Hiệp định EVFTA với da giày xuất khẩu Việt Nam

28/10/2016 08:45

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, ngành da giày đã có những tiến bộ vượt bậc, được xem là ngành công nghiệp chủ chốt của nước ta với mục tiêu chính là hướng tới xuất khẩu. Liên minh châu Âu (EU) với dân số hơn 500 triệu người là một trong những thị trường nhập khẩu hàng da giày chủ lực của Việt Nam.

(Vietnam Logistics Review) Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, ngành da giày đã có những tiến bộ vượt bậc, được xem là ngành công nghiệp chủ chốt của nước ta với mục tiêu chính là hướng tới xuất khẩu. Liên minh châu Âu (EU) với dân số hơn 500 triệu người là một trong những thị trường nhập khẩu hàng da giày chủ lực của Việt Nam.

Khác với những thỏa thuận thương mại tự do truyền thống, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là một trong các FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn. Trước bối cảnh thực thi các nội dung của EVFTA, ngành da giày Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức đòi hỏi các DN phải nỗ lực để vượt qua.

Cơ hội

Một là, tăng khả năng tiếp cận thị trường EU bằng việc dỡ bỏ rào cản thuế quan. Theo như các cam kết mở cửa thị trường khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ hầu hết hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm của Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng với hoạt động thương mại hàng hóa nói chung và ngành công nghiệp da giày nói riêng. Đối với mặt hàng da giày, EVFTA sẽ giảm thuế nhập khẩu từ mức 12,4% về 0% theo lộ trình 7 năm và xóa bỏ ngay đối với mặt hàng túi xách, vali, mũ dù. Ngoài ra, các sản phẩm giày dép, túi xách cũng được tiếp tục hưởng thuế ưu đãi 3,5-5% trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập mới (GSP) có hiệu lực từ tháng 01.2014. Với việc hưởng mức thuế suất thấp, giá cả sản phẩm sau khi nhập khẩu sẽ giảm đáng kể, tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn chưa có FTA riêng với EU hay thuộc diện được hưởng GSP mới của EU. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về số lượng sản xuất da giày sau Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn của Việt Nam.

Hai là, thu hút đầu tư của EU vào lĩnh vực da giày tại Việt Nam. EVFTA sẽ là động lực để Nhà nước cải cách chính sách, thể chế từ đó tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn giúp Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn không chỉ với các nước thuộc EU mà còn những quốc gia khác trên thế giới. Với lợi thế lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp phù hợp với ngành sản xuất giày dép, túi xách, các tập đoàn lớn sẽ dịch chuyển sản xuất đến nước ta để tận dụng ưu đãi xuất xứ. Đồng thời sau khi xóa bỏ các hàng rào thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn và mức giá thấp hơn. Đây là cơ hội tốt cho DN có động lực cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như có thể nhập khẩu các máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến từ EU, từ đó nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Việc này cũng giúp Việt Nam thoát dần tình trạng phụ thuộc vào nguyên, vật liệu của Trung Quốc.

Ba là, cải thiện quy trình thực thi các quy định áp dụng cho các mặt hàng da giày xuất khẩu sang EU. Là một FTA thế hệ mới, EVFTA có các quy định liên quan đến các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, phòng vệ thương mại. Điều này tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại hàng hóa nói chung và xuất khẩu da giày sang EU nói riêng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng và độ an toàn mà thị trường này yêu cầu. Với mục tiêu thiết lập cơ chế hợp tác minh bạch hóa và xử lý nhanh các tranh chấp, EVFTA sẽ góp phần cải thiện quá trình thực thi các quy định liên quan.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do khác, đặc biệt là với các đối tác của EU. Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, EVFTA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia khác và giảm dần sự phụ thuộc vào các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm kết nối giữa các hoạt động kinh tế sản xuất ở Đông Nam Á với các nhà đầu tư EU. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong lộ trình dịch chuyển sản xuất của EU ra bên ngoài. Với lợi thế lao động, Việt Nam có thể trở thành trung tâm gia công da giày cho các nhà sản xuất EU và phân phối thành phẩm ra các nước trong khu vực và cả châu Á.

