Hầm đường bộ Đèo Cả: Tự hào công trình tiêu biểu Quốc gia

Đại Miêu|11/05/2018 08:05

(VLR) Hầm đường bộ Đèo Cả được chọn là 1 trong 5 công trình tiêu biểu quốc gia là một dấu ấn đặc biệt, niềm tự hào lớn của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nói riêng và ngành xây dựng cả nước nói chung.

Là công trình xây dựng có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp đầu tiên do người Việt tự đầu tư vốn và thi công, hầm đường bộ Đèo Cả là 1 trong 5 công trình được bộ xây dựng chọn gắn biển công trình tiêu biểu cấp Quốc gia, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng (29.4.1958 – 29.4.2018). Đây không chỉ là một dấu ấn đặc biệt mà còn là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nói riêng và ngành xây dựng cả nước nói chung.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ

Ghi nhận từ một công trình tiêu biểu quốc gia

Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng, bằng tư duy phản biện, trong quá trình triển khai khảo sát, Công ty Đèo Cả đã mạnh dạn điều chỉnh hướng tuyến, nhằm giảm chiều dài hai tuyến hầm từ 5,7km xuống còn 4,3km, từ đó đã giảm số tiền đầu tư xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng, tiết kiệm được 4.200 tỷ đồng. Đồng thời giảm thời gian thi công, chi phí nhân lực, giúp hoàn thành vượt tiến độ 4 tháng so với dự kiến.

Ngày 12.4.2018, tại cửa hầm phía Bắc hầm đường bộ Đèo Cả, Bộ Xây dựng và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức lễ gắn biển Công trình tiêu biểu Quốc gia cho hầm đường bộ Đèo Cả. Dự lễ có ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên; ông Phạm Phúc Hiếu, Cục phó Cục quản lý Công trình và Chất lượng giao thông (Bộ GTVT); ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả,... cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Một điều đáng tự hào của dự án hầm Đèo Cả nữa là, lần đầu tiên một công trình hầm đường bộ quy mô lớn được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước, do một doanh nghiệp tư nhân đảm trách. Từ chủ đầu tư đến các nhà thầu thi công đều của Việt Nam. Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã đánh giá cao việc thực thi dự án này, ông cho rằng, Nhà đầu tư và thi công dự án đã làm chủ công nghệ tiên tiến về thi công hầm và vận hành hệ thống sản xuất một cách hoàn hảo để đưa công trình về đích đúng hẹn. “Dự án hầm Đèo Cả thật sự được xem là một công trình lớn đầu tay của công nhân, kỹ sư Việt Nam. Đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt làm, thể hiện sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt Nam”, ông Lê Quang Hùng nói.

Ngoài tiến độ nhanh, công trình hầm đường bộ Đèo Cả còn là công trình tiêu biểu về mặt chất lượng. Theo ông Phạm Quốc Hiếu, Cục phó Cục Quản lý và Xây dựng chất lượng Công trình giao thông - Bộ GTVT, từ ngày 21.8.2017, công trình hầm đường bộ Đèo Cả được đưa vào sử dụng và cho đến nay, công trình đã mang lại nhiều kết quả khả quan. “Về mặt chất lượng, đã được các hội đồng và chuyên gia đầu ngành của ngành giao thông cũng như ngành xây dựng kiểm tra, đánh giá đảm bảo yêu cầu rất cao”, ông Hiếu khẳng định.

Niềm tự hào và động lực vươn tới tương lai

Dự án hầm đèo cả được xem là một công trình lớn đầu tay của công nhân, kỹ sư Việt Nam. Đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt làm, thể hiện sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt Nam.

Ông Lê Quang Hùng,
Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Sau khi đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác, thời gian qua hầm được rút ngắn từ 45 phút đường đèo xuống chỉ còn hơn 10 phút qua hầm, đã giải quyết triệt để và xóa bỏ những điểm đen nguy hiểm, dễ ùn tắc giao thông. Đặc biệt trong những đợt mưa bão, tình trạng sạt lở gây tê liệt giao thông trên đèo Cả đã không còn nữa. Tại lễ gắn biển công trình tiêu biểu cấp Quốc gia cho công trình hầm đường bộ Đèo Cả, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên vui mừng cho biết, công trình hầm đường bộ Đèo Cả còn giúp nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông giữa miền Trung và khu vực phía Nam Trung bộ, nhất là giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. “Ngoài ra, hầm Đèo Cả còn tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; tạo đà phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch khu vực duyên hải miền Trung; tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng miền Trung - Tây Nguyên”, ông Huỳnh Tấn Việt nói.

Nhớ lại quá trình thi công hầm Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tâm sự: “Với những thành quả như trên, chúng tôi không quên chặng đường gian nan, đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên với bản lĩnh và tinh thần vượt khó, chúng tôi đã vượt qua những định kiến tồn tại là một doanh nghiệp tư nhân trong nước không có khả năng đứng ra đầu tư một dự án hầm đường bộ có kết cấu phức tạp, nhất là hầm đường bộ trên cung đường đèo thuộc loại nguy hiểm nhất trên tuyến quốc lộ hiện nay... Đến nay, dự án đã thành công và được các cấp các ngành cũng như nhân dân ghi nhận, chúng tôi xem đây là một niềm tự hào và là nguồn động lực to lớn để CB-CNV Công ty Đèo Cả tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn tới tương lai” .


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hầm đường bộ Đèo Cả: Tự hào công trình tiêu biểu Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO