Điều này phần nào cho thấy người tiêu dùng có thể sẵn sàng trải nghiệm với xe ô tô điện. Tuy nhiên, để thực sự chuyển đổi từ nhận thức sang hành vi mua thì sẽ cần thêm thời gian và những cách thức khác nhau để thuyết phục người tiêu dùng.
Nhận thức và những rào cản mua ô tô điện của người tiêu dùng tại Việt Nam
Theo kết quả khảo sát với 3171 đáp viên năm 2019, chỉ có 3% người tiêu dùng ưa thích mua xe ô tô điện chạy bằng pin tại Việt Nam, và 16% người cho rằng họ cũng thích mua xe ô tô điện lai xăng, trong khi 81% người được hỏi thì cho rằng, họ vẫn lựa chọn các thương hiệu xe ô tô
chạy bằng xăng trong thời gian tới nếu có ý định mua. Đáng chú ý, chỉ có 6% người đồng ý rằng họ sẽ trả nhiều hơn (với mức giá đặc biệt) để mua xe ô tô điện, 38% cho rằng họ sẽ chi nhiều hơn một chút và có tới 47% cho rằng họ sẽ dành mức chi tương đương với xe ô tô chạy bằng xăng (Statista, 2022b).
So với các quốc gia trong khu vực, dường như người tiêu dùng Việt Nam có thể sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để sở hữu và trải nghiệm chiếc xe ô tô điện. Cụ thể, 38% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng họ có thể trả hơn một chút so với xe ô tô thông thường trong khi ở Indonesia con số là 13%, Malaysia là 10%, Phillippines là 12%, Singapore là 13% và Thái Lan là 4%. Người Việt Nam cũng có thể chấp nhận mức giá cao hơn hẳn cho các sản phẩm xe ô tô điện so với người tiêu dùng ở các quốc gia còn lại. Vì thế, chỉ có 47% người tiêu dùng được hỏi cho rằng họ sẽ chi một số tiền tương đương để mua xe ô tô điện và chỉ có 9% người cho rằng họ sẽ sẵn lòng mua xe điện với giá thấp hơn xe thông thường. Từ đây, có thể thấy rằng, các loại xe ô tô điện được ghim vào nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam như một loại sản phẩm “cao” hơn so với các loại xe ô tô thông thường chạy bằng xăng, dầu khác. Và người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng xe điện chạy bằng pin ít có tác động đến môi trường hơn so với những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) khác (Deloitte, 2022).
Những lo ngại của người tiêu dùng các quốc gia ASEAN đối với xe ô tô điện, theo kết quả khảo sát năm 2020, chủ yếu đến từ việc thiếu cơ sở vật chất sạc điện công cộng và lo ngại về công nghệ pin, thời gian cần thiết để sạc đầy pin, chi phí/ giá cao, quãng đường xe ô tô điện có thể đi được và bị giới hạn sự lựa chọn các thương hiệu xe (Statista, 2022b). So sánh với các quốc gia trong khu vực, có thể nhận thấy, người tiêu dùng Việt Nam có phần lo lắng hơn về độ an toàn của pin sạc (22%, chỉ sau Phillippines với 24%), và người Việt Nam cũng thể hiện sự lo lắng nhất với thời gian cần thiết để sạc đầy pin (19%, tỉ lệ cao nhất trong số các quốc gia có người tiêu dùng được khảo sát).
Tuy nhiên, những lo ngại này đã có xu hướng giảm vào năm 2021. Theo kết quả khảo sát của Deloitte (2022), chỉ còn 27% người tiêu dùng Việt Nam lo ngại về cơ sở vật chất sạc điện công cộng và 12% người lo ngại về độ an toàn của công nghệ pin. Nhưng thay vào đó, 22% người được hỏi cho rằng họ không biết quãng đường đi được mà xe ô tô điện có thể thực hiện trong bối cảnh giao thông của Việt Nam. Kết quả này tương đối trái ngược với nhận định của người tiêu dùng tại Indonesia với 40% người lo ngại về cơ sở vật chất sạc điện (trong khi năm 2020 là 39%) và 9% người lo ngại về quãng đường đi được (trong khi năm 2020 là 22%). Người tiêu dùng tại Thái Lan cũng có nhận định tương tự khi họ có vẻ lo lắng nhiều hơn về quãng đường đi được (33% năm 2021 trong khi năm 2020 là 19%). Người tiêu dùng ở Malaysia dường như lại giảm lo ngại ở hầu hết những vấn đề họ đề cập đến trong khảo sát năm 2020 (chỉ còn 25% lo ngại về cơ sở vật chất sạc điện năm 2021 trong khi năm 2020 có tới 35% người quan tâm, và các vấn đề khác cũng ở trong xu thế tương tự). Phillippines, Singapore cũng có kết quả tương tự với người tiêu dùng ở Malaysia.
Theo báo cáo của Statista (2022), dựa trên kết quả khảo sát 1039 người Việt Nam vào năm 2019, chỉ có 3.37% người sở hữu xe ô tô thuần điện, trong khi đó có 16.94% người sở hữu xe xăng lai điện (hybrid) và 86.43% người sở hữu xe ô tô chạy bằng xăng (Statista, 2022a). Còn theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2019 chỉ có 140 xe ô tô điện, năm 2020 là 900 xe và năm 2021 là hơn 1000 xe. Đáng chú ý, xe xăng lai điện, xe xăng gắn động cơ điện là chủ yếu, và đều là xe nhập khẩu. Xe thuần điện chiếm một tỷ lệ rất thấp (H.L, 2022).
Từ những kết quả trên, có thể nhận thấy rằng doanh nghiệp sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tác động đến quyết định mua xe ô tô điện của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, những tin tức đáng lo ngại về nguyên liệu sản xuất pin xe ô tô điện trong thời gian gần đây cũng có thể gây ra những rào cản về khả năng phát triển bền vững của dòng sản phẩm này.
Bộ môn Quản trị thương hiệu - Trường Đại học Thương mại