Xanh hóa sản xuất và tiêu dùng - Chìa khóa cho phát triển bền vững

Châu Minh Chinh|11/03/2025 09:58

Hội thảo không chỉ cung cấp cái nhìn toàn diện về xanh hóa sản xuất và tiêu dùng, mà còn mang đến những giải pháp thực tiễn giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng. Các chuyên gia đã trình bày về: Chiến lược tích hợp ESG trong doanh nghiệp thực phẩm; Ứng dụng công nghệ sạch để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng; Các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững; Những mô hình thành công trong chuỗi cung ứng xanh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, và người tiêu dùng ngày càng khắt khe với sản phẩm họ sử dụng, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng không còn là một xu hướng, mà đã trở thành điều kiện sống còn cho doanh nghiệp.

Sáng ngày 11/3/2025, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức hội thảo “Thực hành xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng”. Sự kiện này là một phần trong chuỗi hoạt động của Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP.HCM 2025 (HCMC FOODEX 2025), diễn ra từ ngày 16 - 19/4/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Sản xuất xanh: Xu hướng hay yêu cầu bắt buộc?

Không còn là lựa chọn xa xỉ hay trào lưu nhất thời, xanh hóa sản xuất đã trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp sống sót và vươn xa. Theo bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững không chỉ giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mở ra cơ hội gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

z6394872163120_08c0a25a6a369045250ce887207de4cd.jpg
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC

Năm 2024 ngành chế biến thực phẩm Việt Nam tăng trưởng 7,4%, nhưng vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU. Các tiêu chuẩn như GHG (phát thải khí nhà kính), EURD (quy định phát triển bền vững của EU), ESG (môi trường – xã hội – quản trị) đang tạo ra thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt. Điều này buộc ngành thực phẩm phải đầu tư mạnh vào công nghệ sạch, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, cho biết:

trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng không chỉ giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế dài hạn, nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Người tiêu dùng đã thay đổi – Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Một sự thật không thể phủ nhận: Người tiêu dùng đang ngày càng thông thái và có trách nhiệm hơn với môi trường. Về mặt tiêu dùng, người dân TP.HCM ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. 59% người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các sản phẩm xanh trong thời gian tới, với 44% người dùng sẵn sàng chi thêm từ 5-10% giá so với sản phẩm thông thường để hỗ trợ tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng xanh vẫn còn thấp do giá thành sản phẩm xanh cao và thiếu thông tin về lợi ích của việc tiêu dùng xanh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của Việt Nam ước tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%; ngành khai khoáng giảm 6,5%, riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành chế biến lương thực thực phẩm vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn thực phẩm và môi trường ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU,...

Rõ ràng, doanh nghiệp nào sớm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu này, doanh nghiệp đó sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Hội thảo mang lại gì cho doanh nghiệp?

itpc-11.3.jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo

Sản xuất xanh đang từ xu hướng trở thành yếu tố tất yếu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành lương thực thực phẩm. Tại TP.HCM, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, việc phát triển sản phẩm xanh và ứng dụng công nghệ sạch là chìa khóa giúp doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày tổng quan về các hoạt động môi trường và bối cảnh phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm. Các phương án phát triển và tích hợp ESG cho doanh nghiệp lương thực thực phẩm (LTTP) cũng được phân tích sâu sắc, cùng với các quy chuẩn về phát triển bền vững như GHG, EURD, báo cáo bền vững và nhãn xanh, nêu rõ cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các mô hình mẫu về áp dụng thực hành tốt trách nhiệm xã hội, môi trường và bền vững trên chuỗi cung ứng và kinh doanh của ngành thực phẩm cũng được giới thiệu. Đặc biệt, Hội thảo còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về thực hành xanh hóa trong sản xuất, mang đến những góc nhìn sinh động và thiết thực cho các doanh nghiệp tham dự.

z6394872228970_e3f34f4f6f851001699efee937936a54.jpg
Cac Diễn giả đã trình bày tổng quan về các hoạt động môi trường và bối cảnh phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm

Lời giải cho bài toán phát triển bền vững

Thông qua hội thảo, ITPC kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong thời đại mà người tiêu dùng là "vua", nếu doanh nghiệp không thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới, họ sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi.

HCMC FOODEX 2025 tới đây sẽ là cơ hội vàng để các doanh nghiệp ngành thực phẩm tiếp cận công nghệ tiên tiến, tìm kiếm đối tác chiến lược, và đón đầu xu hướng xanh hóa sản xuất – tiêu dùng.

Bài liên quan
  • Bài 1: Giải pháp Vàng cho Doanh nghiệp Logictics trong chuyển đổi kép
    Trong bối cảnh các hiệp định thương mại EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu), CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, việc áp dụng vKHO không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý mà còn đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững – yếu tố quan trọng để tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xanh hóa sản xuất và tiêu dùng - Chìa khóa cho phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO