Ấn Độ, nhà cung cấp gạo lớn nhất thế giới
Vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tác động của El Nino, thị trường lương thực thế giới lại tiếp tục đón cú sốc khi Ấn Độ cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng - chiếm 25% lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Ấn Độ là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường thế giới. Vì thế, một lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức khiến các thương nhân vô cùng lo lắng, chưa thể tìm giải pháp thay thế. Và tác động ngay lập tức là hàng dài khách hàng ở khắp Mỹ hay Canada xếp hàng để mua gạo dự trữ.
Gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân châu Á. Theo phản ánh của giới truyền thông, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường của Ấn Độ đã khiến người Ấn Độ và cộng đồng các nước châu Á khác tại Mỹ xếp hàng dài để mua gạo dự trữ. Gạo basmati - một loại gạo hạt dài của Ấn Độ, không nằm trong lệnh cấm cũng được mua với số lượng lớn. Gạo các loại nhanh chóng "bay khỏi kệ hàng", thậm chí có nơi phải giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 bao.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Canada. Việc không có đủ dự trữ đáp ứng nhu cầu gia tăng cũng khiến một số cửa hàng phải tăng giá bán gạo.
Lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng và gạo tấm không phải basmati có hiệu lực ngay lập tức từ ngày 20/7 của Ấn Độ được dự báo sẽ đẩy giá gạo vốn đang ở mức cao tiếp tục tăng thêm. Các dự báo về hiện tượng thời tiết El Nino vốn gây lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Trong tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 515-525 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ năm 2011. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Hiện giá gạo thế giới đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua.
Năm ngoái Ấn Độ đã xuất khẩu các loại gạo trắng ngoài basmati ra thế giới khoảng hơn 10 triệu tấn. Để dễ hiểu hơn được mức độ của lệnh cấm mới đây thì có thể làm một phép so sánh, đó là tổng gạo lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái là khoảng hơn triệu 7 tấn. Tác động của lệnh cấm mới đây của Ấn Độ được cho càng khó lường, khi mà nguồn cung lúa mì của thế giới cũng đang đứng trước những thách thức, bởi Nga mới đây đã quyết định ngừng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen. Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ được cho có thể sẽ kéo dài ít nhất là tới cuối năm nay.
Vụ lúa chính của Ấn Độ là gieo vào tháng 6 và gặt vào tháng 11, 12. Hồi đầu tháng 6 này, Ấn Độ nắng nóng kỷ lục và ngay sau đó lại mưa lụt kỷ lục. Diện tích canh tác vì thế đã không đạt được như năm ngoái. Chính phủ Ấn Độ lại càng thận trọng, bởi năm ngoái nước này phải hứng chịu cả tình trạng lụt lội bất thường trong tháng 11, 12, đúng thời điểm thu hoạch. Các dự báo cho rằng nếu cuối năm nay mà thu hoạch tốt thì có thể Chính phủ Ấn Độ mới dỡ bỏ lệnh cấm, còn nếu không thì phải sang năm 2024. Ấn Độ hiện ưu tiên tối đa việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới.
Về giải pháp tới lúc này, đa phần đều đang nhắc đến là họ sẽ cố gắng đi tìm những nguồn thay thế, cụ thể là từ Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Tuy nhiên nói là như vậy, còn các nguồn thay thế đáp ứng được bao nhiêu thì các nhà nhập khẩu hiện chưa dám chắc.
Các loại gạo nằm trong danh mục cấm xuất khẩu của Ấn Độ vốn chiếm tới 40% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của nước này. Một số nhà nhập khẩu tại khu vực cho biết, hiện lượng gạo của các nước trong thời điểm này cũng không dư dả gì, tuy nhiên cũng cần thấy là các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang không ngừng gây sức ép để chính phủ nới lỏng các lệnh cấm xuất khẩu. Việc cấm xuất khẩu của Ấn Độ thực tế trong lúc này chủ yếu mang tính dự phòng.
Nguồn cung gạo của Ấn Độ hiện được cho là không thiếu để đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ dân. Chính phủ Ấn Độ thấy giá gạo cao, họ không muốn nhìn thấy lạm phát trước thềm bầu cử, nên chủ động mạnh tay kiểm soát thị trường. Song điều này cũng sẽ gây ra không ít thiệt hại cho các nhà xuất khẩu gạo cũng như nguồn thu ngoại tệ của Ấn Độ.
Các loại gạo bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm chiếm 10 triệu tấn trong tổng số 22 triệu tấn gạo mà Ấn Độ xuất khẩu năm ngoái. Áp lực đối với gạo, một loại thực phẩm thay thế khẩn cấp cho lúa mì, vốn đã gia tăng sau khi Nga hủy bỏ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. Sản lượng nông nghiệp ở nhiều nước sụt giảm khi các điều kiện canh tác bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tất cả những diễn biến trên đang thổi bùng lo ngại về an ninh lương thực và giá cả, có thể khiến tình trạng lạm phát cao ở nhiều nước kéo dài hơn.
Bộ Công Thương Việt Nam khuyến nghị
Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có các Văn bản số 584/XNK-NS gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Văn bản số 585/XNK-NS gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị phối hợp triển khai một số nội dung liên quan.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp thực hiện một số nội dung như sau: Tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Đối với Thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực. Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, gửi về Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Đồng thời, chủ động trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cung ứng, lưu thông thóc, gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để có giải pháp ứng phó kịp thời.