Cải cách hành chính: Kỳ vọng đột phá cho ngành logistics

08/06/2018 08:55

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt Bộ ngành đã vào cuộc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đây được xem là bước tiến đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và là kỳ vọng cho ngành logistics có bước đột phá trong tương lai gần.

(Vietnam Logistics Review) Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt Bộ ngành đã vào cuộc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đây được xem là bước tiến đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và là kỳ vọng cho ngành logistics có bước đột phá trong tương lai gần.

Những tín hiệu mừng

Theo các chuyên gia, hoạt động logistics có liên quan đến nhiều ngành, chịu tác động của nhiều yếu tố như hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ, thể chế... Vì vậy đi cùng với đầu tư hoàn thiện hạ tầng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải... đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Tiếp nối kết quả của năm 2017, mới đây Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2018. Theo đó cắt giảm, đơn giản hóa tiếp 54 thủ tục hành chính đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định của Thủ tướng và 7 Nghị định, góp phần nâng tổng số điều kiện, thủ tục cắt giảm là 729 điều kiện, chiếm tới gần 60% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý.

Cũng trong tháng 4.2018, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 767/QĐ - BGTVT ngày 17.4.2018 công bố phương án cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh, tương đương 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cụ thể, lĩnh vực hàng không cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, kế đến là đường sắt với 73,08%, đường bộ là 68,5%, đường thủy là 67,34%, hàng hải 65,08%, kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm 61,74%…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2014 đến 31.3.2018, Bộ đã thực hiện rà soát cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 thủ tục hành chính của ngành Tài chính (thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán và các lĩnh vực tài chính khác).

Đặc biệt trong 2 lĩnh vực quan trọng là thuế và hải quan, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, ngành Thuế đã cắt giảm được 244/542 thủ tục hành chính – đơn giản hóa 834 thủ tục hành chính; ngành hải quan đã cắt giảm được 84/246 thủ tục hành chính – đơn giản hóa 479 thủ tục hành chính.

Nhìn chung, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh được căn cứ trên các nguyên tắc chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm; phù hợp với các cam kết quốc tế; đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như điều kiện nguồn lực thực tế của Việt Nam.

Có thể nói, những quyết định cắt giảm mạnh mẽ, các Bộ, ngành theo hướng công khai minh bạch thông tin đã tác động mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư... góp phần quan trọng hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ.

Tạo động lực phát triển

Trong nhiều cuộc họp Chính phủ, hội nghị với doanh nghiệp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh, mục tiêu của nhiệm kỳ là hoàn thiện thể chế, trong đó có nội dung cải cách hành chính toàn diện. Trên thực tế, kết quả từ hoạt động cải cách quyết liệt đã có tác động tích cực lên nền kinh tế. Điều này minh chứng bằng những con số tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu...

Đơn cử như năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 400 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng trên 20%. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4.2018, cả nước tiếp tục xuất siêu 700 triệu USD, nâng mức xuất siêu sau 4 tháng đạt 3,39 tỷ USD.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính cần đi vào thực chất, chứ không phải gộp lại mang tính cơ học. Bởi lẽ, suy cho cùng mọi cải cách phải hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được tổ chức trong tháng 4.2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “Chi phí logistics cao là rào cản, gánh nặng cho doanh nghiệp và sẽ nhấn chìm “con tàu” kinh tế của Việt Nam”.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 20% - 21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Nếu tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.

Trên thực tế, các DN không chỉ chịu nhiều loại thuế, phí cao theo quy định mà còn “ám ảnh” về những khoản chi phí không chính thức với hàng loạt thủ tục rườm rà, phức tạp. Đơn cử như chi phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đã giảm từ 700.000 đồng/lần xuống còn 630.000 đồng/ lần. Nhưng theo tính toán của một DN chế biến cá ngừ, trong 1 năm, DN này cần tới 1.200 lần xác nhận với chi phí thẩm định là 756 triệu đồng/năm. Hay như chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo quy định hiện hành, mỗi năm, một DN sản xuất mặt hàng này phải chi khoảng 300 triệu đồng cho việc kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu. Do thời gian kiểm tra thực tế thường kéo dài từ 2 - 3 ngày, nên ngoài phí kiểm nghiệm, DN còn phải chịu khoản chi phí lưu kho, lưu bãi rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14% - 16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua và con số này có thể còn cao hơn nữa nếu công tác cải cách hành chính đi vào thực chất hơn.

Dẫu rằng còn nhiều việc phải làm nhưng với những kết quả đã đạt được, đặc biệt là sự quan tâm vào cuộc của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai sáng hơn, để đưa logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính: Kỳ vọng đột phá cho ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO