(Vietnam Logistics Review)Ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đang trở thành vấn nạn và ngày càng trở nên trầm trọng, gây tổn thất rất lớn về kinh tế cho cả người dân và xã hội. Trong bối cảnh như hiện nay, khó mà có một phương án tổ chức giao thông hay giải pháp nào chỉ trong một thời gian ngắn mà có thể hạn chế được sự ùn tắc này. Để có giải pháp phù hợp, chúng tôi cho rằng trước hết phải tìm được căn nguyên của nạn ùn tắc giao thông thành phố này vốn đã dồn ứ từ nhiều năm nay.
Để khắc phục từng bước những cản trở nêu trên cần phải có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quản lý cơ sở hạ tầng của Thủ đô nói chung và quản lý giao thông nói riêng. Những phương án hay giải pháp đề xuất trong một thời gian ngắn chỉ nhằm góp một phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Theo chúng tôi, cần phải có các giải pháp logistics giao thông Hà Nội trong ngắn hạn và dài hạn.
Giải pháp ngắn hạn nhằm giảm ùn tắc giao thông Hà Nội hiện nay
Tổ chức hợp lý và khoa học hệ thống giao thông thành phố mà trước hết là các tuyến đường, trục đường có lưu lượng xe vào ra thành phố thường xuyên và hay xảy ra ùn tắc:
(1) Cần phải làm ngay việc rà soát tổng thể hệ thống giao thông hiện có và thực hiện sự kết nối tất cả các phương tiện vận tải từ bến đến bến, từ ga đến bến, đến các khu dân cư... bằng các phương tiện vận tải.
(2) Cương quyết bố trí lại các tuyến, đường, vỉa hè một cách khoa học trong thành phố, tăng cường thêm các điểm giữ xe trong thành phố, không để tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè đường để làm điểm trông giữ xe, bán hàng...
(3) Phát triển dịch vụ văn minh cho khách tại các bến xe, nhà ga, đồng thời bố trí lại hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn và quy hoạch các điểm đỗ, đón khách cho loại xe taxi, không để lộn xộn, tự phát như hiện nay.
(4) Khẩn trương thi công để hoàn thành tuyến đường sắt trên cao để sớm đi vào khai thác góp phần giảm ùn tắc cho Hà Nội.
(5) Chấm dứt việc “cấp phép” xây dựng các khu chung cư cao tầng trong các quận nội thành, các chung cư này nên đầu tư xây dựng ra ngoại ô thành phố để tạo thành các khu đô thị “Hà Nội mới”.
(6) Tăng cường thường xuyên lực lượng CSGT tại các điểm giao thông thường xảy ra ùn tắc trên các tuyến, nếu lực lượng thực thi mỏng thì có thể sử dụng cả lực lượng thanh niên tình nguyện của các trường đại học.
Giải pháp dài hạn, bền vững để chống ùn tắc giao thông
(1) Xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics của thủ đô Hà Nội đến năm 2050, bao gồm các bộ phận được kết nối khoa học của các quy hoạch GTVT, quy hoạch CSHT thương mại, quy hoạch phát triển thủ đô, phát triển CNTT... Từ đó có tầm nhìn dài hạn, tối ưu hóa mạng lưới cho đầu tư các công trình giao thông của thành phố.
(2) Quy hoạch phát triển hệ thống tàu điện ngầm, đường trên cao nhiều tầng, khôi phục lại hệ thống tàu điện trước đây... để có thể huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng thời gian tới.
(3) Quy hoạch toàn bộ hệ thống giao thông tĩnh hiện nay của Hà Nội cho phù hợp quy mô và tốc độ phát triển của thành phố và đặc biệt ưu tiên hệ thống giao thông tĩnh ngầm dưới lòng đất hoặc dưới các ao hồ mà Hà Nội có lợi thế.
(4) Quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics vào các cửa ngõ của Thủ đô, nhằm kết nối các phương tiện vận tải, các tuyến đường vành đai, làm bến xe, điểm đỗ cho tất cả phương tiện, làm cả chức năng như là một trung tâm phân phối, kho bãi, dịch vụ giá trị gia tăng cho thương mại theo hướng văn minh, hiện đại như nhiều nước đã làm (Đức, Hà Lan, Nhật...) để hạn chế xe chạy đường vòng, xe chạy không tải đi trong thành phố. Xây dựng sàn giao dịch thông tin logistics của thành phố để kết nối với các chủ phương tiện vào ra thành phố, trao đổi thông tin nhằm khai thác hiệu quả các phương tiện, cơ sở hạ tầng giao thông.
(5) Đầu tư và mở rộng các điểm giao cắt giao thông, đẩy nhanh các tuyến đường hiện đang trong quá trình xây dựng theo đúng thời gian, tiến độ, tuyệt đối không quy hoạch, đầu tư xây dựng, giải phóng nút giao thông theo kiểu “nhiệm kỳ”.
(6) Tiếp tục giáo dục, nâng cao văn hóa giao thông đô thị, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.
10 nguyên nhân cơ bản nhìn từ góc độ logistics: 1. Thiếu một quy hoạch hệ thống logistics nói chung và cơ sở hạ tầng logistics nói riêng với tầm nhìn dài hạn để liên kết các quy hoạch của các ngành, các địa phương (quận, huyện) trên địa bàn thành phố, đã làm cho các quy hoạch này “băm nát” Hà Nội như Chủ tịch thành phố - Ông Nguyễn Đức Chung đã nói. 2. Hậu quả của sự ùn tắc giao thông hiện nay là một sự trả giá đắt cho quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn dài hạn và khi thực hiện lại bị méo mó do lợi ích nhóm chi phối - đường bị băm nát khi vừa rải thảm, xuống cấp nhanh, vỉa hè không ra vỉa hè, bến xe, nhà ga thì luôn nhếch nhác... 3. Thiếu quy hoạch logistics dài hạn cho thành phố đã làm cho cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng thương mại... vận hành kém hiệu quả, gây xung đột các loại phương tiện vận tải, tạo nhiều điểm nghẽn làm nạn ùn tắc giao thông ngày lại càng trầm trọng thêm. Sâu xa là do thiếu sự kết nối giữa các cơ sở hạ tầng của các ngành dịch vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, thiếu sự kết nối giữa các phương tiện vận tải từ bến đến bến, từ bến đến ga, từ các khu dân cư đến các bến... làm gia tăng nhiều loại phương tiện giao thông bị dồn ứ, xung đột trên đường. 4. Trong khi phương tiện công cộng còn rất hạn chế, đơn điệu chỉ có một loại chủ lực là xe buýt, xe máy thì Hà Nội ngay từ đầu đã sai lầm dỡ bỏ hệ thống tàu điện của Thủ đô – vốn có lịch sử cả 100 năm. Hệ thống này vốn đã được thiết kế có tính kết nối cao với các khu vực dân cư của Thủ đô Hà Nội, bài toán logistics đã được tính toán khi họ thiết kế mạng lưới này. Vì vậy, chúng ta vội phá bỏ mà không có các phương tiện tốt hơn để thay thế, giờ thì phải trả giá, xe điện bánh lốp đưa vào sử dụng một thời gian lại thất bại và giờ là tuyến đường xe buýt nhanh (BRT), trong khi hầu hết ở các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu người ta vẫn duy trì và phát triển phương tiện này rất hiệu quả cả về kinh tế và xã hội. 5. Tuy Hà Nội đã đầu tư rất nhiều tiền của cho giao thông thành phố, cho chống ùn tắc nhưng các công trình này chỉ được một thời gian lại không phát huy hiệu quả - như cầu vượt, đường ngầm qua đường, đường sắt trên cao thì xây dựng lại quá chậm trễ, tốn rất nhiều tiền của, công sức của dân và tiền ngân sách của nhà nước, gây thêm nạn ùn tắc giao thông. Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông Hà Nội không những thiếu tầm nhìn dài hạn mà còn mang tính chất như là giải pháp tình thế, tính “nhiệm kỳ”. 6. Hệ thống giao thông tĩnh của thành phố lại rất kém phát triển, hầu như chưa có gì. Ngay cả loại xe taxi trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chưa có quy hoạch, xây dựng các bến đón và trả khách một cách khoa học, chủ yếu vẫn là tự phát. Dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách tại các nhà ga, bến xe kém phát triển, nhất là Nhà ga Hà Nội, gây phản cảm cho nhiều hành khách từ các địa phương khác đến. 7. Khi quy hoạch đầu tư xây dựng các đường vành đai cũng như các tuyến Quốc lộ hướng vào thành phố không tính đến việc xây dựng các trung tâm logistics có quy mô tương xứng để kết nối các phương tiện (vừa để làm bến xe, bến đỗ, trung tâm phân phối hàng hóa...) nhằm giảm các phương tiện vào và đi qua thành phố, tránh được ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, trong khi quy hoạch phát triển TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thì chỉ quy hoạch 2 trung tâm logistics ở huyện Sóc Sơn và huyện Thường Tín là chưa đủ và chưa biết khi nào triển khai? Các bến xe được xây dựng lại thiếu tầm nhìn cả về quy mô và sự kết nối các loại phương tiện vận tải, tổ chức dịch vụ văn minh, làm bất tiện cho vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa, đẩy chi phí logistics tăng cao. 8. Có quá nhiều khu chung cư cao tầng mọc lên ở trung tâm thành phố và khi xây dựng họ chỉ tính đến yếu tố thương mại mà không tính đến yếu tố kết cấu hạ tầng giao thông; các chợ truyền thống cải tạo, xây dựng hoặc các bến xe di dời, nhà máy chuyển ra ngoại thành vì lý do “môi trường” thì đều “được phép” xây dựng các khu đô thị cao cấp chọc trời ở khắp nơi, cộng với số dân vào thành phố gia tăng quá nhanh làm cho cơ sở hạ tầng giao thông vốn đã nhỏ bé, yếu kém lại càng trở nên quá tải – ùn tắc thường xuyên là điều không thể tránh khỏi. 9. Nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn TP.Hà Nội ngày càng tăng nhưng phương tiện vận chuyển công cộng suốt 30 năm đổi mới không có gì thay đổi, chỉ là phương tiện xe buýt nghèo nàn lại thiếu kết nối với các phương tiện vận tải khác, các khu dân cư... để đưa đón, trả khách. Hơn nữa dịch vụ xe buýt lại kém phát triển, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên xe còn rất yếu, an ninh trật tự không bảo đảm cho hành khách đã làm giảm lượng khách đến với loại phương tiện này. 10. Ý thức tôn trọng pháp luật giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố còn hạn chế, cả một bộ phận lực lượng CSGT thực sự chưa làm hết chức trách của mình, còn gây phiền hà và nhũng nhiễu cho người dân. |