Trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Phương tiện giao thông và Công nghiệp phụ trợ từ ngày 21/6 – 24/6/2012), hội thảo chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường ôtô Việt Nam” do Viện Nghiên cứu chiến lược Chính sách Công nghiệp, Hội Kỹ sư Ôtô Việt Nam và Công ty C.I.S Vietnam phối hợp với tổ chức đã thu hút được đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia hoạch định chính sách và doanh nghiệp.
Thực trạng của thị trường ôtô Việt Nam
Theo số liệu của vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương và hiệp hội ôtô việt Nam VAMA thì sản lượng bán ra của ngành ôtô Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2012 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với các nước trong khu vực. Theo đó tổng số xe tiêu thụ trên 24.100 xe, giảm 36% so với năm 2011, nếu không có bước đột phá thì số lượng xe bán ra đạt khoảng 81.000 xe (dự báo của VAMA khoảng 100.000 xe), bằng với sản lượng tại thời điểm năm 2007.
Sở dĩ có tình trạng trên, ngoài tác động do khủng hoảng kinh tế thế giới, tâm lý người tiêu dùng cũng bị tác động bởi nhiều chính sách của nhà nước như tăng thuế và các loại phí, lãi suất ngân hàng cao…bên cạnh đó cam kết giảm thuế CEPT/AFTA theo lộ trình thì thuế suất thuế nhập khẩu ôtô chỉ còn 50% vào năm 2014 và còn 0% vào năm 2018. Điều này sẽ tác động đến thị trường ô tô trong nước và là thách thức đối với ngành công nghiệp ôtô cũng như công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong tương lai gần.
Vấn đề sản lượng
Theo ông Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, chiến lược chính để ngành công nghiệp ôtô phát triển là sản lượng. Nếu sản lượng đủ lớn thì ngành công nghiệp phụ trợ mới phát triển, tỉ lệ nội địa hoá cao, chi phí giảm, cùng với nhiều ưu đãi của Chính phủ tập trung vào lĩnh vực xe chủ đạo mới kích cầu thị trường. Nếu như lĩnh vực xe máy hiện nay, tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm hơn 90% vì sản lượng tiêu thụ hơn 3.000.000 sản phẩm năm, trong khi đó sản lượng bình quân của ôtô khoảng 150.000 xe, trong đó khoảng 120.000 xe sản xuất trong nước sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Bà Trương Thị Chí Bình- Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho rằng ngành công nghiệp ôtô là ngành quyết định chủ yếu đến sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ . Nếu công nghiệp ôtô không phát triển sẽ kéo theo công nghiệp phụ trợ khủng hoảng. Và vấn đề cơ bản vẫn là giải quyết vấn đề sản lượng.
Hiện nay, nếu tính bình quân tại Việt Nam, cứ 100 người dân mới có 2 ôtô, dự báo đến năm 2020 sẽ là giai đoạn ôtô hoá, nghĩa là 100 người dân có 5 xe ôtô. Nếu không có chính sách phát triển kịp thời thì ngành công nghiệp ôtô vẫn dẫm chân tại chỗ.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia nếu Chính phủ có chính sách hợp lý, ưu đãi cho sản phẩm, giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt thì sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dẫn đến tăng sản lượng, kích thích người tiêu dùng (do thuế và chi phí giảm), sẽ là cơ sở để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tạo nhiều lợi ích cho xã hội như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Chính sách và thủ tục.. “bất cập”
Ông Ngô Văn Trụ cho biết Bộ Công Thương hết sức nỗ lực nghiên cứu để đưa ra đề án quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô góp phần thực hiện chiến lược công nghiệp hóa- hiện đại hóa vào năm 2020, thì Bộ Giao thông vận tải có chính sách hạn chế phương tiện giao thông gây ra tác động xấu đến thị trường ôtô, thêm vào đó là những quy định về thủ tục hành chính cũng làm chậm trễ cho quá trình trình Chính phủ phê duyệt, chỉ riêng việc đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đã gửi gần 3 quý nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
Theo ông Đỗ Hữu Hào- Chủ tịch Hội Kỹ sư ôtô Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng chúng ta có nhiều chính sách chưa phù hợp, chưa tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan quản lý. Chính phủ cần gỡ biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có chính sách thuế, phí hợp lý để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, khuyến khích tiêu dùng.
Giải pháp định hướng
Nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo đồng ý rằng muốn phát triển ngành công nghiệp Ôtô và công nghiệp phụ trợ phải có chiến lược dài hạn và có bước đột phá. Muốn làm được điều đó phải có sự tâm huyết đồng thuận từ nhiều cơ quan bộ ngành trong việc đưa ra chiến lược, chính sách lâu dài, đồng bộ, kịp thời, rõ ràng, hiệu quả để phát triển ngành công nghiệp ôtô và phụ trợ trước khi thuế suất CEPT = 0% vào năm 2018. Nếu không có ngành công nghiệp ôtô thì sau năm 2018, Việt Nam sẽ trở thành nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc dẫn đễn thâm hụt thương mại có thể lên tới 12 tỷ USD/năm.
Chính phủ nên bãi bỏ một số loại thuế như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ áp dụng cho các dòng xe đắt tiền), hy sinh lợi ích trước mắt chẳng hạn về nguồn thu thuế, vấn đề giao thông…đồng thời tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Song song với việc đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào xe chủ đạo như sản xuất, lắp ráp xe búyt phục vụ giao thông công cộng; phát triển xe tải, xe chuyên dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn và xe con hạng trung.
Nếu làm được như vậy, sẽ khuyến khích nhà đầu tư, khuyến khích người tiêu dùng, phát triển về sản lượng, dẫn đến phát triển công nghiệp phụ trợ. Đó cũng là cơ sở để phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện chiến công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Hy vọng rằng qua hội thảo này cũng góp thêm nhiều ý kiến đến các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy hơn nữa để đưa ra được một chiến lược hiệu quả cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.