Đường sắt chuyển hướng vận tải hàng hóa

Báo Nhân dân|20/10/2021 08:32

(VLR) Thời gian qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải dừng hoàn toàn các đôi tàu khách, chuyển hướng sang vận tải hàng hóa trong nước và liên vận quốc tế. Điều này bước đầu đem lại nguồn thu trợ lực, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đoàn tàu chuyên tuyến container từ Việt Nam sang Bỉ do Ratraco, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận khai thác

Đoàn tàu chuyên tuyến container từ Việt Nam sang Bỉ do Ratraco, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận khai thác

Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco), đơn vị thành viên của VNR đã tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container từ ga Yên Viên chạy thẳng đến TP Liege (Bỉ), sau đó chuyển tiếp bằng đường bộ đến điểm đích TP Rotterdam (Hà Lan), mở ra một hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công.

Vận tải hàng hóa trở thành chủ lực

Trên hành trình chuyên chở hàng hóa sang châu Âu, tàu qua Trịnh Châu và kết nối toàn bộ 23 toa xe chở container vào đoàn tàu Á - Âu của Trung Quốc để đi tiếp sang Kazakhstan, qua các nước Nga - Belarus - Ba Lan - Đức rồi vào Bỉ. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến toàn bộ hành trình Việt Nam - Bỉ khoảng 25 ngày. Để thiết lập đoàn tàu chở hàng liên vận quốc tế qua nhiều nước đòi hỏi nhiều thủ tục như tiêu chuẩn thiết bị vận chuyển, vỏ container phải đạt chuẩn quốc tế. Trước đây, đường sắt Việt Nam và Trung Quốc hợp tác vận chuyển liên vận, toàn bộ thiết bị vận chuyển và vỏ container do Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam, nhưng từ giữa tháng 10/2020, khi xảy ra tình trạng thiếu vỏ container, đường sắt Trung Quốc ngừng cấp vỏ container cho Việt Nam. VNR và Ratraco đã hợp tác hãng tàu biển Maersk Lines (Đan Mạch) để vận chuyển hàng đi châu Âu, Maersk Lines cam kết cung cấp vỏ container để đóng hàng và hỗ trợ các điều kiện hậu cần khác.

Tổng Giám đốc Ratraco Trần Thế Hùng cho biết, đơn vị đã làm việc với các đối tác để thời gian tới có thể tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến đến các điểm đến mới như: Tây An, Hạ Môn,... (Trung Quốc), từ đó có thể đi tiếp đến các điểm đích ở châu Âu. “Việc kết nối đường sắt châu Âu thông qua đường sắt Trung Quốc giúp hàng hóa hai chiều xuất - nhập khẩu lưu thông tốt hơn, nhất là hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, các doanh nghiệp đi đường biển, mất nhiều thời gian, nay có thêm lựa chọn mới là đường sắt với giá cước cũng hợp lý, thuận lợi vận chuyển hàng xuất khẩu, thời gian rút ngắn hơn”, ông Hùng nhận xét.

Theo tính toán của các chuyên gia, trên cung đường đi châu Âu, đường sắt Việt Nam có cự ly ngắn, cho nên lợi ích thu về từ việc cho thuê hạ tầng cũng không nhiều so với các nước. Việc thành lập đoàn tàu chở hàng từ Việt Nam đi Bỉ mang lại ý nghĩa quan trọng là VNR đã phối hợp các đối tác để xây dựng tuyến vận tải mới, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế cũng như tiếp tục xây dựng chuỗi dịch vụ cung ứng vận tải liên vận quốc tế ngày càng bền vững và cạnh tranh hơn. Đồng thời, tuyến đường sắt container đang mở ra cho ngành đường sắt một trục vận tải mới chuyên tuyến, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt, vì phía Trung Quốc có cơ chế giá linh hoạt để thu hút nhiều mặt hàng. Trong khi, tại các đích đến Trung Á, Tây Á, châu Âu, đường sắt tồn tại được là nhờ hàng quá cảnh, đang có các chính sách giá cước ưu đãi, là cơ hội vận chuyển nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu với chi phí, thời gian hợp lý.

Đường sắt phải kết nối cảng biển

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh, tại dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đã đề xuất ưu tiên bố trí vốn khoảng 614 tỷ đồng cho dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc để kết nối khổ đường với đường sắt Trung Quốc, tạo thuận lợi cho đường sắt Việt Nam tổ chức lập tàu liên vận chạy thẳng sang Trung Quốc, từ đó đi châu Âu. Đồng thời, đề xuất kết nối đường sắt với nhiều cảng cạn và hình thành trung tâm logistics đường sắt để phát triển vận tải hàng hóa; ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn có khối lượng hàng hóa thông qua hơn 100 triệu tấn/năm như Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải; tuyến nhánh xuống cảng Vân Phong, kết nối cảng Cam Ranh, Khánh Hòa,… Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khoảng 240 nghìn tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thời gian qua, vận tải hành khách giảm khoảng từ 10% đến 15% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tỷ lệ vận tải hàng hóa từng bước tăng để bù đắp, đồng thời dành quỹ đường vận tải hành khách sang quỹ đường vận tải hàng hóa, hoặc mở thêm các tuyến container mới chạy tuyến bắc - nam. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với vận tải hàng hóa hiện nay chính là kết cấu hạ tầng đường sắt cho nên Nhà nước cần “rót vốn” đầu tư vào các hạng mục nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới bãi hàng, kho hàng tại các ga xếp dỡ hàng hóa trọng điểm để tăng năng lực xếp dỡ thông qua,… Thống kê của VNR cho thấy, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt từ đầu năm đến nay tăng vọt. Hàng liên vận xuất, nhập khẩu nói chung qua cửa khẩu ga Đồng Đăng, ga Lào Cai tăng hơn 40% so cùng kỳ 2020. Riêng hàng xuất đi Nga và châu Âu chín tháng qua đạt khoảng 1.800 TEUs, chủ yếu là đồ điện tử từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên; da giày, dệt may từ miền trung, miền nam. Hiện nay, từ Trung Quốc sang châu Âu có năm tuyến vận tải chính, do đó, ngay từ năm 2019, đường sắt đã mở tuyến hàng hóa liên vận quốc tế (thông qua Trung Quốc sang thị trường châu Âu tập trung vào tàu hàng container) và tàu chạy qua biên giới (Việt Nam - Trung Quốc). Sản lượng hàng hóa của các tuyến này chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa của ngành đường sắt và thời gian tới sẽ tiếp tục được tập trung đẩy mạnh.

Trong tương lai, ngành đường sắt sẽ tập trung nâng cao sản lượng hàng hóa, ưu tiên chạy tàu hàng vì nguồn hàng khá ổn định, số lượng lớn. VNR cũng sẽ làm việc với các đơn vị vận chuyển phát hành nhanh như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội mở tuyến từ Hà Nội vào TP. HCM, rút ngắn thời gian từ 72 giờ xuống 40 giờ. Sản lượng doanh thu vận tải hàng hóa đến thời điểm này đã đạt hơn 50% tổng doanh thu cả năm 2019. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, vận tải đường sắt sẽ phát triển vì hàng hóa vẫn liên tục tăng nhờ dịch vụ tốt hơn. “Vận tải hàng hóa tăng trưởng là kết quả từ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, cũng như được VNR xác định là lĩnh vực trọng tâm từ năm 2019 nhờ các chính sách như: điều chỉnh giá cước linh hoạt, hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng, mở rộng nguồn hàng, đẩy mạnh vận tải hàng hóa liên vận tới các thị trường,...”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh đánh giá.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt chuyển hướng vận tải hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO