Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Báo Nhân dân|27/09/2021 08:58

(VLR) Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch COVID-19, đặc biệt, Nghị quyết 86/NQ-CP và Nghị quyết 105/NQ-CP đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo, thực hiện ngay về phòng, chống dịch, hỗ trợ DN, người lao động, chuyên gia, duy trì chuỗi cung ứng sản xuất. Với tinh thần tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, sáng 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm sản xuất

Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm sản xuất

Hội nghị cũng là dịp nắm bắt tình hình, động viên, chia sẻ và bàn thêm các giải pháp mới duy trì thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Không thể cầm cự lâu hơn

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đánh giá, nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng DN trong nước và nước ngoài đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt. Tuy nhiên, qua phản ánh của cộng đồng DN, vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sản xuất, kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như: với các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay chỉ có khoảng 30% số DN của ngành này tại các tỉnh, thành phố phía nam còn hoạt động nhờ bảo đảm được điều kiện "Ba tại chỗ", nhưng cũng vô cùng khó khăn để duy trì sản xuất vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30 đến 50% số lượng lao động, đặc biệt, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 đến 50% so với trước đây (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP); với các DN ngành gỗ, đã có hơn 50% số DN ngành này tại khu vực Ðông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Vifores);...

Về sức chịu đựng của DN Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, kết quả khảo sát cho thấy một DN điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa sáu tháng. DN ở những lĩnh vực ngành báo cáo số tháng thấp nhất là nông, lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng). Ảnh hưởng của dịch bệnh đã có tác động rõ ràng theo khu vực. DN tại Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt bùng phát dịch bệnh gần nhất nên sức chịu đựng chung của DN ở những khu vực này cũng thấp hơn đáng kể những khu vực khác...

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM chia sẻ, các DN tại TP. HCM đã "cạn kiệt năng lực", rất cần được tiếp sức thời gian tới. Qua các thống kê, sau tám tháng, đã có hơn 24 nghìn DN rút lui, thực tế có thể lớn hơn. Tại các khu công nghiệp, chỉ có khoảng 18% số DN đang hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế thành phố. Trong hơn 3,2 triệu lao động đang làm việc tại các DN thì hơn 50% tạm ngừng sản xuất. Ðể quay trở lại sản xuất, số lao động này tới đây sẽ rất khó khăn. Qua khảo sát, 40% số DN cho biết số vốn chỉ còn đủ hoạt động thêm một tháng.

Cần các cơ chế, chính sách đặc biệt

Ðóng góp ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang cho rằng, cần tập trung cho mở cửa sản xuất, nhất là DN có nhiều lao động đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Sức chịu đựng của DN không thể hơn được nữa, do đó cần tổ chức sản xuất và giao trách nhiệm cho DN tự chịu trách nhiệm xét nghiệm, test nhanh dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Chính phủ bảo đảm mạch máu giao thông vận tải thông chảy xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, kể cả đường không và đường thủy, không thể để bị ngắt mạch; giao địa phương bảo đảm phòng, chống dịch gắn liền với phục hồi phát triển kinh tế. Ðồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Tetsu Funayama kiến nghị Chính phủ thực hiện các đề xuất, trong đó có: Việt Nam cần nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin để phục hồi chuỗi cung ứng; cho phép người lao động đã tiêm vắc-xin được di chuyển qua lại giữa nơi ở và nơi làm việc. Phục hồi lĩnh vực giao thông vận tải, loại bỏ hạn chế đi lại đối với những người đã được tiêm chủng; ưu tiên tiêm chủng với người tham gia vận chuyển hàng hóa. Thực hiện chiến lược phát triển có tính toàn diện, thúc đẩy toàn diện, thúc đẩy số hóa ngành thuế và hải quan, hỗ trợ các ngành, dịch vụ startup (khởi nghiệp)...

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN được "đường thông, hè thoáng", Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền cho rằng, nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều DN sẽ không tồn tại được và cũng không ngân sách nào có thể hỗ trợ mãi được; chỉ có thể mở cửa từng bước. Ðiều quan trọng là Chính phủ hỗ trợ DN bằng cách tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Trong hoàn cảnh đặc biệt phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương. Trong khó khăn, chúng ta sẽ đoàn kết hơn, có kinh nghiệm phát triển tốt hơn, coi đây là thời cơ phát triển công nghệ số... Giám đốc Công ty Du lịch Nhật Minh (Khánh Hòa) Lê Văn Nghĩa kiến nghị mở cửa cho khách du lịch trong nước đến Khánh Hòa từ ngày 15/10 và du lịch quốc tế là từ 1/11 tới; kiến nghị thí điểm chương trình du lịch "5 xanh" Khánh Hòa: chuyến bay xanh, cửa ngõ xanh, cơ sở lưu trú xanh, con người phục vụ xanh và hành khách lại càng xanh. Ðể làm được việc này thì cần tiêm đủ hai mũi vắc xin cho những người lao động làm trong lĩnh vực du lịch...

Trên tinh thần đồng hành cùng cộng đồng DN vượt khó, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất, kinh doanh sớm nhất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và DN áp dụng. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tập trung vào nhóm giải pháp: hỗ trợ bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. NHNN chỉ đạo duy trì hoạt động của hệ thống bảo đảm cấp tín dụng cho DN. Ðến ngày 21/9, mức tín dụng tăng 7,24% so cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so mức tăng 4,99% cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng cũng hỗ trợ các DN hàng không, các đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bảo đảm hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt. Từ đầu năm nay, hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất với tổng mức 26 nghìn tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng rất chia sẻ, đồng hành với DN. Thời gian tới, về mức tăng hạn mức tín dụng, NHNN bám sát tình hình, điều hành theo chỉ tiêu đầu năm đưa ra khoảng 12%, trong trường hợp cần thiết có thể cân nhắc điều chỉnh trên cơ sở bảo đảm mục tiêu và an toàn hệ thống...

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu không kịp thời mở cửa, phục hồi sản xuất thì các DN sẽ mất đơn hàng, mất thị trường. Mở cửa không chỉ là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn là ổn định chính trị - xã hội vì các DN cạn dần sức chống chịu và người dân khó khăn. Bộ ủng hộ phương châm mới của Chính phủ; mở cửa có điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế; xác định vai trò DN vô cùng quan trọng, do đó cần triển khai đồng bộ, nghiêm túc cả từ phía Nhà nước và người dân, DN. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể kiến nghị nâng số lượng lao động ở các cảng biển để bảo đảm hoạt động xuất, nhập khẩu; ưu tiên vắc-xin cho lao động ở các cảng biển; quan tâm giải phóng hàng các cảng. Ðể làm việc này, Bộ đã thành lập ba tổ công tác đi kiểm tra vấn đề chi phí cảng biển, dịch vụ logistics...

VCCI kiến nghị các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định và phát triển trong điều kiện "bình thường mới" cần hướng tới mục tiêu: tái kết nối ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết vùng; hỗ trợ thanh khoản, tín dụng chi phí thấp; chia sẻ gánh nặng chi phí phát sinh do tái tổ chức sản xuất; hạn chế sa thải lao động; tăng khả năng tự phục hồi của hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và siêu nhỏ; kích đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Các chính sách liên quan đến hỗ trợ giảm, miễn một số loại thuế, phí, giãn nợ, phục hồi chuỗi cung ứng, mở rộng cơ chế để kích thích đầu tư và môi trường kinh doanh, kích cầu tiêu dùng là những chính sách mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay. Chính phủ, các bộ, ngành cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN chuyển đổi số, tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số… Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa; đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO