Cần khơi thông cơ chế để doanh nghiệp huy động vốn đầu tư PPP

Hà Phương|20/07/2021 15:07

(VLR) Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, tiến đến mục tiêu hoàn thành 3.800km cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó phương thức huy động vốn nhắm đến việc thu hút từ nhiều nguồn lực xã hội trong bối cảnh vay vốn tín dụng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế.

Tập đoàn Đèo Cả đã được nhiều địa phương mời tham gia triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (trong ảnh: hầm đường bộ Đèo Cả - một trong những dự án do Đèo Cả tham gia thực hiện)

Tập đoàn Đèo Cả đã được nhiều địa phương mời tham gia triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (trong ảnh: hầm đường bộ Đèo Cả - một trong những dự án do Đèo Cả tham gia thực hiện)

Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã được nhiều địa phương mời tham gia triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Doanh nghiệp này đã cùng các địa phương có báo cáo Chính phủ cụ thể về phương thức huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP, trong đó có phương thức huy động vốn trái phiếu, cổ phiếu… Phương thức huy động vốn nêu trên đã được sự đồng tình ủng hộ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đang áp dụng cho dự án cao tốc “Cam Lâm - Vĩnh Hảo”, được xem như một giải pháp phù hợp và khả thi trong vấn đề thu xếp vốn cho các dự án giao thông hiện nay. Theo nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế - phương thức này có thể nhân rộng mô hình áp dụng cho các dự án khác đang gặp khó khăn về vốn. Tuy vậy, các giải pháp then chốt về vốn với hy vọng sẽ khơi thông các dự án giao thông lại đang bị chững lại ở “mắt xích” Bộ Tài chính. Các nỗ lực của các địa phương, nhà đầu tư đang nhận được sự “im lặng” của các cơ quan thuộc bộ này trước các đề nghị rất khẩn thiết của doanh nghiệp về việc hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay dự án BOT.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “BOT là một hình thức kinh doanh đặc thù khi doanh thu tăng dần và lãi vay giảm theo thời gian cho nên hạch toán như hiện nay rất bất cập, không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Để giải quyết vướng mắc này, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị, đặc biệt đã buổi báo cáo nhiều lần đến lãnh đạo Bộ Tài chính, đồng thời đã gửi văn bản đến Bộ để hướng dẫn hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay của các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT”.

Trong thực tế, các vướng mắc tương tự như trên Bộ Tài chính đã từng tháo gỡ cho một số doanh nghiệp. Cụ thể Bộ Tài chính đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) từ 7/10/2009 và Công ty Cổ phần Tasco (HUT) ngày 03/7/2015 được áp dụng phương pháp thu hồi vốn đầu tư dự án (khấu hao tài sản hình thành từ dự án) và phân bổ chi phí lãi vay.

Tại thời điểm đó, trong công văn trả lời Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM, Bộ Tài chính đã cho rằng căn cứ đặc thù trong việc đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phương án thu phí hoàn vốn, cân đối vay trả nợ tín dụng, để đảm bảo cân đối tình hình tài chính của công ty trong quá trình khai thác dự án đồng thời nhằm khuyến khích, thu hút vốn đầu tư tư các tổ chức, cá nhân thực hiện mục tiêu xã hội hoá hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, Bộ Tài chính đồng ý áp dụng phương pháp thu hồi vốn đầu tư dự án và phân bổ chi phí lãi vay.

Ông Trần Văn Thế một lần nữa bày tỏ sự khó hiểu và cho rằng: “Hiện nay, có nhiều chỗ chúng ta đang làm khác với chuẩn mực quốc tế, làm ảnh hưởng lớn đến khả năng tham gia đóng góp phát triển của doanh nghiệp – nhà đầu tư. Các bất cập này tuy đã được nhận biết nhưng Bộ chủ quản đã để câu chuyện kéo dài, chưa giải quyết và không rõ bao giờ mới ban hành được vì quy trình tháo gỡ các khó khăn cho các dự án hạ tầng giao thông cấp bách đang gặp phải”.

Theo phản ảnh của các nhà đầu tư, việc chậm trễ này đã gây thiệt hại rất lớn trong hoạt động đầu tư, huy động vốn và đặc biệtlà hoàn cảnh các doanh nghiệp BOT đang phải mang “bệnh nền” về lãi vay phải trả, cùng với tình trạng dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong gần hai năm qua làm cho “sức đề kháng” có hạn đã đẩy doanh nghiệp đứng trước vô vàn khó khăn.

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả thông tin rằng sẽ tiếp tục kiến nghị đến Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) để báo cáo Chính phủ và kiến nghị đến Quốc hội trong thời gian tới nhằm gỡ khó cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đang bị vướng mắc kéo dài chưa giải quyết được như vấn đề đã trình bày trên.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần khơi thông cơ chế để doanh nghiệp huy động vốn đầu tư PPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO