Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông: Giải pháp nào hóa giải được thách thức?

Nguyên Vũ|11/07/2018 10:07

(VLR) Mặc dù đã đạt được những chuyển biến tích cực, song hạ tầng giao thông vẫn được xem là điểm nghẽn, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Báo cáo của Bộ GTVT tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cho thấy, hiện mạng lưới đường bộ nước ta có khoảng 274.045km (trong đó có khoảng 831km đường cao tốc; 23.862km đường quốc lộ); 3.160km đường sắt.

Về hàng hải, hiện đang khai thác 32 cảng biển, với tổng công suất thiết kế khoảng 500 - 550 triệu tấn hàng hóa/năm, có 48 tuyến luồng hàng hải vào cảng quốc gia (943,7km) và 12 tuyến luồng vào cảng chuyên dùng, đường thủy khai thác khoảng 17.232km. Về hàng không, hiện đang khai thác dân dụng 21 cảng hàng không với tổng công suất phục vụ khoảng 77,75 triệu hành khách/năm và 1,01 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư đáng kể; hoạt động vận tải từng bước được quản lý chặt chẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế; chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải được nâng cao với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh; giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm (năm 2010 ở vị trí thứ 103).

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển làm giảm vị thế đi trước mở đường của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, còn mất cân đối trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao; dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển (khu hậu cần cảng) chưa được đầu tư tương xứng; một số cảng hàng không đã quá tải; kết nối giữa các lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng, gây áp lực cao trong vận tải hàng hóa lên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ... Do khó khăn về kinh phí, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời làm hạn chế năng lực khai thác.

Nhiệm vụ ưu tiên

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông từ nay đến 2020, ngành đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể, bao gồm:

Về đường bộ, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến kết nối. Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 2.000km đường cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn thành phố Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

Về đường sắt, sẽ ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; nghiên cứu phương án đầu tư đường sắt tốc độ Bắc – Nam.

Ngành giao thông vận tải xác định nhu cầu vốn đầu tư cho tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952.731 tỷ đồng.

Về hàng hải, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các khu bến cảng Lạch Huyện và khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải. Đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực. Xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.Về đường thủy, ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng thủy nội địa chính, bến hàng hóa và hành khách ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.

Về hàng không, triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khai thác hiệu quả các cảng hàng không, sân bay hiện có, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh.

Đồng thời phát triển hạ tầng giao thông đô thị; giao thông địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thách thức không nhỏ

Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trên, ngành giao thông vận tải xác định nhu cầu vốn đầu tư cho tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952.731 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, khả năng kêu gọi huy động thêm vốn ODA cũng hạn chế do vướng trần nợ công. Mặt khác, Việt Nam được coi như đã “tốt nghiệp ODA ưu đãi” nên khả năng huy động nguồn vốn này sẽ không còn thuận lợi. Trong khi đó việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách cũng đã chững lại do cần hoàn thiện thêm thể chế, chính sách.

Một ví dụ rõ nhất trong việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến các dự án BOT gần đây. Phải thừa nhận rằng, với 70 dự án (lĩnh vực đường bộ 68, đường thủy 01, đào tạo 01) đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy nhiên việc thiếu hành lang pháp lý, chưa minh bạch... đã gây ra nhiều bức xúc cho xã hội.

Theo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT mới chỉ được cân đối, bố trí khoảng 292.416 tỷ đồng (Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao và dự kiến sẽ được giao 210.700 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước dự kiến huy động được khoảng 81.716 tỷ đồng). Như vậy nguồn vốn trên mới chỉ đáp ứng 30,6% nhu cầu đầu tư. Đây sẽ là những trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra.

Một số giải pháp cơ bản

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để thực hiện những mục tiêu trên, ngành giao thông sẽ tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở chọn lọc ưu tiên theo thứ tự. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật; Tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT mới chỉ được cân đối, bố trí khoảng 292.416 tỷ đồng (Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao và dự kiến sẽ được giao 210.700 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước dự kiến huy động được khoảng 81.716 tỷ đồng).

Đặc biệt, phát triển thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, tạo nên cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa; Nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý giao thông vận tải. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tư vấn, tổ chức quản lý đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thông qua việc củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch của ngành giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không, công nghiệp đóng tàu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông: Giải pháp nào hóa giải được thách thức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO