu khoảng 50-70 đồng/lít, thậm chí 0 đồng/lít, dẫn đến thu không đủ bù chi. Trên thực tế, mức chiết khấu phải đạt từ 1.300 đến 1.500 đồng/lít mới đủ bù đắp các khoản chi phí, giúp đơn vị duy trì hoạt động.

Ngoài ra, do nguồn cung không ổn định, thường xuyên bị gián đoạn khiến doanh nghiệp đối diện tình trạng “khó chồng khó”. Nếu tiếp tục kinh doanh sẽ càng thua lỗ, nhưng nếu dừng hoạt động, lực lượng chức năng kiểm tra thấy còn hàng, thì sẽ bị xử phạt, thu hồi giấy phép.

Phần lớn doanh nghiệp khẳng định, việc kinh doanh thua lỗ, nguồn hàng bị đứt gãy thời gian qua là hệ quả tất yếu của những cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân chính do các chi phí như vận chuyển, logistics, phí hao hụt, bảo quản bồn bể,... chưa được tính đúng, tính đủ đưa vào cấu thành giá cơ sở xăng dầu khiến doanh nghiệp bị “đội” chi phí lên rất nhiều.

Vì vậy, liên Bộ Công thương - Tài chính cần nghiên cứu, đưa ra giá bán lẻ hợp lý, bảo đảm chi phí lưu thông, tránh hạ giá lấy thành tích nhưng tăng lỗ cho doanh nghiệp. Về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, quy định hiện nay sẽ điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 trong tháng, không nên điều chỉnh lùi thời gian điều hành khi có các kỳ nghỉ. Thực tế cho thấy, có kỳ nghỉ kéo dài đến năm ngày, thậm chí là chín ngày, trong khi thị trường xăng dầu biến động liên tục. 

Khi giá thế giới thay đổi, chỉ một ngày sau mức chiết khấu đã thay đổi, do đó, cần phải có sự điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường. Đồng thời, nghiên cứu rút ngắn thời kỳ điều hành giá xuống từ năm đến bảy ngày, lúc đó sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, hạn chế tình trạng “găm hàng”, đợi giá cao mới bán.

Tháo gỡ từ chính sách


Vào cuối tháng 10/2022, Bộ Công thương cho biết sẽ triển khai tám giải pháp để góp phần sửa chữa những “đứt gãy” và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Trong đó, Bộ sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực nhập khẩu hay mua xăng dầu trong nước.

Bên cạnh việc theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp theo quy định, các cơ quan liên quan cần ban hành các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt, tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp.

001_20221105163417.jpg
Phải tách biệt dự trữ nhà nước với dự trữ doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Riêng về vấn đề nhiều doanh nghiệp rất quan tâm là điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, dù chi phí đưa xăng dầu nhập khẩu về cảng và premium (chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu) trong nước đã được Bộ Tài chính điều chỉnh vào áp dụng từ ngày 11/10 trong giá xăng dầu cơ sở, nhưng chi phí này vẫn tiếp tục tăng rất cao.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, chiều ngày 04/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Ngay trong chiều 04/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. 

Đã đến lúc, Bộ Công thương cần cân đối lại lượng cung cầu, làm sao để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bình ổn. Đồng thời, xem xét ở nhiều góc độ trong vận hành cơ chế điều hành để cân đối, có thể áp dụng các biện pháp kinh tế mạnh, song cũng nên tránh những cú sốc như vừa qua khi thu hồi giấy phép của một số doanh nghiệp đầu mối, dẫn đến hiệu ứng ngược không như mong muốn” - PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viện Tài chính) từng chia sẻ ý kiến.

Theo các chuyên gia đánh giá việc Bộ Công Thương đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu lên 30 ngày là hợp lý và cần thiết. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là huyết mạch của nền kinh tế, sử dụng cho hầu hết các ngành sản xuất, đồng thời cũng sử dụng trong tiêu dùng. Do vậy, các quốc gia đều dự trữ xăng dầu.

Hiện nay, có khoảng 29 nước quy định phải dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho nền kinh tế. Đối với Việt Nam, mức dự trữ chỉ 5-7 ngày là quá ít, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tạo ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, nhận định này có cơ sở.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định Nhà nước cần bỏ tiền đầu tư sớm xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia chứ không gửi trong kho của doanh nghiệp như hiện nay. Bởi gửi dự trữ xăng dầu quốc gia vào trong hệ thống kho của doanh nghiệp rất bất cập, khó kiểm tra, khó quản lý.

Việc chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh cũng khó khăn trong quản lý hoạt động nhập, xuất, luân phiên đổi hàng và khó xác định chính xác tỉ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia trong quá trình nhập, xuất, bảo quản....





Bài liên quan
  • Rà soát, chấn chỉnh các mối liên kết trong chuỗi cung ứng kinh doanh xăng dầu
    Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đơn thuần là năng lượng cho sản xuất, đời sống mà còn là an ninh quốc gia. Nên đây được coi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật giá trị và phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Bài toán" bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO