Giá xăng dầu tăng cao đang gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp logistics
Năm 2022, nhiều hoạt động kinh tế mở cửa, thích ứng với tình hình mới nhưng lượng hàng hóa qua cảng biển chưa khởi sắc. Theo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, tháng 1, tổng lượng tàu vào vùng nước cảng biển TP. HCM giảm, cụ thể đạt 8.455 lượt (tương đương với 93% so với cùng kỳ năm trước). Qua tháng 2, dù có sự tăng trưởng nhẹ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30% - 35% chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Do đó, giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới đã lập tức gây tác động lớn đến các doanh nghiệp logistics.
Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid 19 làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, các doanh nghiệp logistics còn đối mặt thiếu lụt lực lượng lao động nghiêm trọng. Khảo sát Hội viên HLA, có thời điểm các doanh nghiệp thiếu hụt 20% - 30% nhân sự.
Trong khi đó, chi phí để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp logistics không ngừng tăng cao khi áp dụng các biện pháp phòng dịch “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”… Dù vậy, các doanh nghiệp trong ngành logistics vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp dòng lưu chuyển hàng hóa được thông suốt, giảm thiểu tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng do tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Đầu năm 2022, các doanh nghiệp logistics mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển tiếp tục tăng cao và nhất là chi phí xăng dầu liên tiếp “lập đỉnh”. Khó khăn chồng chất đang tạo áp lực tăng giá rất lớn lên các doanh nghiệp logistics.
Đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đều ký hợp đồng với đối tác trong thời gian dài. Muốn điều chỉnh giá cước cũng cần phải có thời gian đàm phán mất ít nhất cũng 5 - 7 ngày. Trong điều kiện giá xăng dầu biến động lớn từng tuần như vừa qua, các doanh nghiệp logistics đang phải gồng mình lên bù lỗ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông HLA cho hay: Với thị trường giá nhiên liệu được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra lạm phát cao trong năm 2022, các doanh nghiệp logistics thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động. Nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời thì việc tăng giá dịch vụ logistics là không tránh khỏi. Điều này không chỉ tác động gián tiếp lên giá các mặt hàng khác mà còn làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam.
Để giảm áp lực tăng giá đè nặng lên vai các doanh nghiệp logistics, hỗ trợ phục hồi sản xuất, Hiệp hội Logistics TP.HCM đề xuất cần miễn giảm một số loại thuế phí như phí sử dụng đường bộ đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời, TP. HCM cũng cần xem xét hoãn việc thu phí hạ tầng cảng biển áp dụng từ ngày 01/4/2022 tới đây.
Trước đó tại kỳ họp thứ 23 ngày 09/12/2020, HĐND TP. HCM đã thông qua Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP với mức phí khá cao. Cụ thể, hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu chịu phí 2,2 triệu đồng/container 20 feet hàng khô và 4,4 triệu đồng/container 40feet. Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container chịu phí 50.000 đồng/tấn.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thu 500.000 đồng/container 20feet; 1 triệu đồng với container 40feet và 30.000 đồng một tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM thu số tiền phí thấp hơn một nửa so với mức trên.
Ngoài ra, Hiệp hội Logistics TP. HCM cũng kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường công tác giám sát nguồn cung, đảm bảo không để xảy ra việc cố ý đầu cơ khiến chi phí xăng dầu tăng cao. Tăng năng lực, hiệu quả của công cụ quỹ bình ổn xăng dầu, để từng bước điều tiết giá xăng dầu trên thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hình thức cung ứng tiến tới xanh hóa để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề xuất chính phủ xem xét lại các loại thuế phí, vì theo nhận định của các doanh nghiệp hiện nay, các loại thuế phí đã chiếm 38 - 40% cơ cấu giá xăng dầu.