(Vietnam Logistics Review) Trong thương mại điện tử (TMĐT) (e-commerce), Logistics là một trong những yếu tố chủ đạo quyết định lợi nhuận của DN.
Theo tính toán, khoảng 40% tổng chi phí bán hàng trên mạng tập trung vào sau giai đoạn khách hàng nhấn vào biểu tượng mua. Khi khách hàng trở thành người mua trong một giao dịch online thì DN cũng bắt đầu cho quá trình e - logistics. Xử lý và thực hiện đơn hàng, giao hàng, thanh toán, đổi hàng và thu hồi lại những hàng hóa không ưng ý... là những nội dung cơ bản của logistics trong môi trường này.
HOẠT ĐỘNG E - LOGISTICS TRONG TMĐT B2C
Theo báo cáo mới nhất của eMarketer, một hãng nghiên cứu Mỹ, thì VN có tốc độ phổ cập internet đạt mức cao nhất châu Á, với tăng trưởng trung bình là 20%/năm trong giai đoạn 2000-2010. Tính đến tháng 12.2013, VN có khoảng 5,3 triệu thuê bao internet, đạt tỷ lệ thâm nhập là 35,6%, và 121,7 triệu thuê bao di động. Ước lượng, hiện có khoảng 1/3 dân số đã sử dụng internet và khoảng 60% lên mạng tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng. Cũng theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT VN năm 2013, mức độ sử dụng e-mail để nhận đơn đặt hàng của các DN tăng 83% so với năm 2012. Dự báo đến 2015, VN sẽ có khoảng 40-45% dân số sử dụng Internet và doanh số TMĐT B2C sẽ đạt trên dưới 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, khung pháp lý, hạ tầng Internet và hệ thống thanh toán không ngừng được hoàn thiện là những yếu tố giúp tỷ lệ truy cập Internet tham gia mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng. Những số liệu trên cho thấy, thói quen tiêu dùng trực tuyến và mua hàng qua mạng của người tiêu dùng đã và đang có những chuyển biến tích cực, nhưng hiện nay khó khăn lớn nhất của bán lẻ điện tử B2C lại là hệ thống logistics.
Trong bán lẻ truyền thống, giới hạn bán kính phục vụ thị trường (R) của nhà bán lẻ là nhân tố quyết định đặc điểm khách hàng và các nỗ lực cung ứng dịch vụ thì trong bán lẻ B2C, thị trường được mở rộng không giới hạn. Một khách hàng ở VN có thể đặt mua một chiếc điện thoại hay một lọ nước hoa tại Mỹ qua website của sản phẩm, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời.
Tuy nhiên, hàng hóa không thể có mặt ngay lập tức như thỏa thuận mua hàng điện tử mà vẫn cần vượt qua hàng nghìn km khoảng cách địa lý để đến tay khách hàng. Toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử được gọi là hoạt động e-logistics.
Đặc thù của mô hình e-commerce là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa lúc này mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách, tính phức tạp, nên e-logistics có những khác biệt rất lớn với logistics truyền thống, nếu không được tổ chức tốt thì hiệu quả của mô hình này sẽ giảm đáng kể.
Với lợi ích của phân phối trực tuyến là không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm cung cấp, do khách hàng có thể truy cập các thông tin về hàng hóa và kết nối giao dịch thông qua mọi thiết bị di động như máy tính cầm tay, sách điện tử, điện thoại di động... có khả năng truy cập Internet. Điều này giúp nhà bán lẻ hoặc nhà sản xuất liên hệ trực tiếp với khách hàng và đáp ứng mong muốn mua hàng của khách ngay lập tức và vào bất kỳ thời điểm nào. Đồng thời tạo ưu thế về giá và chi phí từ việc sản xuất, lưu kho, và phân phối ở mức chi phí thấp hơn. Chính vì vậy trong TMĐT B2C các hoạt động e-logistics sẽ trở nên tối quan trọng và tập trung vào các vấn đề chính sau:
Lưu kho, là việc duy trì một lượng hàng hóa tại các điểm dự trữ hợp lý nhằm đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu hàng đặt. Tuy nhiên do nhu cầu của khách hàng rất đa dạng nên mức độ phức tạp của hàng hóa dự trữ cũng lớn hơn gấp nhiều lần. Việc quản lý và duy trì dự trữ cần đảm bảo chính xác, linh hoạt, yêu cầu cao trong áp dụng các loại máy móc thiết bị tự động và sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý kho nhằm hỗ trợ tối đa cho các hoạt động nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, gắn nhãn/mã vạch, phân loại, thiết lập danh mục hàng đảm bảo về thời gian, tốc độ.
