
Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng cho Thành phố là 8,5%, nhưng ngay từ cuối năm 2024, Thành phố đã chủ động nghiên cứu, đặt ra mục tiêu tăng trưởng là trên 10%. Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh năm 2025 với mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội đạt thấp nhất 600.000 tỷ đồng phấn đấu đạt 620.000 tỷ đồng trong năm 2025, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Thành phố cũng đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng hai con số trên địa bàn Thành phố trong năm 2025 trên cơ sở bám sát, triển khai đầy đủ, nhất quán, đồng bộ các văn bản của Trung ương, Thành ủy và Hội đồng nhân dân Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025, với 7 nhóm giải pháp như sau:
Một là tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định mới, đột phá đã ban hành, tháo gỡ, giải phóng ngay nguồn lực của nền kinh tế.
Hai là tiếp tục ưu tiên nghiên cứu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; tinh gọn, sắp xếp, cải cách tổ chức, bộ máy.
Ba là huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút FDI.
Bốn là hình thành các động lực tăng trưởng mới, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; phát triển các vùng động lực, đô thị, hạt nhân tăng trưởng của địa phương.
Năm là tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của Thành phố; mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy tiêu dùng; thu hút khách du lịch.
Sáu là thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bảy là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính quyền số, tinh gọn bộ máy nhà nước.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng đã đề ra
Liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân, Sở Tài chính cho biết Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về cơ chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Một số nội dung trọng tâm tập trung thực hiện như sau:
Tiếp tục kiến nghị các cấp giải quyết các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật trên cơ sở thực tiễn tại Thành phố; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước; Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân ngay sau khi Trung ương ban hành chính sách.
Tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động xử lý, thực hiện ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức; thể chế, cơ chế, chính sách phải hướng tới huy động mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của Thành phố.
Phát huy hoạt động của Tổ Công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án, khu đất trên địa bàn Thành phố theo Công điện số 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát; thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phương châm: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; Quyết tâm, trách nhiệm, khẩn trương; 5 thật, 7 dám, 5 rõ. Tiếp tục cải cách hành chính; đơn giản hóa thủ tục, đặc biệt trong bước chấp nhận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, góp phần rút ngắn thời gian và giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp. Khai thác có hiệu quả quỹ đất công, tài sản công.
Nghiên cứu mô hình Tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu, nhà đầu tư chiến lược, chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ.
Tăng tốc xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số. Phát triển mạnh mẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chính quyền, các doanh nghiệp. Phát triển, mở rộng các nền tảng số dùng chung của Thành phố; hoàn thiện Hệ thống quản trị thực thi thành phố và Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp theo mô hình quản lý tập trung, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Xây dựng, hoàn thiện chính quyền số.
Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm. Tập trung đột phá các động lực tăng trưởng mới.
Tham gia “Đề án cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có sự giám sát của Nhà nước, hoàn thiện chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan” theo Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 9/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 – 2030; Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố từ nay đến năm 2030 nhằm thu hút kiều hối về Thành phố, góp phần tăng sức mua và tăng đầu tư; các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, kích cầu du lịch...
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục giữ vững và thúc đẩy mối quan hệ với các nhóm nước đối tác xuất khẩu lớn và hướng vào những thị trường đã và sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tiếp tục nâng cao đầu tư cho khoa học và công nghệ. Trong đó, thúc đẩy hình thành các Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE) của Thành phố; đẩy mạnh cơ chế chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc trích và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học, công nghệ doanh nghiệp, trước mắt là doanh nghiệp nhà nước.
Triển khai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ.
Trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang mô hình quản trị hiệu quả, trong đó doanh nghiệp không chỉ là đối tượng phục vụ mà còn là nguồn lực, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, trong quá trình phát triển của Thành phố cần sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp.