Công nghệ Blockchain tạo bước tiến mới trong việc số hóa vận đơn đường biển

Đoàn Mai Anh|31/08/2018 08:02

(VLR) Công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang được dự báo có tiềm năng tạo nên bước đột phá mới trong việc số hóa vận đơn, vì một điểm mới của công nghệ này là đảm bảo tính duy nhất, một yêu cầu thiết yếu của vận đơn mà không yêu cầu đăng ký thành viên như các nền tảng công nghệ vận đơn điện tử khác hiện nay.

Theo thông tin mới nhất, Evergreen – một trong những hãng vận tải lớn nhất thế giới mới đây đã sử dụng cổng công nghệ “Shipmentlink” để ứng dụng vận đơn điện tử. Đây là một trong những động thái đầu tiên cho thấy các hãng tàu lớn đã thật sự quan tâm đến việc ứng dụng vận đơn điện tử và việc sử dụng vận đơn điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Thuật ngữ “Blockchain” gần đây đã trở thành một từ mới. Ban đầu, blockchain được phát minh để tạo ra tiền điện tử năm 2009, với hình thức như một sổ cái (ledger) trực tuyến với mục đích kết nối thêm dữ liệu, theo nghĩa là không thể xóa bỏ hoặc sửa đổi các dữ liệu hiện có. Nó bao gồm một chuỗi các khối, mỗi khối lại tập hợp các giao dịch đã được xác nhận trên cơ sở từng khối (block-by-block), mỗi giao dịch cũng tạo thành một phần của chuỗi theo nghĩa là đầu ra của một giao dịch trở thành đầu vào của giao dịch tiếp theo. Mỗi giao dịch được bảo đảm bằng chữ ký số để không thể giả mạo bằng việc xác thực chủ thể chuyển dịch và tính bất biến của giao dịch được đảm bảo. Chữ ký số hiện nay đã không còn là phạm trù mới. Nó là một kỹ thuật đã được sử dụng rộng rãi trước khi phát minh ra Bitcoin và có thể dễ dàng được áp dụng.

Vận đơn điện tử (electronic Bill of lading) có được sử dụng và thay thế được vận đơn truyền thống (vận đơn giấy) hay không, phụ thuộc vào việc tất cả các chức năng của vận đơn giấy có được thỏa mãn hay không. Thực tế, vận đơn điện tử trên nền tảng blockchain cũng như các hệ thống vận đơn điện tử hiện nay có thể thực hiện đầy đủ hai chức năng đầu tiên của vận đơn giấy: (1) bằng chứng về việc nhận hàng hóa được vận chuyển, (2) bằng chứng về hợp đồng vận chuyển). Tuy nhiên, liệu nó có thể thực hiện chức năng thứ ba - chứng từ sở hữu hàng hóa, hay nói cách khác, vận đơn điện tử có thể được chuyển nhượng hay không, cần phải được xem xét.

Với những lợi thế rõ ràng về tốc độ và sự bảo mật, công nghệ blockchain được dự đoán sẽ trở thành bước đệm cho sự phát triển hơn nữa trong việc sử dụng vận đơn điện tử. Tuy nhiên, việc phát triển khung pháp lý quốc tế thống nhất cho phép sử dụng các vận đơn điện tử an toàn là hết sức cần thiết.

Thực tế, đến thời điểm hiện nay, vận đơn blockchain vẫn chưa có thật. Tuy nhiên, với việc ứng dụng nền tảng blockchain, vận đơn dự kiến sẽ được tạo ra thông qua chữ ký điện tử của người vận chuyển, và sẽ tạo một mã khóa riêng (private key) cho người giao hàng khi nhận hàng hóa để vận chuyển. Người giao hàng sẽ được giữ (hold) mã khóa riêng này để ra các quyết định liên quan đến hàng hóa trong quá trình vận chuyển, bao gồm cả việc ký hậu vận đơn cho người thứ ba bằng việc chuyển nhượng mã khóa riêng này. Người thứ ba cũng có thể tiếp tục ký hậu vận đơn và quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi hàng hóa được giao cho người cuối cùng xuất trình được mã khóa riêng này. Một tính năng bảo mật quan trọng khiến nó có thể trở thành hiện thực là sau mỗi lần chuyển nhượng, mỗi khóa riêng hiện có sẽ bị hủy và được thay thế bằng một khóa mới cho bên nhận chuyển nhượng.

Ưu điểm lớn nhất của vận đơn blockchain là việc đảm bảo được tính duy nhất và rất an toàn, một đặc tính quan trọng của chứng từ chuyển nhượng. Ngoài ra, vận đơn blockchain còn tận dụng được những lợi thế của các hệ thống vận đơn điện tử đang tồn tại. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các hệ thống cung cấp vận đơn điện tử đang được sử dụng như Bolero, essDocs đều là hệ thống đóng, tức là chỉ dành cho thành viên dựa trên cơ sở bộ máy đăng ký trung tâm. Để thực hiện giao dịch trên nền tảng đóng, tất cả các bên muốn tham gia trong các giao dịch này phải là thành viên đã đăng ký. Khi một thành viên không tham gia, các bên lại trở về với việc sử dụng vận đơn giấy. Đây chính là một trở ngại lớn cho việc sử dụng vận đơn điện tử.

Không giống như các hệ thống hiện có dựa trên mô hình đăng ký trung tâm, công nghệ blockchain đã đảm bảo tính duy nhất có thể trong một hệ thống phân cấp. Giao dịch có thể diễn ra ngang hàng trên một nền tảng mở mà không yêu cầu đăng ký thành viên. Đây sẽ là một lợi thế đáng kể khi giao dịch thường liên quan đến nhiều người - cả doanh nghiệp lớn và nhỏ - xuất phát từ nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, ngân hàng và vận tải. Tính mở này cũng đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu của những người tham gia. Nó loại bỏ lỗi của con người mà có thể được thực hiện bởi người quản trị đăng ký. Chính vì vậy, vận đơn blockchain chắc chắn sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc sử dụng rộng rãi vận đơn điện tử trong tương lai gần.

Tuy nhiên, vận đơn điện tử nói chung hay vận đơn sử dụng công nghệ blockchain nói riêng cũng không thể được áp dụng nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ các quy định của pháp luật, mặc dù một phần nhỏ cũng đã có thể được áp dụng cho một số hệ thống vận đơn điện tử hiện có như BOLERO, essDOS và E-title. Về pháp luật quốc tế, các Công ước quốc tế về vận đơn như Quy tắc Hague 1924, Hague Visby 1968 đều không có quy định về vận đơn điện tử. Vào tháng 10.2015, Tổ chức PNI quốc tế đã phê duyệt 3 hệ thống điện tử nói trên. Điều này có nghĩa là nhà bảo hiểm PNI sẽ bảo hiểm cho bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào phát sinh trong việc vận chuyển hàng hóa nếu sử dụng 3 hệ thống giao dịch điện tử này, như một vận đơn giấy.

Ngoài ra, các quy định về việc sử dụng chứng từ điện tử có thể được tìm thấy trong Quy tắc Rotterdam, theo đó, vận đơn điện tử được gọi là Dữ liệu vận chuyển điện tử có thể chuyển nhượng (Electronic Transport Record - ETR), bao gồm cả hai loại chuyển nhượng và không chuyển nhượng được. Quy tắc đã đưa ra những định nghĩa chung và một vài điều khoản chung về việc sử dụng ETR, làm tiền đề cho việc phát triển của vận đơn điện tử. Theo nghiên cứu của giáo sư Koji Takahashi, Trường Đại học Luật Doshisha, Nhật Bản, vận đơn blockchain hoàn toàn có thể thỏa mãn yêu cầu để trở thành ETR theo quy định của Công ước Rotterdam. Tuy vậy, cho đến thời điểm này Quy tắc Rotterdam vẫn chưa nhận đủ sự chấp thuận cần thiết để có hiệu lực, vì vậy, không được áp dụng.

Bên cạnh đó, một số tổ chức cũng đã đưa ra những Quy định riêng để điều chỉnh vận đơn điện tử (hoặc ETR). Ủy ban hàng hải Quốc tế (CMI) vào ngày 29.6.1990 cũng đã đưa ra “Quy tắc vận đơn điện tử”. Tuy nhiên, Quy tắc này đã không được áp dụng phổ biến bởi nó đòi hỏi các bên phải thỏa thuận sử dụng nó trong hợp đồng, nhưng điều này hầu như không bao giờ xảy ra. Ngoài ra, Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại Quốc tế (UNCITRAL) cũng đã ban hành Đạo luật mẫu về Dữ liệu có thể chuyển nhượng điện tử (ETR) vào tháng 9.2017 và có một số hướng dẫn về việc sử dụng ETR có thể chuyển nhượng và cũng đưa ra các hướng dẫn cho các quốc gia xây dựng bộ luật riêng của Quốc gia mình.

Đoàn Mai Anh - Trường Đại học Hàng hải Thế giới, Malmo (Thụy Điển)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ Blockchain tạo bước tiến mới trong việc số hóa vận đơn đường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO