Doanh nghiệp logistics Việt với chiến lược 3PL

01/01/1970 08:00

(VLR) Đáp ứng mục tiêu thỏa mãn nhu cầu và ước muốn người tiêu dùng cuối cùng trong thời đại ngày nay. Với xu hướng ngày càng mở rộng chiến lược thuê ngoài dịch vụ logistics của các chủ hàng, các DN dịch vụ logistics VN đang lựa chọn cho mình các chiến lược 3PL. Phải chăng đây là con đường duy nhất mà các DN ngành logistics VN hướng tới nhằm tái cơ cấu để phát triển trong thời gian tới?

Đáp ứng mục tiêu thỏa mãn nhu cầu và ước muốn người tiêu dùng cuối cùng trong thời đại ngày nay. Với xu hướng ngày càng mở rộng chiến lược thuê ngoài dịch vụ logistics của các chủ hàng, các DN dịch vụ logistics VN đang lựa chọn cho mình các chiến lược 3PL. Phải chăng đây là con đường duy nhất mà các DN ngành logistics VN hướng tới nhằm tái cơ cấu để phát triển trong thời gian tới?

CHIẾN LƯỢC 3PL – CON ĐƯỜNG MỞ

Thuật ngữ “3PL” (Third Party Logistics) đối với đông đảo các DN VN, trong đó các DN dịch vụ logistics quả thật còn mới mẻ. Tuy vậy, gần đây đã xuất hiện một số mô hình thực tế như các kho VMI (vendor managed inventory), Cross dock... tại các khu công nghiệp kèm theo tên tuổi các DN cung ứng dịch vụ logistics 3PL mà chủ yếu là các DN nước ngoài.

Đó là một loại hình dịch vụ tích hợp (integrated logistics) chủ yếu giữa dịch vụ vận tải, giao nhận và kho hàng, dựa vào các tiến bộ CNTT, cung cấp cho khách hàng, người tiêu dùng cuối cùng các giá trị cộng thêm như là các tiện ích đúng lúc, đúng nơi. Đó cũng chính là các giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị mà chủ hàng, nhà sản xuất muốn gửi gắm cho sản phẩm, dịch vụ của mình đến tay người tiêu dùng.

Cũng như trên thế giới, tại VN, con đường đến với chiến lược 3PL thường đặt ra đối với các DN vận tải (sở hữu phương tiện), DN giao nhận, vận tải đa phương thức (có hay không sở hữu phương tiện), và các DN kinh doanh kho hàng (có sở hữu cơ sở, trang thiết bị), chưa hoặc rất ít các DN cung cấp dịch vụ thông tin (hoặc tài chính, bảo hiểm, tư vấn...)

Dựa vào các tương quan lực lượng và tính chất nghiệp vụ giữa những nhà cung cấp dịch vụ 3PL trong nước và nước ngoài, trong lĩnh vực này, đang có một cuộc cạnh tranh “không cân sức” mà phía các DN nước ngoài đã là những nhà “dẫn dắt” thị trường, trong khi các DN dịch vụ logistics VN đang có lợi thế về cung cấp các dich vụ truyền thống và đơn giản như vận tải nội địa, kho hàng, giao nhận, thủ tục hải quan...

Mặc dù vậy, tiềm năng dịch vụ logistics nước ta vẫn còn nhiều “dư địa”. Điều này đặt ra với các DN dịch vụ logistics VN phải chọn lựa chiến lược 3PL như là giải pháp để chấp nhận cạnh tranh và phát triển DN lên tầm cao mới.

ĐÂU LÀ MÔ HÌNH CHIẾN LƯỢC 3PL?

Bên cạnh các 3PL tên tuổi có mặt khá lâu tại VN như DAMCO, APL Logistics, OOCL Logistics (phát triển đi lên từ hãng tàu), Schenker, DKSH, Nippon Express, Kuehne & Nagel, DHL, TNT, Toll... (phát triển từ các công ty giao nhận)... Thời gian gần đây họ đã tăng cường đầu tư mở rộng hoạt động tại VN. Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng có các chuyển động với những mô hình chiến lược 3PL đặc thù: Vinafco, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư Bắc Kỳ, Transimex Saigon, ITL, Gemadept, Vinalink... Một số cảng biển cũng phát triển dịch vụ logistics 3PL như Cảng Đình Vũ…, và đặc biệt gần đây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng chiến lược Logistics Park bên cạnh Cảng nước sâu Cái Mép.

Trong số các mô hình chiến lược 3PL, ít nhiều cần khoản vốn đầu tư ban đầu, hoặc phát triển từ việc tận dụng, mở rộng cơ sở, phương tiện hiện có. Ngoài ra phải có chiến lược nguồn nhân lực chuyên nghiệp có tay nghề, có kiến thức quản trị logistics và chuỗi cung ứng, trình độ sử dụng CNTT… chưa kể các khó khăn về mạng lưới và đối tác, khách hàng, mà chủ yếu là ngoài nước.

Thực tế, những năm gần đây đã xuất hiện các mô hình chiến lược 3PL:

- Liên doanh, hợp tác với DN nước ngoài trong đó có thể sử dụng các lợi thế địa phương của DN trong nước, nhằm tạo thương hiệu ban đầu hoặc cơ hội học hỏi phát triển nghề nghiệp.

- Tự đầu tư DN với sự giúp sức của các chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước, phục vụ thị trường trong nước.

- Liên kết, hợp tác trong nước, hoặc thông qua mua bán, sát nhập (M & A) hoặc làm vệ tinh cho các chủ hàng có quy mô chuỗi cung ứng lớn.

- Tiến hành qua nhiều phân kỳ, quy mô lớn dần, chọn phân khúc thị trường phù hợp, song song với việc đào tạo huấn luyện nâng cao năng lực nguồn nhân lực và CNTT.

- Nhận gia công một phần chuỗi cung ứng các DN 3PL, 4PL nước ngoài.

Mỗi một mô hình chiến lược 3PL trên đây sẽ đem lại cho chủ hàng, nhà sản xuất VN nhiều giá trị gia tăng, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường sẽ là chiến lược 3PL vững chắc, hiệu quả, các bên cùng hợp tác và hưởng lợi.

Tuy vậy, cũng có DN dịch vụ logistics tiến hành chiến lược 3PL nhằm mục tiêu củng cố các dịch vụ truyền thống như vận tải, cảng, kho hàng… mà ở đó lợi nhuận mang lại từ các hoạt động gia tăng giá trị (3PL) đóng góp rất ít vào hiệu quả chung, hầu như chỉ làm tăng lợi thế cạnh tranh của DN. Điều này cho thấy một khía cạnh khác của chiến lược 3PL.

“TƯ DUY CHUỖI CUNG ỨNG” – CHÌA KHÓA VÀNG

Thời gian gần đây, các mô hình logistics và quản trị chuỗi cung ứng đã thực tế có mặt tại VN thông qua các 3PL tên tuổi nước ngoài, các kênh báo chí, truyền thông, đào tạo huấn luyện…
Từ đó đã làm tăng tiến nhận thức về quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng trong đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản lý và thừa hành tại các DN. Nhưng để hiểu thấu đáo và ứng dụng nó vào thực tiễn DN VN vẫn đang còn nhiều “thách thức”!

Dễ dàng thấy được sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng logistics tại VN, sự bất cập của luật pháp, thiếu hụt các chính sách, thể chế nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, ngành logistics tại VN và đặc biệt quan tâm thị trường thuê ngoài dịch vụ logistics 3PL. Chủ hàng, nhà sản xuất vẫn còn chưa mặn mà, thậm chí chưa tường tận về các phương thức mua bán quốc tế, chưa có tầm nhìn toàn cầu về chuỗi cung ứng của mình, thì việc hợp tác chiến lược với DN 3PL vẫn còn ở phía trước!

Trong khi chờ đợi một sự dịch chuyển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời kỳ tới với sự thúc đẩy của Nhà nước và các ngành, các hiệp hội có liên quan, thiết nghĩ tạo “Tư duy chuỗi cung ứng” (Think Supply chain) trong mọi DN cung cấp dịch vụ logistics, các chủ hàng, các nhà sản xuất, kể cả các các ngành quản lý. Đó chính là chìa khoá vàng giúp các DN dịch vụ logistics VN vững tin vào sự hiện thực chiến lược 3PL của mình.

Chiến lược 3PL đối với các DN logistics VN sẽ không là liều thuốc vạn năng để đem lại lợi nhuận và phát triển DN trong ngắn hạn, nhưng chắn chắn nó sẽ xác lập địa vị những nhà 3PL VN sánh vai các đối tác 3PL nước ngoài, ngang tầm đối tác và thậm chí liên minh với những chủ hàng, nhà sản xuất VN vì mục tiêu phục vụ người tiêu dùng cuối cùng, phát triển bền vững DN góp phần phát triển kinh tế VN.

NGUYỄN HÙNG


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp logistics Việt với chiến lược 3PL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO