Không hợp thức hóa những dự án vi phạm

Từ Tâm (tổng hợp) |21/02/2023 06:46

"Nghị định không được hợp thức hóa những dự án vi phạm (sai quy hoạch, sai thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục và các quy định pháp luật chuyên ngành), đồng thời tạo thuận lợi nhất cho những dự án triển khai theo đúng trình tự, thủ tục", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

qn-16668567585321334372611.png
Đảm bảo dự thảo Nghị định quy định về lấn biển không hợp thức hóa các sai phạm, các trường hợp lấn biển trái pháp luật đã diễn ra trước đây.

Khẩn trương hoàn thiện hai nghị định quan trọng về đất đai và lấn biển là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc làm việc sáng 19/2, với các bộ, ngành liên quan về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định quy định lấn biển. 

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; Bộ TN&MT đã báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ.

Các bộ, ngành đã thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc, sát với thực tiễn, phù hợp với quy định pháp luật liên quan về thu hồi đất; đấu giá quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử; điều kiện, tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất; trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cơ quan quản lý phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, người dân, để xây dựng các quy định sát, đúng thực tiễn, khả thi. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai phải bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Chỉ đạo cụ thể về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp thu đầy đủ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với nghị định quy định lấn biển, đại diện Bộ TN&MT cho biết đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành và 28 địa phương có biển để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, nhất là thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển, đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển…

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành tiếp tục đóng góp ý kiến về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển; điều khoản chuyển tiếp; phương án gộp hai thủ tục giao đất và giao khu vực để biển; khái niệm lấn biển; thẩm định, phê duyệt đơn giá, định mức xây dựng của dự án lấn biển…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT phải rà soát rất kỹ cơ sở pháp lý, thực tiễn triển khai các dự án lấn biển thời gian qua để để hoàn thiện dự thảo nghị định trên tinh thần đơn giản hoá thủ tục hành chính; phân cấp gắn với các tiêu chí chặt chẽ và cơ chế kiểm soát, giám sát thực hiện; bảo đảm chặt chẽ, tương thích với các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, môi trường biển…

lanbienrachgia016_zing_1.jpg
Khu lấn biển TP Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: Zing

Theo Bộ TN&MT đánh giá, bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết. Các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, làm thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn cho chính các công trình; hoạt động lấn biển cũng có thể gây ra tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn lợi, tác động tới đời sống của người dân ven biển.

Việc quai đê, lấn biển phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở các vùng cửa sông lớn giàu phù sa và đào hút cát nuôi tôm trong vùng đất cát phục vụ phát triển thủy sản đã và đang tác động đáng kể đến tài nguyên và môi trường ven biển. Việc mở rộng đầm tự phát, làm cho nhiều loài thủy sinh, động vật ven biển, cửa sông giảm đáng kể.

Tại các khu vực lấn biển, chất thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư và các chất thải khác của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, dịch vụ có khả năng gây ô nhiễm trên diện rộng, làm suy thoái môi trường và các hệ sinh thái biển ở các khu vực lân cận. Chưa kể đến nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ hoạt động lấn biển có thể dẫn tới tình trạng khai thác đất, cát bừa bãi, trái phép, ảnh hưởng, hủy hoại môi trường nơi khác như tình trạng “cát tặc” thời gian vừa qua.

Các dự án có hoạt động lấn biển gây những tác động, ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Thực tế vừa qua cho thấy, có những dự án có hoạt động lấn biển mà chủ yếu là các dự án bất động sản đã “quây” mặt biển và đường ra biển như là “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, hạn chế tiềm năng du lịch biển.

Lấn biển là công việc phức tạp, các công trình lấn biển chịu sự tàn phá của gió, bão, nước biển dâng, chua mặn... nên đòi hỏi nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết.

Do vậy, tại văn bản số 7224/VPCP-NN ngày 27/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã từng yêu cầu Bộ TN&MT rà soát dự thảo Nghị định về lấn biển đảm bảo sự phù hợp của các nội dung tại dự thảo Nghị định với các luật liên quan, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo dự thảo Nghị định không hợp thức hóa các sai phạm, các trường hợp lấn biển trái pháp luật đã diễn ra trước đây.

* Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, ở Việt Nam hiện có 71 khu lấn biển tại 19 tỉnh thành ven biển. Nhìn chung, hoạt động lấn biển xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng chỉ có một số khu vực lấn biển có quy mô lớn như tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang…

Bài liên quan
  • Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030
    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu và giải pháp đột phá được xác định.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Không hợp thức hóa những dự án vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO