Bên trong trung tâm xử lý hàng hóa của Tiki
Cento Venture, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore công bố báo cáo về tình hình đầu tư công nghệ tại Đông Nam Á trong năm 2019. Báo cáo cho biết, tổng vốn đầu tư rót vào các công ty công nghệ trong khu vực năm 2019 đã giảm 36% so với năm 2018, từ 12 tỷ USD xuống 7,7 tỷ USD. Mặc dù giảm mạnh về giá trị vốn, Đông Nam Á vẫn là một trong những khu vực có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư công nghệ theo nhận định của Mack Suckling, đại diện nhóm tác giả nghiên cứu.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là số lượng deal trong năm 2019 tăng nhưng ít deal giá trị lớn. Trong khi đó, số lượng các deal nhỏ (giá trị dưới 50 triệu USD) lại tăng mạnh với tổng giá trị 2,4 tỷ USD, cao hơn con số 900 triệu USD hồi 2019. Trong khi đó, số deal trên 50 triệu đô chỉ bằng một nửa so với năm 2018 và dừng lại ở mức 5,3 tỷ USD.
Mark Suckling nhận định: "Sự sụt giảm vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ năm 2019 là do các công ty gọi vốn giai đoạn đầu (giá trị thường không cao) chiếm số lượng lớn. Trong năm 2020, khi những công ty này gọi vốn giai đoạn sau và các startup kỳ lân trong khu vực triển khai các vòng gọi vốn mới, tổng giá trị đầu tư vào startup công nghệ của Đông Nam Á có thể tăng trở lại".
Những công ty Việt gọi gốn đầu tư ở các giai đoạn sau với giá trị cao có thể kể đến Tiki, VNPay và Sendo. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam vượt Singapore. Vốn rót cho các công ty có trụ sở tại Việt Nam chiếm 18% (đạt 741 triệu USD) trong tổng giá trị gọi vốn cho toàn khu vực. Trước đó, vào 2018, Việt Nam chỉ chiếm 4% và tổng số vốn gọi thành công 287 triệu USD.
Indonesia tiếp tục là quốc gia thu hút vốn đầu tư công nghệ mạnh nhất khu vực, nhưng tỷ trọng đã giảm xuống còn 59% vào năm 2019.
Hai trong số những startup lớn tại Đông Nam Á, Grab và Gojek thu về số tiền gọi vốn vòng sau thấp hơn so với các năm trước. Theo tính toán của Cento Ventures, giai đoạn 2018 – 2019, Grab chỉ thu về 5,1 tỷ USD và Gojek 3,7 tỷ USD.
Năm 2019, nhiều công ty công nghệ lớn trong khu vực gọi vốn thành công như Traveloka (420 triệu USD), VNPay (300 triệu USD), nền tảng E-logistic Scommerce của Việt Nam (150 triệu USD) và startup về trí tuệ nhân tạo Advance.ai (80 triệu USD).
Các công ty đa ngành và bán lẻ trực tuyến vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi các dịch vụ tài chính, thanh toán, du lịch tiếp tục thu hút giới đầu tư. Logistic, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng ghi nhận giá trị gọi vốn tăng mạnh.
Sau sự sụp đổ của WeWork, nhiều startup non trẻ dễ gặp tình trạng đói vốn do nhà đầu tư chỉ muốn tập trung cho các công ty kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh cơ hội phát triển kinh doanh của Đông Nam Á vẫn rất khả quan với những yếu tố như: diện tích rộng lớn, dân số đông, nhu cầu dịch vụ trực tuyến tăng, nhiều ngành công nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ để cải tiến vận hành.