Di sản cần được kết nối trong chuỗi giá trị, sinh ra giá trị

Bảo Hân (tổng hợp)|08/09/2022 13:16

Đến lúc phải xóa bỏ tư duy di sản ở đâu thì ở đó hưởng lợi. Phải thấy rõ di sản là của chung, là “của để dành” ông cha để lại cho con cháu nước Việt.

Đề nghị UNESCO xem xét công nhận thêm một số di sản thế giới tại Việt Nam

Việt Nam luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước, "văn hóa còn là đất nước còn, văn hóa mất là đất nước mất". Thủ tướng chia sẻ cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong xử lý các thách thức chung, không hy sinh phúc lợi xã hội, môi trường vì phát triển kinh tế đơn thuần. Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azoulay nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/9, vào chiều 6/9, tại Hà Nội.

img9493-1662469533021480774283.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azoulay

Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức UNESCO, chủ động tham gia các hoạt động và đóng góp vào các nỗ lực của tổ chức vì hòa bình, hợp tác và phát triển của quốc gia thành viên.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ tích cực phát huy vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước Di sản Phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Với mong muốn đóng góp tích cực, chủ động vào các vấn đề mà UNESCO và các thành viên quan tâm, Việt Nam đang ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Tại buổi tiếp này, Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của UNESCO và các nước thành viên trong thời gian qua khi công nhận nghệ thuật xòe Thái và thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và mong muốn UNESCO tiếp tục xem xét công nhận Vịnh Hạ Long–Quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới cũng như các hồ sơ di sản khác của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Audrey Azoulay khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản, nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã rất coi trọng chính sách văn hoá, gìn giữ và phát huy di sản; đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam coi giáo dục là một trong những động lực phát triển của quốc gia. Bà Audrey Azoulay cho rằng Việt Nam có đủ năng lực và điều kiện để đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, trong đó có một số hội nghị và kỳ họp quan trọng của UNESCO trong thời gian tới.

Di sản cần kết nối trong chuỗi giá trị

Những Di sản thế giới của UNESCO là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Di sản thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận có đủ cả ba loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất.

Các tiêu chí của di sản bao gồm tiêu chí của di sản văn hóa (bao gồm i, ii, iii, iv, v, vi) và di sản thiên nhiên (vii, viii, ix, x). Việt Nam hiện tại có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. 5 trong số đó là di sản văn hoá, 2 là di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp.

8 di sản thế giới tại Việt Nam đang như một “đường dây” từ Bắc xuống Nam: Bắt đầu bằng Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - Kinh thành Thăng Long (Hà Nội) - Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) - Kết thúc ở Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nếu biết liên kết thì sẽ tạo thành một thể thống nhất được khai thác rất hiệu quả.

tam_coc_by_tuan_mai__007__-8888350545-.jpg
Thắng cảnh Tam Cốc-Bích Động thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, Di sản thế giới hỗn hợp của UNESCO duy nhất ở Đông Nam Á

Các chuyên gia về bảo tồn di sản cho rằng, mỗi di sản thế giới có đặc thù riêng song rất cần sự thống nhất trong quản lý, điều hành, cần có quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản thế giới.

Một thực tế dễ nhận thấy là hầu hết các di sản ở Việt Nam đã có quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị, được quan tâm tu bổ, bảo quản, chống xuống cấp, giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên… Song, quy chế quản lý, bảo tồn còn thiếu và chưa đồng bộ. Bộ máy quản lý các di sản hiện nay rất khác nhau, việc phân cấp, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc các di sản thế giới.

Đến lúc phải xóa bỏ tư duy di sản ở đâu thì ở đó hưởng lợi. Phải thấy rõ di sản là của chung, là “của để dành” ông cha để lại cho con cháu nước Việt.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt một di sản văn hóa đòi hỏi phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính nhà nước nhất định, toàn diện và trực tiếp, đủ sức làm “nhạc trưởng” để gắn kết được các “nhà”: Nhà quản lý, Nhà khoa học và Nhà dân (trong đó địa phương có di sản sẽ đại diện).

Bộ VHTTDL cũng cần sớm xây dựng Quy chế phối hợp giữa các ban ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý di sản tại địa phương. Kết nối các di sản thế giới ở Việt Nam, còn đòi hỏi tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp và người dân để xây dựng, phát triển kinh tế du lịch ngày càng có sự đóng góp lớn hơn vào sự phát triển chung của đất nước.

Kết nối các di sản thế giới ở Việt Nam đã đến lúc không chỉ là khẩu hiệu suông mà mong nó là hiện thực bắt đầu ngay từ bây giờ, để di sản không còn trong tình trạng “hồn ai nấy giữ” mang tính nhỏ lẻ manh mún.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Di sản cần được kết nối trong chuỗi giá trị, sinh ra giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO