Tháng 11.2010 tại TP Yokohama, Nhật Bản, một Dự án tài trợ bởi Diễn đàn châu - Á Thái Bình Dương (APEC) với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan quản lý và các DN ngành logistics nhằm tạo một kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng logistics bên trong từng quốc gia - xây dựng một mô hình mẫu “Hiệp hội Logistics quốc gia”, trong đó VN được chọn lựa để nghiên cứu trước khi vận dụng tại các nước trong khu vực APEC.
Tại các Hội thảo lần I (Australia 4.2011), lần 2 (Thái Lan 3.2012), 3 thành viên của VN được mời tham dự (trong đó 2 đại diện cơ quan quản lý và 1 thành viên của Hiệp hội ngành), đã bày tỏ thực trạng ngành và được thành viên các Hiệp hội logistics đàn anh chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm việc “sắm một chiếc áo mới” cho ngành logistics VN trong giai đoạn tới.
CÁC HIỆP HỘI LOGISTICS VN – THIẾU LIÊN KẾT
Ngành logistics VN tuy còn “non trẻ” về tính chuyên nghiệp, nhưng đã có bề dày từ những năm 70. Ngành kho vận giao nhận (tên gọi của thời ấy) đã rất thành công trong việc tổ chức cung ứng vật tư, hàng hóa thời kỳ bao cấp, đó cũng là chiếc nôi của ngành logistics và chuỗi cung ứng hiện nay. Cùng với sự ra đời Hiệp hội Giao nhận Kho vận VN(VIFFAS) từ năm 1993, các hiệp hội khác đã hình thành như Hiệp hội Chủ tàu VN (VSA); Hiệp hội Vận tải Ô tô VN (VATA), Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải VN (VISABA); Hiệp hội Cảng Biển VN (VPA) và mới đây Hiệp hội Chủ hàng VN (VNSC) cũng được thành lập. Bên cạnh đó, còn có những tổ chức, doanh nghiệp (DN) khác như ngân hàng, bảo hiểm, giám định, tư vấn, phân phối bán lẻ, xuất nhập khẩu… tham gia đóng góp vào sự phát triển của ngành logistics VN.
VN thuộc vào nước có nhiều hiệp hội ngành logistics (5 hiệp hội), trong khi Thái Lan (5 hiệp hội), Indonesia (8 hiệp hội). VIFFAS có lượng DN khá đông (trên 1.000 DN) bao gồm các DN cung ứng vận tải, giao nhận, kho bãi, cảng, dịch vụ logistics, các dịch vụ đại lý hải quan, xuất nhập khẩu… Nói chung, đó là các DN cung ứng dịch vụ logistics (Logistics service providers: LSP) từ các mức độ đơn giản, đến các loại hình dịch vụ trọn gói, có các giá trị gia tăng, có sở hữu tài sản (asset-base) hoặc không dựa vào sở hữu tài sản (non asset-base).
Tuy nhiên trên thực tế, các hiệp hội trong ngành logistics tại VN chưa xác lập được liên kết ngành, thiếu hợp tác để bổ sung các lợi thế cho nhau. Do mỗi hiệp hội có các đặc thù khác nhau nên việc tiếp cận với các cơ quan quản lý ngành cũng ở những góc độ khác nhau, từ đó khó có thể tạo nên các chính sách thống nhất, đồng bộ cho ngành logistics, đặc biệt là trong các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, CNTT, đầu tư hạ tầng cơ sở. Để tạo nên sự đồng bộ trong ngành, gần đây Hiệp hội Giao nhận Kho vận VN (VIFFAS) đã mạnh dạn đề xuất đổi tên thành Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics VN (VLA).
LIÊN ĐOÀN CÁC HIỆP HỘI LOGISTICS VN – CHIẾC ÁO MỚI
Trở lại mục tiêu của Dự án như ban đầu, chính là đột phá vào “Nút thắt số 1” của Khung khổ kết nối chuỗi cung ứng APEC”(1) nhằm quan tâm đầy đủ hơn về vấn đề thể chế logistics, giải quyết việc thiếu minh bạch, thiếu phối hợp từ phía các cơ quan Nhà Nước đối với lĩnh vực logistics, thiếu các đầu mối hoặc cơ quan chịu trách nhiệm các vấn đề đặt ra của ngành logistics. Để đáp ứng các mục tiêu này, Dự án đã đưa ra mẫu hình “Hiệp hội logistics quốc gia” qua các ưu điểm của các mô hình hiệp hội logistics quốc gia tại Australia, Singapore và Thái Lan. Đây là các quốc gia có bề dày kinh nghiệm về phát triển vận tải và logistics, đào tạo nhân lực logistics và quản trị chuỗi cung ứng.
