"Khơi thông" vận tải xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia

03/06/2016 15:52

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải Campuchia "ngồi lại" tìm các giải pháp tạo thuận lợi cho những chuyến hàng xuyên biên giới.

(Vietnam Logistics Review)Những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động vận tải xuyên biên giới còn nhiều vướng mắc. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải Campuchia đã gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp tạo thuận lợi cho những chuyến hàng xuyên biên giới.

VN và Campuchia đang có 7 cửa khẩu hoạt động liên tục với độ tăng trưởng nhanh và đều. Hiện trạng của hoạt động vận tải qua biên giới: có 63 công ty hoạt động vận tải ở các khu vực trên trong đó có 36 công ty vận chuyển hành khách (294 xe), 27 công ty vận tải hàng hóa (206 xe)…

Tổng kim ngạch thương mại VN - Campuchia năm 2015: vận tải 4,7 triệu tấn, tăng 16 %/năm; 84,074 xe, tăng trưởng 12%/năm; 2 triệu lượt khách, tăng trưởng 15% /năm. Dự báo đến năm 2020: hàng hóa 6,4 triệu tấn, tăng trưởng 11%/năm; 135,402 xe, tăng trưởng 9 %/năm; hành khách trên 4 triệu, tăng trưởng 12% năm.

Hạn chế từ cả hai phía

Hạn chế từ quy định của các bên đã gây ùn tắc tại các cửa khẩu, làm giảm tốc độ di chuyển của hàng hóa trong thời gian qua. Gần đây, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, các bất cập, vướng mắc ngày một rõ.

Ở VN, hệ thống giao thông đường bộ dù có nhiều tuyến đường mới nhưng chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các cửa khẩu đến các cảng biển, các ICD, trung tâm trung chuyển… Điển hình như đoạn đường từ cao tốc hướng về cảng Cát Lái chỉ 12 km nhưng trung bình mất 3 tiếng xe mới đến được cảng.

Giao thông đường thủy nội bộ cho xà lan tuyến Phnom Penh chở lúa gạo, nông sản cũng gặp không ít khó khăn khi kênh Chợ Gạo có độ sâu thấp, hẹp bề rộng, thường xuyên bị ùn tắc do nửa sông thường bị chiếm đóng bởi phà cát…

Về phía Campuchia cũng không mấy khả quan khi cảng Phnom Penh quá nhỏ, giới hạn về diện tích, quy mô trang thiết bị lỗi thời, cơ sở hạ tầng đường bộ chưa được cải thiện (đoạn quốc lộ 1 phía Campuchia).

Vướng mắc lớn nhất vẫn là sự chưa đồng nhất về thủ tục hải quan giữa hai quốc gia.

Cụ thể, còn quá nhiều thủ tục làm bằng giấy thay vì điện tử, chưa thật sự triển khai cơ chế một cửa ASEAN (NSW), vẫn tồn tại hai cửa thông quan VN – Campuchia làm mất quá nhiều thời gian. Giờ làm việc giữa các bên chưa đồng nhất dẫn đến việc một bên thủ tục đã xong phải đợi đến giờ làm việc tiếp theo của bên kia.

Một vấn đề khác là các nhà đầu tư đang tập trung vào các ICD tại các khu công nghiệp, trong khi tại các cửa khẩu đang thiếu trầm trọng các ICD để tập kết hàng hóa, lưu kho trong lúc đợi thủ tục hoàn tất để tránh ùn tắc giao thông cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Hai bên quyết tâm tháo gỡ

Phía VN cho biết lộ trình sắp tới của việc triển khai NSW trong giai đoạn (2016-2020) là mở rộng NSW cho tất cả các Bộ, ngành về phạm vi, đối tượng. Toàn bộ thủ tục hành chính trên NSW được triển khai dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Đó là kết nối đầy đủ với NSW và sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát. Ngoài ra, VN cũng sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường thủy/bộ, nạo vét lòng sông và đầu tư trang thiết bị hiện đại toàn diện nhằm hướng đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Phía Campuchia cũng khẳng định sẽ có những kiến nghị sửa đổi cơ chế phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho các DN vận tải cho cả hai bên trong thời gian tới.

VN đang tạo điều kiện cho Campuchia trở thành “cửa ngõ” phục vụ tuyến vận tải đường biển đến Mỹ và châu Âu. Việc hợp tác song phương giữa hai bên sẽ góp phần tạo mối liên kết bền vững cho kinh tế nội khối ASEAN ngày một vững mạnh, thông qua con đường vận chuyển xuyên biên giới đầy tiềm năng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Khơi thông" vận tải xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO