Google sẽ tích hợp AI vào nhiều dịch vụ của mình.
Hội nghị dành cho nhà phát triển thường niên Google I/O được diễn ra vào 10/5/2023 tại nhà hát vòng tròn Shoreline, ngay đối diện với Trụ sở chính của Google ở Mountain View, California. Tại Google I/O, Google dành hơn 1 tiếng để nói về AI, và về việc họ sẽ tích hợp AI vào các dịch vụ của mình như thế nào. Một loạt ứng dụng của Google dành cho người dùng cá nhân lẫn người dùng doanh nghiệp sẽ nhận được các tính năng được bổ trợ từ AI.
Ứng dụng AI trong Gmail, Google Docs, Google Maps, Google Photos
Với Gmail, Google bổ sung thêm tính năng Help me write, đây là công cụ AI giúp người dùng soạn thảo một email đơn giản, bên cạnh 2 tính năng mà họ đã giới thiệu trước đây là Smart Reply và Smart Compose. Help me write sẽ viết dựa trên thông tin mà người dùng cung cấp, ví dụ viết email trả lời về việc huỷ vé máy bay. Help me write cũng được tích hợp vào Google Docs, cho phép tạo nhanh một bản báo cáo, một bản mô tả công việc, một đoạn văn bản ngắn diễn tả một chủ đề nào đó do chúng ta cung cấp.
Với Google Maps, Google giới thiệu tính năng Immersive View, đây là tính năng cho phép người dùng có thể xem lộ trình mà họ sắp đi với mô hình 3D, cho người dùng một cái nhìn sâu hơn về các địa điểm xung quanh cung đường mà họ đi qua. Immersive View cho Google Maps hiện tại hỗ trợ 15 thành phố, bao gồm: Amsterdam, Berlin, Dublin, Florence, Las Vegas, London, Los Angeles, New York, Miami, Paris, Seattle, San Francisco, San Jose, Tokyo, Venice.
Google Photos Magic Editor là một bước tiến nữa của việc đem Photoshop đến với điện thoại ở một mức đơn giản và dễ dàng sử dụng cho người dùng. Trước đây chúng ta đã biết đến Google Magic Eraser, xoá vật thể nhờ vào AI, thì với Magic Editor, Google cho phép chúng ta di chuyển vật thể trong một bức hình và AI sẽ tự động “vẽ lại” những chi tiết còn thiếu.
Google Sheets, Google Messages và RCS sẽ có những nâng cấp…
Với Google Sheets, Google bổ sung tính năng cho phép người dùng tạo bảng tính với những từ ngữ được gợi ý. Với Google Messages, Google mong muốn mọi thiết bị, mọi hệ điều hành đều có thể dùng được RCS để mọi người có thể trò chuyện nhóm với nhau. Tính năng mà Google giới thiệu được gọi là nhắn tin ma thuật, tức người dùng chúng ta vẫn gõ tin nhắn như bình thường, sau đó Google sẽ gợi ý cho chúng ta những cách nhắn vui vẻ hơn, thú vị hơn.
Về Google Bard
Google cập nhật thêm cho Bard khả năng biên dịch code cũng như sửa lỗi code, Bard hiện tại sẵn sàng hỗ trợ hơn 20 ngôn ngữ lập trình khác nhau. Google Bard cũng được Google cập nhật giao diện tối (dark mode), hỗ trợ gom code, tối ưu code để tiện lợi cho người dùng nhất.
Quan trọng hơn, Google Bard có thể tương thích và khai tác tốt với các dịch vụ web, Google tích hợp Adobe Firefly để người dùng có thể tạo hình ảnh từ trí tưởng tượng của mình, thông qua những cú pháp được gợi ý cho Bard. Google cũng mở rộng Bard cho toàn bộ người dùng ở trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau và Google cũng cam kết sẽ bổ sung 40 ngôn ngữ khác nhau cho Bard, trong đó có tiếng Việt.
Google Search sẽ “Smarter” và “Simpler”
Google dùng “Smarter” và “Simpler” để nói về việc tích hợp AI vào trong Search. Đầu tiên Google sẽ cung cấp các thông tin có liên quan, tóm tắt về sản phẩm, các hình ảnh… ở ngay đầu của phần kết quả tìm kiếm (gọi là Snapshot). AI cũng sẽ cố gắng lấy dữ liệu từ người dùng thực tế thay vì chỉ các trang web. Ngay bên dưới “Snapshot” sẽ là kết quả tìm kiếm như cũ từ trước đến giờ. Đặc biệt, Google sẽ đánh dấu những hình ảnh được tạo bằng AI mỗi khi người dùng tìm kiếm để tránh tình trạng tin giả được lan truyền một cách không có kiểm soát. Google sẽ đem tính năng này lên Chrome dành cho desktop và mobile vào cuối năm nay.
Sổ tay AI - Project “Tailwind”
Project Tailwind là một cuốn số tay được tích hợp AI, đây cũng là một dự án khá táo bạo của Google, nó có thể cho người dùng nghiên cứu thông tin, tìm kiếm, gợi ý trong khi người dùng đang thực hiện những bài viết về một chủ đề nào đó. Project “Tailwind” sẽ là một công cụ rất thú vị khi nó sẽ thay đổi về cách mà chúng ta viết trong tương lai.
Codey – AI chuyên cho việc code
Hiện tại, Codey đã có sẵn ở dạng Preview trong Google Cloud, nó sẽ thiên về cho người dùng doanh nghiệp hoặc các nhà phát triển sử dụng Google Cloud.
Đây là mô hình ngôn ngữ lớn thứ hai của Google, bên cạnh LaMDA, mô hình ngôn ngữ tạo ra Bard. PaLM 2 theo Google sẽ nhanh hơn so với PaLM thế hệ đầu tiên, hiệu quả hơn, cải thiện khả năng ngôn ngữ, lý luận và mã hoá. Hiện tại PaLM 2 được tích hợp vào 25 sản phẩm của Google. PaLM được viết tắt cho Pathways Language Model, kiến trúc AI “Pathways" có thể thực hiện được hàng triệu công việc chỉ với một mô hình duy nhất.
Khả năng hiểu đa ngôn ngữ của PaLM 2 rất lớn, lên đến 100 ngôn ngữ, dẫn đến nó có thể hiểu và dịch được các văn bản phức tạp, đa dạng sắc thái như thơ, thành ngữ hoặc câu đố. Tập dữ liệu của PaLM 2 bao gồm các bài báo cáo khoa học hoặc các biểu thức toán học trên internet để cải thiện khả năng suy luận logic. PaLM 2 sẽ được chia ra với 4 model khác nhau với 4 cái tên tượng trưng cho 4 loài vật: Gecko, Otter, Bison và Unicorn. Trong đó nổi bật là Gecko vì nó nhẹ nhất và có thể tích hợp vào trong những thiết bị di động và đủ nhanh để phục vụ cho các ứng dụng tương tác, ngay cả khi ngoại tuyến. Google đang thử nghiệm Gecko với khả năng xử lý 20 token trên một giây nhưng không tiết lộ cụ thể là thiết bị nào.
PaLM 2 còn có một model chuyên cho lĩnh vực y tế, gọi là Med-PaLM 2, nó sẽ chịu trách nhiệm cho việc trả lời các câu hỏi và tóm tắt thông tin chi tiết từ các văn bản y tế. Ngoài Sec-PaLM là một model cho ngành an ninh mạng.
Thiện Khánh (tổng hợp)