Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép gia hạn tiến độ dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 và các trạm của VEC sang năm 2020 - Ảnh minh họa
Nhà đầu tư giai đoạn 2 chưa hoàn thiện thủ tục lập doanh nghiệp dự án
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai dự án thu phí tự động không dừng.
Bộ GTVT cho biết, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 dự án. Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đến nay, đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.
"Đối với 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý, chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019. Bốn tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 (trừ 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý) đã thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT cho biết.
Với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết có tổng số 33 trạm, bao gồm: 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án đã lựa chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Vietinf và một số doanh nghiệp công nghệ khác là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019.
"Hiện nay, nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định. Việc chưa thành lập được doanh nghiệp dự án ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện do nhà đầu tư chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo. Với tiến độ thành lập doanh nghiệp dự án chậm như hiện nay, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT cho biết thêm.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Đề cập đến những vướng mắc của dự án, Bộ GTVT cho biết, việc triển khai các dự án do VEC quản lý có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, dẫn đến 4/5 tuyến cao tốc thực hiện rất chậm, khó có thể hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Nguyên nhân do nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị ETC tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC", Bộ GTVT cho biết.
Việc chủ phương tiện vẫn chưa
Cũng theo Bộ GTVT, đến thời điểm này cơ bản các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã được lắp đặt, vận hành, bước đầu tạo sự thuận lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Ngoài ra, việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng.
Số lượng phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao với khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC). Nguyên nhân việc dán thẻ miễn chưa đạt được như mục tiêu. Việc bắt buộc các phương tiện chưa đán thể không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện.
"Do gặp khó khăn, vướng mắc như trên, nhà đầu tư dự án đã đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện. Sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, Bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc nhà nước tiếp nhận lại dự án mà sẽ tiếp tục phối với với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai nhằm đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT thông tin.
Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, tư cách pháp nhân của Viettel đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu cũng như quy định pháp luật, đã được Bộ Quốc phòng chấp thuận chủ trương cho phép Viettel tham gia đấu thầu thực hiện. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, để Viettel có thể thành lập doanh nghiệp dự án cần phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Đến thời điểm này (sau 6 tháng), thủ tục để Viettel thành lập doanh nghiệp dự án vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, đến nay dự án vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo.
Tại Công điện số 849/2017 của Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu nhà đầu tư đường hoạt động thu phí đối với các dự án có trạng thư phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/2018. Tuy nhiên, việc chưa thành lập doanh nghiệp dự án của Viettel không phải lỗi của nhà đầu tư BOT nên Bộ GTVT không đủ cơ sở dừng thu phí các trạm không kịp triển khai thu phí không dùng trước ngày 31/12/2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị gia hạn sang năm 2020
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT cho biết sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm thu phí. Trong đó, yêu cầu Công ty VETC đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt, vận hành thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phi quan lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án.
Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ phối hợp với nhà đầu tư dự án tập trung hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận để xuất của Bộ Quốc phòng cho phép Tập đoàn Viettel được thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
"Đồng thời, gia hạn thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí thuộc giai đoạn 2 và các dự án cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020", Bộ GTVT kiến nghị.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí do VEC quản lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện; Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng TMCP có giải pháp để hỗ trợ, tái cơ cấu khoản vay và giữ nguyên nhóm nợ theo phương án tài chính do bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm giá, chưa tăng giá theo lộ trình hợp đồng ký kết và các điều kiện khách quan, dẫn đến việc sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT, tạo điều kiện thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dịch vụ và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng.