Một góc khu tái định cư huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Internet)
Tổ đàm phán không đủ thẩm quyền?
Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả - Hải Thạch - 194 trúng thầu nhà đầu tư Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo kế hoạch, thời gian đàm phán trong tháng 2/2021, thời gian hoàn thiện hợp đồng đầu tháng 3/2021. Do trùng thời điểm vào Tết Nguyên đán và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến việc tổ chức đàm phán hợp đồng bị trễ. Đầu tháng 3/2021, lần đầu tiên, Bộ GTVT mới tổ chức cuộc đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, việc đàm phán lâm vào bế tắc do một số điều khoản chưa thống nhất, Tổ đàm phán của Bộ GTVT không thể quyết định mà cần phải xin ý kiến cấp trên và các cơ quan có liên quan khác.
Đại diện vụ PPP lý giải việc đàm phán kéo dài:“Quá trình đàm phán, nhà đầu tư đề cập đến nội dung liên quan về tài chính như quy chế, cơ chế giải quyết nguồn vốn Nhà nước, việc điều chỉnh bổ sung các hạng mục mà không do lỗi của nhà đầu tư và cơ chế chia sẻ rủi ro theo quy định của Luật PPP… vẫn chưa được các bên đồng thuận do chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể”. Đối với những nội dung “vượt thẩm quyền” trong quá trình đàm phán hợp đồng, Tổ đàm phán của Bộ GTVT sẽ phải tiếp tục xin ý kiến các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư để xem xét, xử lý.
Ông Phùng Tiến Thành, người được Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả và liên danh cử làm trưởng đoàn đàm phán hợp đồng dự án này không dấu được sự thất vọng. Ông Phùng Tiến Thành cho biết: “Tổ đàm phán của Bộ GTVT không đủ thẩm quyền quyết định các nội dung đàm phán với chúng tôi. Trước bất kỳ một vấn đề gì đang thương thảo để đi đến thống nhất thì họ lại đề nghị dừng đàm phán để xin ý kiến các bên liên quan. Điều đó mất rất nhiều thời gian và tạo ức chế cho nhà đầu tư”.
Đại diện liên danh nhà đầu tư dẫn ví dụ một trong các nội dung đến nay 2 bên chưa thể thống nhất được là về trạm dừng nghỉ: Theo Quyết định phê duyệt dự án số 2352/QĐ-BGTVT và Theo hồ sơ mời thầu của Bộ GTVT đã phát hành thì “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng cho trạm dừng nghỉ. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ trong thời gian thực hiện Hợp đồng Dự án theo đúng quy định pháp luật. Khoản chi phí đầu tư vào trạm dừng nghỉ không được tính vào Tổng mức đầu tư của Công trình Dự án và Phương án tài chính của Dự án. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tính toán rất cụ thể bỏ thầu với phương án giảm giá gần 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng khi đàm phán Hợp đồng Bộ GTVT lại yêu cầu bỏ trạm dừng nghỉ ra khỏi dự án, làm thay đổi bản chất của hồ sơ mời thầu. Quan điểm của nhà đầu tư là thực hiện đúng theo hồ sơ mời thầu”.
“Ký để làm được, không ký cho có”
Trước câu hỏi tại sao 2 dự án đấu thầu nhà đầu tư thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tương tự đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng mà liên danh nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa ký, ông Phùng Tiến Thành cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều bài học xương máu khi làm dự án Đèo Cả và giải cứu dự án Bắc Giang - Lạng Sơn đến Trung Lương - Mỹ Thuận. Các dự án này được các nhà đầu tư cũ ký Hợp đồng rất nhanh chóng với Bộ GTVT nhưng điều không thực hiện được vì hợp đồng đã ký phát sinh rất nhiều bất cập. Đến khi Tập đoàn Đèo Cả vào cuộc, chuyển cơ quan có thẩm quyền, mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán và thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án thì mới tháo gỡ được vướng mắc và triển khai thành công”.
Ông Phùng Tiến Thành cho biết thêm: “Chúng tôi đã giảm giá rất lớn đã xác định quyết tâm làm và tự tin với kinh nghiệm khoan hầm của đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ NATM, nếu ký kết hợp đồng sớm sẽ triển khai công việc theo đúng kế hoạch, tránh những rủi ro khi giá cả vật liệu tăng cao bất thường như hiện nay. Đối với các điều khoản chưa phù hợp thì các bên phải ngồi lại với tinh thần cầu thị, bình đẳng để thống nhất. Không nhất thiết phải ký nếu các vấn đề chưa rõ hoặc biết là sẽ gặp vướng mắc trong quá trình triển khai hay thanh quyết toán? Quan điểm của chúng tôi là ký để làm được, không ký cho có”.
Chỉ đạo “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật ”sẽ tạo ra giá trị nhưng…?
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp Thường trực về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là tạo lối mở cần thiết cho môi trường đầu tư hạ tầng giao thông đang có những đấu hiệu trì trệ.
Vấn đề then chốt hiện nay đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận diện và yêu cầu: “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”.
Thủ tướng Chính phủ đang đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc. Theo tổng kết mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm qua đất nước mới chỉ làm khoảng 1.200km đường cao tốc. Như vậy trong 9 năm còn lại, ngành giao thông phải hoàn thành khoảng 3.800km. Một khối lượng công việc rất lớn phải đẩy nhanh mới kịp.
Bộ GTVT rất sốt sắng trong việc hoàn tất hợp đồng, nhưng chính cách làm áp đặt lòng vòng đang trì hoãn thời gian khởi công dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo và tiến độ hoàn thành tổng thể dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thời gian cũng là một dạng tài sản đặc biệt nhìn nhận trong nhu cầu về hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc đang rất bức thiết của đất nước. Các dự án không thể sớm hoàn thành đúng kế hoạch, thay vào đó vẫn cứ trì trệ, không có kết quả thì trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với một chỉ đạo trọng điểm của Thủ tướng Chính phủ phải được đặt ra.