(Vietnam Logistics Review) TP.HCM và các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữ vai trò đầu tàu, dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế xã hội. Nơi đây tập trung khoảng 60-70% sản lượng hàng hóa xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng phát triển chưa tương xứng, sự kết nối chưa đồng bộ, tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông ở những tuyến đường huyết mạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Giao thông ùn tắc khắp nơi
Các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái mỗi ngày có trên 17.000 lượt xe tải, container lưu thông nhưng mặt đường nhỏ hẹp, mỗi bên chỉ có một làn ôtô dẫn đến tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên. Đoạn đường khoảng 2km từ chân cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy có khi phải mất đến 6 tiếng đồng hồ di chuyển.
Đường Đồng Văn Cống đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ đến vòng xoay Mỹ Thủy là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các KCN phía tây bắc TP.HCM, Tây Ninh, KCX Linh Trung (quận Thủ Đức), KCN Sóng Thần (Bình Dương)... về cảng Cát Lái, gần đây cũng thường xuyên bị ùn ứ. Cảnh kẹt xe kéo dài 2 - 3 tiếng đồng hồ trên đường nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xuống đường Vành đai 2 diễn ra thường xuyên.
Đường Vành đai 2, hướng từ cầu Phú Mỹ (quận 7) về vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) cũng trở nên quá tải nghiêm trọng. Tuyến đường cũng chỉ giới hạn một làn xe lưu thông mỗi chiều trong khi đó, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải lớn, container chở hàng từ các cụm cảng Bến Nghé, Bông Sen, Tân Thuận Đông, KCX Tân Thuận (quận 7), KCN Hiệp Phước, các tỉnh miền Tây hướng về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Xe quá đông dẫn đến kẹt cứng hầu như tất cả các ngày trong tuần. Nhiều DN than trời vì mất thời gian, tốn kém tiền bạc.
Ngoài ra, QL50 đoạn qua các xã Bình Hưng, Đa Phước, Phong Phú, Bình Chánh; QL22 nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh và nhiều tuyến đường khác cũng đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, trở thành điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông, là nỗi ám ảnh lớn của người dân sinh sống và lưu thông qua khu vực này.
Đâu là giải pháp?
Tình trạng ùn ứ, quá tải ở các tuyến đường không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, tạo sức ép lớn cho các DN dịch vụ logistics và cả DN sản xuất, các nhà xuất khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của vùng.
Tại hội nghị chuyên đề “Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 18.8 vừa qua, đại diện lãnh đạo các tỉnh đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này.
TP.HCM kiến nghị các tỉnh phối họp với Bộ GTVT rà soát điều chỉnh quy mô phù hợp với tình hình thực tế quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác; Kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển nhóm 5 (đã được phê duyệt) nhằm điều phối lượng hàng hóa giữa các cảng biển do lượng hàng hóa theo quy hoạch đã lạc hậu. Đặc biệt là sản lượng hàng hóa qua cảng Tân Cảng, Cát Lái đã vượt xa so với quy hoạch. Kiến nghị kết nối kéo dài đoạn từ trạm 2 quận Thủ Đức đến đường vành đai 3 vượt qua sông Đồng Nai đi thẳng đến đường vành đai 4 nhằm kết nối khu vực nằm giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường QL1 của tỉnh Đồng Nai và quận 9 TP.HCM. Cùng với hàng loạt tuyến đường về hướng Bình Dương, Tây Ninh... khẩn trương mở rộng kết nối hoàn chỉnh.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, để khai thác hiệu quả cảng Cái Mép – Thị Vải cần phải kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần sớm xây dựng sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cần mở rộng theo đúng quy hoạch; tuyến đường sắt đô thị TP.HCM phải kéo đến ngã 3 Vũng Tàu trước, sau đó đến Hố Nai, cầu Cát Lái...
Tỉnh Bình Dương cho biết, tất cả giao thông từ tỉnh Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai đều đi qua Bình Dương nhưng giao thông hiện nay đã quá tải, cần khẩn trương xây dựng đường vành đai 3, 4, cần mở rộng QL13, cầu Ông Dầu, chú trọng phát triển giao thông đường thủy.
Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trước hết, quy hoạch làm ngay những việc cần kết nối, chuyển đổi phương thức vận tải, khẩn trương triển khai hệ thống đường cao tốc, đường vành đai thay vì cứ mở rộng các tuyến hiện nay, làm như vậy chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn. Khẩn trương ưu tiên khép kín đường vành đai, cao tốc, xây dựng sân bay Long Thành, đường sắt làm đoạn cảng Cái Mép về đến Trảng Bom và về Tây. Về mở rộng QL22 đề nghị làm cao tốc song hành thay vì mở rộng mất thời gian và chi phí quá lớn. QL13 làm cao tốc Chơn Thành – TP.HCM, vành đài 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch khẩn trương kết nối đường này. Riêng vành đai 4 làm từng đoạn vì nguồn vốn khó khăn không thể làm nhanh được...
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng, TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, để phát triển được thì phải đảm bảo về mặt kết cấu hạ tầng giao thông mới đảm bảo được các vấn đề khác. Để thực hiện chương trình này, các tỉnh thành cần cập nhật bổ sung lại quy hoạch từng vùng, xây dựng hình thức huy động vốn. Tổ chức hội thảo về phát triển kinh tế vùng, triển khai nhanh các dự án hạ tầng làm ngay trong việc kết nối vùng. Thành lập Tổ điều phối kết nối giao thông vùng do Sở GTVT TP.HCM chủ trì, cách thức triển khai, dự án, vốn đầu tư, thời gian làm xong như thế nào...; cần phải huy động mọi nguồn vốn chứ không thể chờ vào vốn ODA.
Ông Đinh La Thăng hy vọng: “Làm sao sau hội nghị này hạ tầng giao thông sẽ phát triển chứ không phải lãnh đạo các tỉnh đến dự, bàn rồi về là xong”.