Cam kết logistics trong EVFTA
Trong EVFTA không có cam kết nào về dịch vụ logistics mà chỉ có cam kết cụ thể về các ngành, phân ngành có thể thuộc phạm vi dịch vụ logistics theo cách hiểu của Liên Hợp Quốc và hoặc của Việt Nam. Về phạm vi cam kết, phạm vi các dịch vụ vận tải mà Việt Nam có cam kết trong EVFTA gần như tương tự WTO, chỉ mở thêm 2 dịch vụ trong lĩnh vực hàng không, 2 dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải và không có dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
Trong EVFTA, EU đã cam kết mở cửa dịch vụ logistics cho Việt Nam với 2 nhóm nội dung tại Chương 8, các phụ lục 8-B và 8-C: Các nghĩa vụ áp dụng chung cho tất cả các hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong đó có dịch vụ logistics; Có nghĩa vụ áp dụng riêng cho các hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong lĩnh vực dịch vụ vận tải biển. Trong EVFTA, cũng tương tự như WTO, Việt Nam vẫn loại trừ vận tải biển nội địa khỏi phạm vi cam kết dịch vụ vận tải biển, qua đó giữ thị trường vận tải biển nội địa cho các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải Việt Nam. Tuy nhiên, tại Chương 8 (Điều 8.49), Việt Nam cam kết cho phép các nhà vận tải biển quốc tế EU tái phân phối container rỗng (với điều kiện những container đó không được vận chuyển có tính phí dưới dạng hàng hóa và sẽ được sử dụng để xử lý hàng hóa của hãng tàu đó) giữa các cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép - Thị Vải. Sau 5 năm thì giới hạn về các cảng được loại bỏ nhưng kèm theo điều kiện là các tàu gom hàng (tàu mẹ) phải ghé cảng biển Việt Nam; Đồng thời cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế EU cung cấp dịch vụ gom hàng bằng tàu giữa cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Như vậy, trong EVFTA Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển EU được cung cấp dịch vụ qua biên giới cho khách hàng tại Việt Nam không hạn chế (bao gồm cả vận tải hành khách). So với việc chỉ cho phép cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế qua biên giới trong cam kết WTO, đây là mức mở cửa thêm đáng kể cho Việt Nam trong EVFTA.
Đối với EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa đối với 4 nhóm dịch vụ hỗ trợ vận tải biển bao gồm: đại lý hàng hải, thông quan, kho bãi container và xếp dỡ container. Về mức độ cam kết, so với WTO, trong EVFTA, Việt Nam có cam kết với 1 dịch vụ mới đó là dịch vụ đại lý hàng hải, cam kết mở cửa rộng hơn với 1 dịch vụ là kho bãi container.
Với dịch vụ đại lý hàng hải: Việt Nam cho phép cung cấp qua biên giới không hạn chế nhưng chỉ cho phép thành lập liên doanh tại Việt Nam với tổng vốn nước ngoài không vượt quá 49%. Đối với nhân sự nước ngoài, Việt Nam cũng cam kết cho phép người quản lý EU được làm việc cho đại lý hàng hải.
Riêng dịch vụ kho bãi container, Việt Nam mở cửa toàn bộ thay vì hạn chế hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới như WTO. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, việc mở thêm dịch vụ này trong EVFTA cũng không có nhiều ý nghĩa.
Logistics - Xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA
Một vấn đề cản trở sự phát triển của dịch vụ logistics và vận tải biển đó là hạ tầng cảng biển, đường bộ và đường sắt phát triển chậm; phương tiện xếp dỡ thô sơ, thiết kế cảng không phù hợp cho bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dụng; không có dịch vụ hàng hải kết nối trực tiếp với các cảng biển tại châu Âu, châu Mỹ, kết nối hạ tầng thông tin yếu, mức độ container hóa thấp, dẫn đến chi phí logistics tại Việt Nam cao.
Tuy nhiên, về tiềm năng, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh, thông qua EVFTA đối với logistics, lưu lượng hàng hóa chuyển dịch qua các khu vực dự kiến sẽ tăng trung bình 16% - 18%/năm; Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng; Việt Nam tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác thương mại,... với cam kết mở cửa dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu tăng cao, góp phần cho ngành logistics phát triển sôi động, trong đó có lĩnh vực vận tải biển.
Đặc biệt, EU là thị trường lớn và là khu vực phát triển mạnh về logistics. Riêng vận tải biển, họ có đội tàu lớn, hiện đại và chiếm phần lớn thị phần vận tải biển thế giới. Vì vậy, ngành vận tải biển của Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn bởi sự cạnh tranh gần như không cân sức này.
Các doanh nghiệp vận tải Việt Nam chiếm thị phần nhỏ trong vận tải quốc tế một phần do năng lực cạnh tranh hạn chế, nhưng lại chiếm thị phần lớn trong vận tải nội địa. Tuy nhiên, với cơ hội mở từ EVFTA trong logistics, việc tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách hành chính về hải quan,... giúp cải thiện phần nào thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và hoạt động vận tải, logistics. Vận tải là mảng hoạt động chủ đạo, chiếm tới gần 60% hoạt động logistics ở Việt Nam, nếu so với thế giới, đây được xem là tỷ lệ tương đối cao. Đối với lĩnh vực vận tải biển, có tới 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng hình thức này, vì vậy những cam kết đối với vận tải biển trong EVFTA có ý nghĩa quan trọng. Việc mở rộng các cam kết trong logistics và vận tải biển là cơ hội gia tăng quy mô thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đi EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020; tăng lên 42,7% năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Theo chiều ngược lại, khi sản phẩm của EU vào Việt Nam sẽ được loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (61% dòng thuế đối với máy móc dự kiến nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng: 61% dòng thuế đối với máy móc thiết bị, 71% dòng thuế dược phẩm, 70% dòng thuế hóa chất...). Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp thì thị trường đối với dịch vụ logistics càng phát triển mạnh.
Đối với doanh nghiệp sẽ là cơ hội giảm chi phí kinh doanh, giảm thuê ngoài. Các cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam đối với các phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics có thể mua các sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý, cải thiện năng lực công nghệ và giảm các dịch vụ thuê ngoài. Đồng thời có cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU khi họ mở cửa nhiều nhóm dịch vụ logistics cho nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.
Doanh nghiệp logistics chuẩn bị những gì?
Để đón sóng cơ hội phát triển logistics, vận tải biển, các doanh nghiệp logistics cần nắm rõ các cam kết mở cửa dịch vụ logistics nhằm nhận diện các nguy cơ mới trong cạnh tranh với các đối thủ từ EU trên thị trường logistics Việt Nam hay các cơ hội hợp tác với các đói tác EU để có sự chuẩn bị thích hợp. Quan trọng là các doanh nghiệp cần cải thiện và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với mạng lưới logistics toàn cầu, tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp logistics khác nhau như hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp logistics nên tích cực thúc đẩy doanh nghiệp thông qua nâng cao nhận thức của doanh nghiệp logistics về các lợi ích của EVFTA và hướng dẫn về pháp lý để tận dụng lợi ích của Hiệp định này.