(Vietnam Logistics Review)Trong những năm qua, Bình Dương đã tập trung đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics, bước đầu đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, cảng sông, cảng ICD và dịch vụ hỗ trợ khai báo hải quan,… đã góp phần đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Lớn về quy mô
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 4 cảng sông là cảng An Sơn (TX. Thuận An), cảng Thạnh Phước (TX. Tân Uyên), cảng Bình Dương (TX. Dĩ An), cảng Bà Lụa (TP. Thủ Dầu Một). Ngoài các cảng sông nói trên còn có 64 bến thủy nội địa đang hoạt động, cung cấp dịch vụ vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa các loại. Các dịch vụ cảng đường sông và bến thủy nội địa hiện đang hoạt động rất phát triển, phục vụ tốt cho việc bốc dỡ hàng hóa, lưu kho và thông quan nội địa.
Bên cạnh đó, dịch vụ kho hàng hóa được đầu tư phát triển với quy mô lớn. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 48 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp như: vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ XNK; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan, dịch vụ bán cước phí tàu biển,… cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN trong tỉnh và khu vực. Trong những năm qua, nhiều DN đã đầu tư kho bãi lớn như kho vận Sóng Thần I; Công ty TNHH Kery Integrated logistics Việt Nam; Công ty 3/2 phường Bình Hòa; Khu kho vận Mapletree thuộc khu VSIP II; Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam;...
Đại diện Sở Công Thương cho biết, ngành dịch vụ logistics hiện nay đang là một trong những ngành được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào tỉnh Bình Dương ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói đa dạng, đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Bình Dương phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông phân phối trong nước và XNK.
Trong 2 năm trở lại đây một số DN đã đầu tư, mở rộng quy mô kho hàng. Năm 2015, TBS Logistics (thuộc Tập đoàn TBS Group) đã cùng với APL Logistics (thuộc Tập đoàn American President Lines) hoạt động tại VN, khánh thành Kho 5 - nhà kho hàng hóa có diện tích và quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực kho vận – logistics của APL hiện nay. TBS Logistics có quy mô 115ha; tổng vốn đầu tư 125triệu USD, trong đó đã đưa vào khai thác: 35ha và đang đầu tư xây dựng 45ha. Tổng diện tích các Kho: 135.000m2. Bà Nguyễn Thị Vui, Giám đốc TBS Logistics cho biết: “có thể nói rằng, hiện tại kho của TBS Logistics là nhà kho hiện đại được trang bị các thiết bị xếp dỡ, quản lý lưu trữ, an ninh hàng hóa, dịch vụ khai thuê hải quan, đóng gói, nhãn mác… với mong muốn trở thành trung tâm trọng điểm logistics đáng tin cậy tại VN và là đối tác logistics chiến lược của khách hàng trong nước và quốc tế”.
Hay như, Công ty Cổ phần Logistics U&I trực thuộc Unigroup có diện tích kho lên đến 178.851 m2. Với kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị vận hành hợp
chuẩn, hệ thống kho của U&I Logistics luôn đáp ứng tối đa nhu cầu khắt khe của khách hàng, đồng thời đã tạo sự tín nhiệm cao từ khách hàng, với các thương hiệu nổi tiếng như: Magnussen Home Furnishings, Home Herritage Group, Elements International Group,... trong nhiều năm qua luôn lựa chọn U&I Logistics là đối tác tin cậy.
Tiếp tục thu hút đầu tư hạ tầng
VN hiện đã và đang ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương như FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Để tận dụng những lợi thế từ các hiệp định này và tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư, Bình Dương đã đề ra mục tiêu phát triển loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn.
Theo đó, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các cảng; duy trì hoạt động của các bến thủy nội địa hiện hữu đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận chuyển du lịch và các mặt hàng nhỏ, lẻ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, đề xuất mở thêm một số bến thủy trên sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Tính để phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, phân bón,… đảm bảo mỗi huyện có ít nhất 1 bến thủy (trừ huyện Phú Giáo). Đối với hệ thống cảng ICD, tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 dự án Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An với diện tích quy hoạch 20ha. Mặt khác, chú trọng phát triển các tuyến vành đai để tăng khả năng kết nối toàn mạng lưới, xây dựng tuyến quốc lộ 13 trên cao, đường vành đai 3 TP.HCM, trục Đông – Tây Dĩ An,… Đồng thời, chú trọng phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là loại hình xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đề xuất của ông Huỳnh Văn Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương về nhiệm vụ phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương giai đoạn (20162020) và định hướng giai đoạn 2021-2025, phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ và tương thích về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của khu vực; các dịch vụ kho bãi (dịch vụ logistics về kho bãi hay gắn với kho bãi) phải từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại. Ngoài ra, phát triển hệ thống kho bãi dựa trên sự cân đối giữa nhu cầu về kho bãi và khả năng nguồn lực đầu tư phát triển kho bãi của xã hội, bảo đảm kho bãi và kinh doanh khai thác kho bãi đạt hiệu quả kinh tế cao và ổn định.