(Vietnam Logistics Review) Hệ thống tàu điện ngầm tại TP.HCM (các tuyến Metro) đã và đang có những bước chuẩn bị rất tích cực. Sự ra đời của hệ thống metro này sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, sẽ là động lực để các thành phần khác của hệ thống logistics được cải thiện và phát triển. Quá trình vận chuyển hàng hóa và con người trong đô thị sẽ được thực hiện một cách thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Các tuyến Metro theo quy hoạch
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP. HCM sẽ có 8 tuyến metro gồm: Tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương); tuyến 3A: (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến 3B (Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước); tuyến số 4A (cầu Bến Cát - Khu đô thị Hiệp Phước), tuyến 4B (công viên Gia Định - Lăng Cha Cả); tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc); tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm). Ngoài ra, còn có 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Về tổng quan, có thể thấy, tiến độ các tuyến Metro tại TP.HCM đang có những biến chuyển tốt.
Cụ thể, tại tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố sẽ đảm bảo kết thúc dự án vào năm 2020. Tổng mức đầu tư của dự án là 47.325,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, một số gói thầu tại tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có giá trị dự toán tăng thêm do điều chỉnh thiết kế. Tuy nhiên, việc này không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án theo phê duyệt.
Tại tuyến metro số 5 (cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc mới), đến nay đã thu xếp đủ nguồn vốn và hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Tổng mức đầu tư của dự án gần 41.615 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đến từ Chính phủ Tây Ban Nha, một số ngân hàng trên thế giới và vốn đối ứng của Việt Nam.
Các tuyến khác đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư và nghiên cứu thực hiện.
Tạo động lực phát triển cho ngành logistics
Sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, các tuyến Metro sẽ góp phần giảm lượng lưu thông bằng phương tiện cá nhân, giảm đáng kể mật độ xe lưu thông trên đường, từ đó, bài toán ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trọng điểm được giải quyết. Vấn đề ô nhiễm khói bụi do các loại phương tiện cá nhân cũng được giảm, môi trường thành phố sẽ trở nên trong lành hơn. Mặt khác, áp lực của hệ thống kết cấu hạ tầng cũng sẽ giảm và từ đó, thành phố sẽ có điều kiện hơn cho việc mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu trở nên thoáng đãng và hiện đại hơn.
Khi kết cấu hạ tầng được cải thiện, hình thái đô thị cũng sẽ có hướng chuyển biến tích cực hơn. Các hình thức di chuyển theo kiểu truyền thống sẽ chuyển sang hướng hiện đại hơn. Sự vận động trong thành phố sẽ mang tính cộng đồng cao hơn và từ đó mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội lớn hơn.
Việc người dân thành phố chuyển dần từ hoạt động mang tính cá nhân sang hình thức cộng đồng sẽ tác động đến việc hình thành các trung tâm phức hợp phục vụ số đông. Từ đó, hiệu quả sử dụng đất của thành phố sẽ được tăng lên. Mặt khác, kích thích được sự năng động tạo điều kiện cho các thành phần và yếu tố mới của đời sống xã hội được hình thành và phát huy. Diện mạo của thành phố từ đó sẽ có những sự thay đổi lớn, vì lúc này nguồn lực của thành phố sẽ dành cho những công việc khác thay vì phải dành phần lớn ngân sách để giải quyết vấn đề của giao thông. Áp lực đối với việc phát triển kết cấu giao thông giảm sẽ làm cho những kế hoạch phát triển sẽ căn cơ hơn, và việc đầu tư sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Trong các hình thức vận chuyển, có thể nói hình thức tàu điện ngầm là hiện đại nhất. Tuy phải đầu tư rất lớn, nhưng về lâu dài thì tàu điện ngầm sẽ giải quyết cùng lúc rất nhiều vấn đề trong logistics, nhất là việc vận chuyển hành khách trong đô thị. Việc hình thành các tuyến tàu điện ngầm sẽ giải quyết nhiều vấn đề về logistics của thành phố như việc sinh hoạt của người dân sẽ gắn kết nhiều hơn với các hệ thống giao thông công cộng và góp phần tạo ra những mối quan hệ hiệu quả hơn trong các thành phần của đô thị. Các chung cư, các trung tâm mua sắm, các cơ quan hành chính sẽ gắn chặt chẽ hơn với hệ thống tàu điện ngầm.
Hệ thống các tuyến Metro sẽ tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội đối với những nơi nó đi qua. Tính đồng bộ của kết cấu hạ tầng thành phố sẽ được nâng cao và có tác động tích cực đến quá trình phát triển các hệ thống vận tải. Hệ thống tàu điện ngầm làm tăng tính cạnh tranh giữa các hình thức vận tải khác, mặt khác cũng làm tăng thêm tính kết nối giữa các hệ thống giao thông trong đô thị. Điều này tạo động lực rất lớn cho sự phát triển hài hòa, đồng bộ hệ thống logistics trong đô thị.