Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Liệu lần này có thuyết phục Quốc hội?

Trần Trình Lãm|03/09/2019 08:58

(VLR) "Đến nay, đúng một thập niên nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa có câu trả lời là dự án này có được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019 hay không?”.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị nghe Liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH công bố báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được Bộ này tổ chức vào ngày 12/11/2018. Ông Đông khẳng định, Bộ GTVT cùng đơn vị tư vấn sẽ “xây dựng báo cáo đầy đủ hơn, khoa học hơn” trước khi trình Chính phủ và Quốc hội vào năm 2019.

Dự án đã từng bị Quốc hội bác bỏ

Trước đó gần 10 năm, tháng 6/2010, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Chính phủ trình Quốc hội vì theo tính toán, đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên tuyến vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 người/ngày. Nếu không xây dựng đường sắt cao tốc, nhu cầu vận tải hành khách sẽ vượt khả năng đáp ứng của các loại hình vận tải.

Chính phủ đã lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt cũ, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ thiết kế 350km/giờ, tốc độ khai thác 300km/giờ để chuyên chở hành khách. Bộ GTVT đề xuất đến năm 2020 sẽ hoàn thành đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TP. HCM; năm 2030 sẽ hoàn thành đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn tất toàn tuyến vào năm 2035.

Tuy nhiên, phương án này đã bị Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2010) bác bỏ do còn nhiều tranh luận, mặc dù trước đó Dự án đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua; các cấp có thẩm quyền tán thành về chủ trương.

Theo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến có điểm đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.545km, trong đó cầu hầm chiếm 70%. Đường ray đôi khổ 1.435mm điện khí hóa. Toàn tuyến có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD bằng nguồn vốn ngân sách.

Giai đoạn đầu, chủ đầu tư sẽ xây dựng đầu tư và khai thác vào năm 2032 đối với hai đoạn Hà Nội - Vinh (282km) và Nha Trang - TP. HCM (362km). Còn đoạn Vinh - Nha Trang dài khoảng 900km sẽ tiếp tục xây dựng sau năm 2032 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2050.

Đến tháng 02/2019, Bộ GTVT tiếp tục trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đề xuất phương án đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h, với tổng vốn 58,7 tỷ USD, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh và Vinh - Nha Trang xây dựng trước năm 2032, còn lại hoàn thành trước năm 2050. Dự kiến Dự án sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.

Hội đồng thẩm định nhà nước lại "vào cuộc"

Mới đây, vào tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ với nội dung không đồng tình với kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT. Theo Bộ KH-ĐT, việc đầu tư 58,7 tỷ USD cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển. Nhất là các dự án đầu tư khác phải đình hoãn để tập trung vốn cho đường sắt tốc độ cao trong 30 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Bộ KH-ĐT cho rằng, nếu theo nghiên cứu của Bộ GTVT, sau khi hoàn thành đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. HCM vào năm 2032, năng lực khai thác 2 tuyến này sẽ đạt 364.000 hành khách/ngày, trong khi dự báo số lượng hành khách trên 2 đoạn tuyến này vào năm 2035 chỉ đạt từ 55.000 - 58.000 hành khách/ngày (chỉ đạt gần 16% công suất đầu tư) sẽ gây lãng phí lớn. Bộ này cũng đưa ra kinh nghiệm của Đức, Hà Lan thì phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ tối đa 200km/giờ là phù hợp, giảm chi phí đầu tư xã hội. Đặc biệt, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km/giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí. Tổng mức đầu tư dự án này do Bộ KH-ĐT đưa ra chỉ khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với đề xuất của Bộ GTVT.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, nếu tính các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ còn tiếp tục giảm.

Ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đệ trình. Phía Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ giải trình kết quả nghiên cứu về Dự án cũng như ý kiến của Bộ KH-ĐT liên quan đến Dự án này nhằm làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Liệu lần này có thuyết phục Quốc hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO