Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4/2010, Bộ dự báo nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2030 trên hành lang Bắc - Nam là 534.000 hành khách/ngày (khoảng 195 triệu hành khách/năm), trong khi tổng năng lực của các phương thức vận tải khác chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm, từ đó Bộ rút ra kết luận: cần đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam để bù vào chỗ “hụt” 57 triệu hành khách/năm. Kết luận này là phiến diện, thiếu tính khoa học.
Khi dự toán đầu tư một Công trình nào đó, người ta đưa ra nhiều phương án, tính toán, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu. Trường hợp này, người dân có thể đi lại bằng các phương thức: đường không, đường sắt, đường bộ hoặc đường thủy. Đúng ra, Bộ GTVT phải tính toán các phương thức đầu tư khác và so sánh với việc xây đường sắt cao tốc để lựa chọn phương án kinh tế nhất, hiệu quả nhất. Nhưng Bộ GTVT đã không đưa ra các tính toán so sánh, mà đưa ra kết luận vũ đoán của mình.
Nhằm đạt mục tiêu của Bộ GTVT “bù nhu cầu “hụt” của 57 triệu hành khách/năm vào năm 2030”, có thể thấy một phương án khác mà chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư cao ngất của phương án đường sắt cao tốc. Cụ thể, nếu xây dựng hai sân bay ở hai đầu Bắc – Nam, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cho 57 triệu lượt hành khách/năm, chi phí chỉ khoảng 24 tỷ USD, chưa đến phân nửa chi phí đầu tư đường sắt cao tốc.
Theo tư vấn của công ty Hansen Partnership (Úc), sân bay Long Thành, tại huyện Long Thành, Đồng Nai, cách TP.HCM 40km, Chủ đầu tư là Cụm cảng hàng không miền Nam, Tổng mức đầu tư xây dựng chỉ 12 tỷ USD, nhưng có công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tạm tính vận chuyển 1 tấn hàng hóa tương đương vận chuyển 3 hành khách, thì 5 triệu tấn hàng hóa tương đương 15 triệu hành khách. Công suất của sân bay Long Thành tương đương 100 triệu + 15 triệu = 115 triệu khách/năm, gấp hơn 2 lần 57 triệu hành khách /năm.
Như vậy, nếu đầu tư hai sân bay ở hai đầu Bắc - Nam thì tổng kinh phí xây dựng chỉ khoảng 24 tỷ USD. Vốn đầu tư cho phương tiện thiết bị phục vụ cho việc vận chuyển 115 triệu hành khách/năm, theo kinh nghiệm của các Nhà tư vấn, vào khoảng 24 tỷ USD, trong đó tiền mua máy bay khoảng 22 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình sẽ khoảng 24 + 24 = 48 tỷ USD, nhưng lại có thể đáp ứng nhu cầu đi lại nhiều gấp đôi so với phương án đường sắt cao tốc của Bộ GTVT.
Rõ ràng rằng phương án vận chuyển 57 triệu hành khách trên hành lang Bắc Nam bằng đường hàng không chỉ tốn 48 tỷ USD/2 = 24 tỷ USD, trong khi Bộ GTVT cần tới 55,85 tỷ USD để làm đường sắt cao tốc!