Rất nhiều người VN, có người đã ít nhất một lần thử dùng qua hương vị của một loại tái cây nhập khẩu từ New Zealand, đó là trái kiwi. Hiện nay New Zealand là một trong ba nước xuất khẩu kiwi lớn nhất thế giới, bên cạnh Ý và Trung Quốc với khoảng 30% thị phần kiwi thế giới. Khi mua sản phẩm kiwi của New Zealand, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và phát hiện được rằng tất cả các sản phẩm kiwi của New Zealand đều mang một nhãn hiệu chung là “Zespri”. Kiwi Zespri đã rất thành công trên thị trường nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng phải kể đến chuỗi cung ứng hiệu quả của họ.
CHUỖI CUNG ỨNG KIWI ZESPRI
Những năm đầu tiên khi đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này, New Zealand có một số doanh nghiệp hoạt động độc lập. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, họ nhận ra một điều, các hoạt động xuất khẩu riêng lẻ này vừa không đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu kiwi chung của cả nước, vừa đẩy chi phí lên cao, vừa khó có thể cạnh tranh được với các nhà xuất khẩu ở các nước khác. Vì thế, Chính phủ New Zealand đã can thiệp vào hoạt động này bằng cách cho thành lập Cục xúc tiến Marketing (Marketing Authority), Cục này chịu trách nhiệm đưa ra các quy định về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu tối thiểu đối với trái kiwi, nếu sản phẩm không đạt được tiêu chuẩn này thì tuyệt đối không được phép xuất khẩu. Ngoài ra, cơ quan này còn đảm trach nhiệm vụ xúc tiến quảng bá hình ảnh trái kiwi ra thị trường thế giới và đầu tư cho công tác R&D. Chỉ sau thời gian ngắn (từ năm 1979 đến năm 1986), diện tích trồng kiwi của New Zealand đã tăng đáng kể từ 3.500ha lên 18.000ha, sản lượng tăng từ 4 triệu khay vào năm 1979 lên 32 triệu khay vào năm 1986.
Trong thời gian này, kiwi không phải là một thương hiệu được bảo hộ, điều đó đã làm cho giá xuất khẩu kiwi của New Zealand bị giảm đáng kể, từ 9,5USD/ khay vào năm 1986 xuống còn 4,83USD/khay vào năm 1988. Hiện tượng này đã gây thiệt hại nặng nề cho hơn 2.500 nông dân trồng kiwi của Neww Zealand. Vì vậy, để bảo vệ người nông dân trồng kiwi của mình, Chính phủ New Zealand lại một lần nữa cho ra đời tổ chức New Zealand Kiwifruit Marketing Board (NZKMB) là cơ quan duy nhất được quyền mua, phân phối và tiếp thị mặt hàng kiwi ra thị trường thế giới. Và thương hiện Zespri đã ra đời.
Về cơ chế chủ sở hữu và phân chia lợi nhuận của Zespri
Vấn đề chủ sở hữu, ngoài sự đặc biệt ở ban điều hành, Zespri còn có một điểm đặc biệc khác là hơn 2.700 nông dân trồng kiwi của New Zealand tham gia vào Zespri với tư cách là chủ sở hữu (họ được sở hữu cổ phần và chia cổ tức). Điều này có nghĩa là tất cả những người nông dân sản xuất kiwi đều có quyền và trách nhiệm đối với sự phát triển của công ty này. Lợi nhuận chia cho các cổ đông là căn cứ vào sản lượng và chủng loại sản phẩm mà từng người đã đóng góp vào cho công ty.
Về vấn đề doanh thu và lợi nhuận, tất cả doanh thu từ việc xuất khẩu kiwi sẽ do Zespri quản lý, sau đó Zespri sẽ tính toán trừ tất cả các chi phí có liên quan, sau đó, Zespri sẽ chi tiếp các khoản chi liên quan đến các hoạt động hợp tác đầu tư phát triển R&D.
Số tiền còn lại, Zespri chia chi người dân trồng kiwi, căn cứ vào chủng loại kiwi, số lượng đóng góp, mùa vụ… Như thế, người dân trồng kiwi nhận được phần tiền của họ theo hai phần: phần thứ nhất là số tiền ứng trước vào đầu mùa vụ, số tiền này căn cứ vào dự báo sản lượng trên cơ sở thống kê của những năm trươc; phần còn lại sẽ được tất toán khi mùa vụ kết thúc.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ New Zealand, Zespri và đơn vị phục trách R&D
Dựa vào cơ cấu đầu tư cải tiến của Zespri như hình 1, có thể thấy, việc đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng trái kiwi không thuộc về từng người dân riêng lẻ mà là công việc chung của cả chuỗi và Chính phủ New Zealand. Trong đó, các cơ quan có chức năng của Chính phủ tham gia trực tiếp trong hai việc chính là đầu tư trồng mới và xâm nhập thị trường (thông qua một đơn vị duy nhất (NZKMB) phụ trách các công tác liên quan đến hoạt động markrting sản phẩm ra thị trường thế giới). Ngoài ra, Chính phủ còn đóng vai trò gián tiếp trong các hoạt động R&D liên quan đến các vấn đề đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng vì sức khoẻ người tiêu dùng; tham gia nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất cây trồng và quản lý chuỗi cung ứng. Với sự phối hợp hiệu quả này, chuỗi cung ứng của Zespri đã phát huy được hiệu quả hoạt động.
VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU HOA QUẢ VN
VN là một quốc gia rất đa dạng và phong phú về chủng loại trái cây và có rất nhiều loại mang tính đặc trưng của riêng. VN cũng đã và đang xuất khẩu nhiều loại trái cây sang các nước, tuy nhiên, hiện nay rất hiếm loại trái cây nào của VN có được thương hiệu đủ mạnh đề người tiêu dùng thế giới tin tưởng và ghi nhớ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người nông dân và các DN xuất khẩu trái cây VN. Hiện nay VN chưa có chuỗi cung ứng trái cây xuất khẩu nào phát huy được hiệu quả, mang lại lợi ích cho các bên. Hoạt động xuất khẩu trái cây VN còn nhiều hạn chế:
1, Người nông dân trồng trái cây, đến khi thu hoạch thì chủ yếu chỉ bán qua các thương lái trung gian - những người mua hàng giá rẻ từ người nông dân và bán lại cho các DN xuất khẩu với giá cao hơn để hưởng chênh lệch giá. Điều này đã làm giảm đi một phần đáng kể lợi nhuận hợp lý của người nông dân để đầu tư cho việc cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm.
2, Người dân tham gia vào hoạt động xuất khẩu trái cây với vai trò là người bán hàng đơn thuần theo từng vụ, họ không hề có bất cứ quyền lợi nào từ hoạt động xuất khẩu nên người nông dân cũng không cần có sự ràng buộc trách nhiệm nào đối với hoạt động này. Vì thế, trong những giai đoạn cần hàng để xuất khẩu, người nông dân cũng rất dễ dàng từ bỏ cung cấp hàng hóa cho các côgn ty mà chỉ muốn bán lẻ ra thị trường nội địa vì giá cao hơn, làm cho DN phải tốn nhiều thời gian và chi phí mới có thể huy động được hàng, nhưng chất lượng thì chưa chắc gì đảm bảo được.
3, Vì không có chuỗi cung ứng hiệu quả nên người dân không thể nắm bắt hết được nhu cầu thị trường cũng như điều kiện để trái cây của mình sản xuất ra có giá cao hơn, và không bị thương lái ép giá. Chính vì điều này, nên để tăng lợi nhuận và giảm chi phí sản xuất, không ít người đã sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đạt tiêu chuẩn, làm giảm chất lượng hàng hóa và gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vòng luẩn quẩn giữa giá thấp, chất lượng, đã làm cho lợi ích bền vững lâu dài của ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
4, Thiếu uy tín và tinh thần đoàn kết tập thể. Lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu không được minh bạch, rõ ràng gây đố kỵ và cạnh tranh lẫn nhau. Các DN chỉ cố làm sao để thu lại lợi nhuận trước mắt theo kiểu “ăn xổi ở thì” mà quên đi lợi ích lâu dài và lợi ích quốc gia. Vì vậy nhiều DN gian dối trong xuất khẩu, chèn hàng kém chất lượng. Với cách làm ăn như thế, khách hàng chỉ đến với DN một lần và sẽ không bao giờ trở lại, DN mất uy tín trên thị trường sẽ dễ dẫn đến phá sản, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiều DN VN trong thời gian qua phải vỡ nợ, phá sản.
5, Thiếu sự gắn kết và hỗ trợ chặt chẽ từ các bên. Không chỉ riêng ngành xuất khẩu trái cây mà nhiều ngành khác ở VN cũng đang trong tình trạng tương tự: thiếu sự phối hợp giữa công tác R&D và khâu nuôi trồng, bảo quản, tiếp nhận, truyền đạt thông tin, xúc tiến marketing. Mọi hoạt động diễn ra khá rời rạc dẫn đến sự chuệch choạc trong quá trình hợp tác.
6, Không có một đơn vị đủ năng lực chuyên môn và trách nhiệm hỗ trợ công tác xúc tiến giới thiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đồng thời duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng.
7, là chưa có một hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng trái cây xuất khẩu một cách chặt chẽ. VN có tiêu chuẩn riêng nhưng việc giám định chất lượng còn nhập nhằng, cơ quan kiểm tra chất lượng hoạt động độc lập và cũng không có lợi ích liên quan đối với kết quả xuất khẩu nên chưa thực sự toàn tâm toàn ý trong việc đảm bảo xác định chất lượng sản phẩm một cách chính xác nhất.
Xuất khẩu trái cây hàng năm giúp các DNVN thu về một lượng ngoại tệ đáng kể đóng góp vào ngân sách của quốc gia, đồng thời giúp phát triển nền kinh tế trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, việc phát triển bền vững để đưa hàng hóa của VN nói chung và trái cây nói riêng cạnh tranh trên thị trường thế giới là một vấn đề thực sự cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng như tình hình trái cây kém chất lượng từ Trung Quốc đang ồ ạt, tràn lan. Vì vậy, cần phải có sự kết hợp nhịp nhàng về trách nhiệm và quyền lợi của các bên có liên quan thì trái cây VN mới có thể khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới. Mô hình chuỗi cung ứng kiwi của Zepsri hoàn toàn phù hợp với tình hình của ngành xuất khẩu trái cây ở VN. Nếu VN áp dụng thành công mô hình này thì tương lai của ngành hoa quả VN cũng sẽ giống những gì mà Zespri đã đạt được.