Chuẩn bị đơn hàng, là hệ thống tiếp nhận, xử lý và chuẩn bị hàng hóa theo đơn hàng đặt từ các kênh bán khác nhau (cửa hàng, chợ
online như 123mua, sendo...). Bao gồm việc đặt hàng theo đơn hàng, đóng gói theo tiêu chuẩn để giao hàng. Mức độ ứng dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa vào khâu này hết sức quan trọng vì sẽ cho phép tăng năng suất cung ứng, nâng cao tính chính xác, giảm thời gian chờ đợi của khách, nâng cao hiệu quả bán hàng.
Giao hàng, bao gồm điều phối đơn hàng, xuất hàng từ kho cho khách hàng hoặc bên chuyển phát, và cập nhật thông tin tới khách hàng. Các DN bán lẻ B2C có thể tự tiến hành hoạt động giao hàng nếu có đủ chi phí và kinh nghiệm để xây dựng, đào tạo và quản lý đội ngũ giao hàng. Nhưng các DN nhỏ thì thường thiếu năng lực này nên sẽ phải thuê các dịch vụ giao nhận từ các công ty logistics bên thức ba. Khi giao hàng, nhà bán lẻ B2C thường sử dụng một số phương thức giao hàng khác nhau, các phương thức này quyết định số lượng dịch vụ logistics và mức độ tham gia ít hay nhiều của DN vào các giao dịch điện tử.
Giao hàng tại kho của người bán (Buy online, pick-up in-store) hay mua hàng online, khách đến lấy hàng tại cửa hàng. Cách này khách hàng đến tận kho, cửa hàng của nhà cung cấp để thanh toán và nhận hàng. Đây là phương thức sơ khai nhất của TMĐT và không thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên các DN không có khả năng cung ứng dịch vụ logistics vẫn có thể sử dụng.
Phương thức giao hàng tại địa chỉ người mua (Buy online, ship to store) còn gọi là mua hàng online, giao hàng tận nhà. Cho phép hàng hóa được giao đến vị trí khách hàng yêu cầu, tạo thuận lợi cho khách nhưng lại làm tăng chi phí và nguồn lực logistics đáng kể. Lúc này nhà bán lẻ B2C sẽ phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển và giao hàng, trong trường hợp còn hạn chế về vốn và năng lực giao nhận vận chuyển thì rất khó thực hiện.
Dropshipping hay giao hàng bỏ qua khâu vận chuyển là một mô hình rất tối ưu, cho phép DN mua sản phẩm cá biệt từ người bán buôn và chuyển trực tiếp đến khách hàng của DN. Thay vì phải mua một số lượng lớn hàng tồn kho, Nhà bán lẻ B2C chỉ đơn giản là hợp tác với một nhà cung cấp có khả năng vận chuyển và liệt kê danh mục hàng hóa của họ có để bán. Sau đó, khi nhận được đơn đặt hàng, đơn này sẽ được chuyển tiếp tới các nhà cung cấp để thực hiện. Các nhà cung cấp sẽ xuất xưởng sản phẩm trực tiếp từ nhà kho của họ tới khách hàng của DN, và DN chỉ trả phí vận chuyển cho đơn hàng.
Lợi ích của phương thức này là không cần nhiều vốn, không phải tồn kho, quay vòng vốn nhanh, không có áp lực về thời gian. Đặc biệt nó phù hợp với các DN bán lẻ B2C hoàn toàn thiếu mạng lưới nhà kho, phương tiện vận tải, đội ngũ giao hàng vì đã tận dụng được toàn bộ năng lực logistics của nhà cung ứng.