Đến với 2 Hội thảo lần 1 và lần 2 ở Australia và Thái Lan, đại diện của VN, đặc biệt là VIFFAS đã chọn phương án “Liên đoàn Các Hiệp hội Logistics VN (Vietnam Federation of Logistics Associations: VFLA). Đây cũng là lần hiệu chỉnh cuối cùng tên gọi của liên đoàn này từ sau Hội thảo lần 1.
“Chiếc áo mới” cho ngành logistics VN, tuy đang còn trong thiết kế, nhưng sẽ là mẫu hình đáp ứng cho việc kiến tạo vững mạnh ngành logistics VN, tạo được mối dây liên kết trong các hiệp hội thành viên để trở thành tiếng nói thống nhất, khơi dậy sự hợp tác đầy đủ và trọn vẹn trong các kết nối của dây chuyền cung ứng VN. Từ đó tạo ra được sức mạnh của tính chuyên nghiệp, của năng suất và hiệu quả! Lợi ích thiết thực từ chiếc áo mới cho ngành logistics VN sẽ là sự hợp tác khăng khít và chặt chẽ giữa ngành với cơ quan quản lý, một mắt xích quan trọng, tiền đề hội nhập và phát triển nền kinh tế VN. Từ đây, các chính sách thể chế sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy ngành logistics VN phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Ngành logistics VN (trong đó có các hiệp hội thành viên, cơ quan quản lý của Chính phủ, và đặc biệt là đối với các chuyên gia, đồng nghiệp sẽ) có được câu trả lời từ các hiệp hội bạn tại Hội nghị lần 3, hội thảo cuối cùng tại Hà Nội vào những ngày cuối tháng 5 này.
“CHIẾC ÁO MỚI” VÀ “BAO KHOAI TÂY”
Trong phần kết của bài tham luận tại Hội thảo lần 2 tại Bangkok, Thái Lan (3.2012), TS. Tengfei Wang - chuyên viên kinh tế của UNESCAP đã đưa ra một lưu ý khi chọn mẫu hình “hiệp hội logistics quốc gia”: “Điều quan trọng là xác định các thành phần tham gia ngành logistics, tìm ra điểm duy nhất trong sự tương đồng và các giải pháp khác nhau cho những hoạt động khác nhau”.
Các thách thức trước và sau khi hình thành “Liên đoàn các Hiệp hội Logistics VN” vẫn là sự đoàn kết hợp tác bên trong các hiệp hội thành viên. Bằng sự gạt bỏ các đặc thù để tìm các điểm duy nhất, nói khác hơn là mẫu số chung của từng bộ phận liên kết để có được tầm nhìn chiến lược, hành động nhất quán và đồng bộ. Trên cơ sở đó có tiếng nói trong việc tự đề ra chính sách cho ngành cũng như những đề đạt yêu cầu, phối hợp với cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, cần chú ý các đặc thù của từng bộ phận để có được những giải pháp cụ thể phù hợp nguyện vọng của từng bộ phận.
Một kinh nghiệm khác cũng được đúc kết qua Dự án “Hiệp hội logistics quốc gia” là phải chọn lọc cho được những người đủ “tâm” và “tầm” (đây chính là bài học của Hiệp hội Logistics Australia và Hiệp hội Logistics Singapore) mới đưa Hiệp hội ngành mặc vừa “chiếc áo mới”.
Để có được sự thành công của mẫu hình “Liên đoàn các Hiệp hội Logistics VN” còn phải kể đến sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan quản lý, các Bộ, Ngành như Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan... Và Nhà nước mới chính là người thiết kế nên chiếc áo mới “Liên đoàn các Hiệp hội logistics VN”! Các hiệp hội trong ngành logistics rất cần người tiên phong, nhìn xa trông rộng, thấy được các lợi ích to lớn cho ngành, cho sự nghiệp đất nước như đã đúc kết trong Dự án của APEC. Có như thế chúng ta mới không lo sợ về một viễn ảnh của chiếc áo mới trở thành vỏ “bao khoai tây”.
------------------------
(1) Choke point No.1 of APEC Supply Chain Connectivity Framework Choke point No.1: lack of coordination between government and industry on logistics supply chains.