Thách thức

Một là, rào cản phi thuế quan tại thị trường EU vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Giáo sư Ari Kokko - Giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học kinh doanh Copenhagen cho rằng “… Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng được hàng rào phi thuế quan và những tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu… Sẽ có những yêu cầu rất quan trọng từ phía châu Âu đối với các DN Việt Nam, đó là các yêu cầu về tuân thủ môi trường, trách nhiệm xã hội của DN, những nỗ lực về phòng chống tham nhũng…”. Xóa bỏ thuế quan là một trong những điều kiện cần để hàng hóa tăng sức cạnh tranh tại thị trường EU nhưng hàng rào phi thuế mới chính là điều kiện đủ để các sản phẩm của Việt Nam được nhập khẩu vào EU. Những thị trường phát triển như EU, Hoa Kỳ từ lâu đã không coi trọng thuế quan mà thay vào đó là hệ thống tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt. Do đó, để hưởng lợi từ cam kết EVFTA các sản phẩm da giày Việt phải đảm bảo yêu cầu về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và các công cụ phòng vệ thương mại… Mặc dù, các sản phẩm da giày Việt Nam hiện nay có tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu khoảng 50-55%, đáp ứng quy tắc xuất xứ 40% mà EU đưa ra nhưng ngành da giày vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên, phụ liệu bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan. Hầu hết các DN hoạt động dưới hình thức gia công nên không chủ động trong đơn đặt hàng và nguyên liệu. Hàng năm Việt Nam chi khoảng 300 triệu USD để nhập da giả và da thuộc. Nhà máy thuộc da trong nước chỉ mới cung cấp được khoảng 10% nhu cầu và chỉ đạt 25% công suất do thiếu nguyên liệu. Đó là chưa kể chúng ta phải nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng trong cơ cấu giá thành sản phẩm như da thuộc, da nhân tạo, nhựa PVC, sơn PU… từ các nước châu Á và Italia, Brazil. Việt Nam chỉ mới sản xuất được những phụ kiện đơn giản như nhãn, dây giày, ren… và nhập khẩu các phụ kiện nhựa như khoen, móc, đồ trang trí cho giày. Bên cạnh đó, hơn 50% máy móc công nghệ của ta quá cũ kỹ, lạc hậu so với các quốc gia khác. Như vậy, việc đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu về quy trình công nghệ, môi trường lại càng khó khăn cho các DN nhỏ và vừa do hạn chế về năng lực kỹ thuật, vốn đầu tư cũng như sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường. Trong Hiệp định EVFTA, có một chương quy định về các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội của DN nên thách thức đặt ra cho các cơ sở sản xuất là phải nâng cấp dây chuyền công nghệ mới, áp dụng các quy trình tiên tiến để thỏa mãn các yêu cầu đặt ra.

Hai là, việc gia tăng số lượng DN FDI là áp lực lớn đối với các DN da giày trong nước. Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày, năm 2015, các DN FDI trong ngành da giày chiếm tỷ trọng khoảng 77,6% giá trị xuất khẩu toàn ngành (79,4% đối với giày dép, 70,2% đối với túi xách). Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ mang đến các cơ hội đầu tư rộng mở hơn, thu hút nguồn FDI vào các ngành công nghiệp Việt Nam trong đó có da giày. Hiện nay, Đài Loan có nhiều nhà máy, DN 100% vốn nước ngoài xuất khẩu da giày hoạt động tại các khu công nghiệp. Việc gia tăng số lượng DN FDI sau khi FVFTA có hiệu lực là không thể tránh khỏi, sẽ gây áp lực lớn cho các DN trong nước. Hình thức gia công ngày càng tăng mạnh, áp lực giảm giá sẽ đè nặng lên các DN trong nước không đủ năng lực sản xuất.

Ba là, áp lực cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng suất lao động. Mặc dù Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, trẻ tuổi nhưng trong ngành da giày, năng suất lao động rất thấp ở mức khoảng 500.000 đôi/năm tương ứng 450 công nhân, chỉ bằng 1/35 Nhật Bản, 1/30 Thái Lan, 1/20 Malaysia và 1/10 công nhân Indonesia. Vì vậy trước nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều thì câu hỏi lớn đặt ra là liệu các DN có cung cấp đủ số lượng mà vẫn đảm bảo chất lượng không? Thêm vào đó, các DN gặp không ít khó khăn khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động do Tổ chức Lao động quốc tế quy định và được cam kết trong EVFTA.

Bốn là, một số DN trong nước còn thiếu thông tin đầy đủ về EVFTA. Mặc dù các bộ ngành, hiệp hội tại Việt Nam đã nỗ lực trong công tác truyền thông nội dung của Hiệp định đến các DN liên quan nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số DN vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về Hiệp định, chưa nhận diện chính xác các cơ hội và thách thức cho DN mình để có những chuẩn bị cần thiết. Đây là vấn đề cần được khắc phục ngay, đòi hỏi sự cố gắng từ cả ba phía: Cơ quan Nhà nước, Hiệp hội và DN.

Như vậy, bên cạnh các cơ hội có được, ngành dệt may của Việt Nam còn gặp không ít thách thức từ Hiệp định EVFTA. Để có thể tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua được những thách thức này, các DN trong nước phải có chiến lược kinh doanh lâu dài và biện pháp thực hiện cụ thể gắn với lộ trình thực hiện của Hiệp định. Ngoài ra, các bộ ngành và Hiệp hội Da giày cần hỗ trợ đắc lực cho DN thông qua công cụ chính sách, thông tin thị trường để thâm nhập tốt thị trường EU.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định EVFTA với da giày xuất khẩu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO