Kinh nghiệm phát triển logistics thành công ở một số quốc gia (Bài 2)

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |12/04/2023 10:02

Đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore - những quốc gia ở châu Á. Các quốc gia này đã có những chiến lược và đầu tư bài bản trong việc phát triển Logistics.

Trung Quốc

Hệ thống logistics của Trung Quốc được xây dựng dựa trên nền tảng kết nối các tỉnh với diện tích địa lý rất lớn nhằm liên kết quốc gia và hạ tầng giao thông nội địa.

china-logistics-group-cosco-shipping.jpg
China Logistics Group - thuộc sở hữu nhà nước vào tháng 12/2021, nhằm tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và thế giới

- Hệ thống điện tử Trung Quốc

Logistics Trung Quốc được hình thành trên cơ sở áp dụng hệ thống điện tử thông minh, trong đó hai ứng dụng tiêu biểu nhất chính là hệ thống Cảng tự động (Automated Sea Port) và hệ thống Bắc Đẩu (Beidou Navigation System - BDS) hiện đang được áp dụng ở Thanh Đảo và Thượng Hải. Với tính năng tích hợp, an toàn và không cần nhân lực lớn, hệ thống Cảng tự động này góp phần đẩy nhanh hiệu suất vận hành và xử lý hàng hóa tại cảng. Còn hệ thống BDS đồng bộ toàn bộ hệ thống dữ liệu di chuyển của các phương tiện, nhằm tối ưu hóa di chuyển và quy hoạch quốc gia, hệ thống BDS của Trung Quốc được coi như một phiên bản cao cấp của GPS.

- Chuỗi lạnh

Chuỗi lạnh của Trung Quốc được phát triển dựa trên các công ty phương Tây kể từ thập niên 80 của thế kỉ 20. Được kế thừa và học tập dựa trên các nền tảng khoa học - kĩ thuật, cùng nhu cầu tích trữ, bảo quản và xuất khẩu lương thực rất lớn, Trung Quốc đã tự cải tiến chuỗi lạnh cho quốc gia mình, và có khả năng đáp ứng cho các doanh nghiệp lớn của thế giới. Tuy nhiên, chuỗi lạnh của Trung Quốc vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu quốc nội.

- Tập đoàn Logistics Trung Quốc

Trung Quốc lên kế hoạch lập Tập đoàn Logistics Trung Quốc với quy mô siêu lớn thuộc sở hữu nhà nước. Tập đoàn Logistics Trung Quốc là sự hợp nhất của Tập đoàn Vật liệu đường sắt Trung Quốc (China Railway Materials), Tập đoàn vận chuyển và lưu trữ vật liệu quốc gia Trung Quốc (China National Materials Storage and Transportation Group), Công ty Vận chuyển quốc tế Huamao Chi nhánh Thâm Quyến (Huamao International Freight Limited Company Shenzhen Branch), Tổng công ty Logistics Trung Quốc (China Logistics) và Tổng công ty Bao bì quốc gia Trung Quốc (China National Packaging Corporation). Được biết, Tập đoàn logistics nhà nước mới này của Trung Quốc sẽ có độ phủ trên 30 tỉnh thành của Trung Quốc, có mặt ở năm châu lục và vận hành 3 triệu phương tiện.

Tập đoàn logistics quốc gia của Trung Quốc sẽ giúp quốc gia này đạt được hệ thống chuỗi cung ứng tích hợp, xu hướng đầu tư của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Singapore

Chính sách phát triển logistics của Singapore xoay quanh vị trí địa chính trị của chính quốc gia này. Singapore là điểm trọng yếu trong tuyến đường giao thương từ bờ Đông sang Tây và ngược lại. Hiện Singapore là trung tâm vận chuyển hàng hóa nằm trong danh sách bận rộn bậc nhất thế giới, kết nối tới 600 cảng tại 120 quốc gia. Hiện chính phủ Singapore đưa ra quy hoạch và chiến lược phát triển ngành công nghiệp cảng và công nghệ cảng “xanh” và “thông minh”, đây là chiến lược để Singapore giữ vai trò trung tâm trong vận tải biển quốc tế.

5016-1527.jpg
Khi hoàn thiện, siêu cảng Tuas có khả năng tiếp nhận và xử lý khoảng 65 triệu TEU mỗi năm. Đồ họa: MPA

- Hệ thống cảng tự động

Để có thể xử lý hàng hóa, tiếp liệu và phục vụ tàu biển viễn dương nhanh và hiệu quả hơn trong khi nguồn nhân lực hạn chế và đắt đỏ, Singapore lên kế hoạch phát triển cảng tự động với hơn 20 tỷ USD.

Hệ thống siêu cảng Tuas, giai đoạn 1, đã hoàn tất xây dựng với diện tích 414 ha, gồm 21 cầu cảng nước sâu có thể tiếp nhận và xử lý 20 triệu TEU mỗi năm. Đến năm 2040, Tuas sẽ giúp Singapore tăng công suất khai thác vận hành cảng lên gấp đôi, khoảng 65 triệu TEU, đưa cảng Singapore trở thành cảng tự động lớn nhất thế giới.

- Hệ thống liên kết Singapore - Đông Nam Á lục địa

Singapore trong quá khứ từng là 1 thành viên của liên bang Malaysia, và chỉ tách ra thành 1 quốc gia độc lập vào năm 1965. Việc kết nối giao thông giữa Singapore với Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á lục địa khác sẽ được hoàn thiện bởi tuyến đường sắt xuyên quốc gia Côn Minh - Singapore (SKRL), nhằm tạo ra nhiều phương án vận tải hơn cho các doanh nghiệp muốn đến khu vực Đông Nam Á.

- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển

Singapore không những xây dựng hệ thống cảng để phục vụ hàng hóa mà còn cung cấp hệ sinh thái cho các chủ tàu. Cụ thể, hệ thống cảng trung tâm của Singapore được trang bị hệ thống chuỗi các dịch vụ như ngân hàng, dịch vụ tiếp nhiên liệu, dỡ hàng container và lưu trữ cho đến khi có tàu đến. Hệ thống dịch vụ tiện lợi và tích hợp này giúp Singapore luôn là điểm đến được lựa chọn của nhiều hãng tàu.

Ngoài ra, Singapore còn phát triển chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 3PL. Theo đó, công ty logistics 3PL đủ tiêu chuẩn có thể cung cấp các dịch vụ quản lý logistics cho khách nước ngoài mà không cần nộp thuế. Cụ thể, doanh nghiệp không cần nộp thuế GST khi doanh nghiệp 3PL nhập khẩu hàng hóa của họ hoặc đại lý nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp 3PL khi cung cấp hàng hóa nhập khẩu cho các đối tác trong nước đã được chấp thuận GST, thì cũng không phải nộp thuế.

Ngoài ra, hàng hóa tập kết trong khu thương mại tự do rồi tái xuất cũng sẽ không phải nộp thuế tại Singapore. Do đó, nhiều chủ hàng, thương nhân chọn Singapore làm trung tâm phân phối sản phẩm như Dell.

Ấn Độ

Ấn Độ là thị trường logistics tiềm năng với giá trị 150 tỷ USD, đóng góp 14,4% GDP. Đối với vận tải đường biển, Ấn Độ có 12 cảng chính, vận chuyển 672 triệu tấn hàng hóa trong năm 2020.

- Chính sách thúc đẩy vận tải biển

Chính phủ Ấn Độ xác định vận tải biển và logistics là khâu đột phá để phát triển đất nước nên đưa ra các chính sách, chiến lược và biện pháp thúc đẩy. Ấn Độ thành lập bộ phận logistics thuộc Bộ Công Thương do 1 Thứ trưởng phụ trách, đảm nhiệm các vấn đề liên quan logistics, nhất là trong việc phối hợp các Bộ, ngành, các bang.

Bên cạnh đó, Ấn Độ miễn thuế 10 năm cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và khai thác cảng, đường thủy nội địa và cảng nội địa. Ấn Độ cũng cho phép tư nhân mua nhượng quyền quản lý tại các cảng do Nhà nước sở hữu với thời hạn 30 năm và có các điều khoản gia hạn tiếp theo. Chính phủ Ấn Độ cho phép nước ngoài thành lập doanh nghiệp FDI 100% theo lộ trình tự động cho các dự án liên quan đến xây dựng và bảo trì các cảng và bến cảng ở Ấn Độ.

- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối, nhằm mở rộng dịch vụ vận tải đa phương thức

Mong muốn phát triển các hình thức vận tải đa phương thức với mục tiêu cắt giảm chi phí vận tải và giảm thời gian vận chuyển, Ấn Độ đang nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

ad12.jpg
Đường cao tốc Yamuna ở Ấn Độ

Ấn Độ dự kiến sẽ phát triển 100 ga, cảng hàng hóa cho các cơ sở logistics đa phương thức trong ba năm tới. Đây được cho là chiến lược logistics quan trọng nhất của Ấn Độ, thay đổi hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, lấy lợi thế cạnh tranh về hạ tầng giao thông làm yếu tố thúc đẩy thu hút FDI.

- Mạng lưới các trạm trung chuyển, nhà kho và ICD

Là quốc gia có sự phân cách về mặt địa lý và khí tượng cực kì mạnh mẽ, Ấn Độ không thể trông cậy vào một khu vực duy nhất nhằm trung chuyển hàng hóa. Ngoài ra, với cơ chế Liên bang, mỗi bang lại có những quyền hành và luật lệ địa phương khác sẽ khiến cho quá trình tập trung hóa vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, hệ thống mạng lưới dày đặc về nhà kho, ICD là một điểm mạnh được Ấn Độ phát huy, nhằm phủ rộng và tạo tiền đề cho các hệ thống cơ sở hạ tầng khác phát triển.

- Hệ thống vận tải đường bộ mạnh mẽ

Sở hữu cả bờ biển dài với hệ thống cảng biển dày đặc, nhưng điểm cốt lõi trong logistics của Ấn Độ là hệ thống đường bộ dày đặc, gồm cả đường ô tô và đường sắt. 

Theo thống kê của Bộ Giao thông Đường bộ và Cao tốc Ấn Độ, tổng chiều dài quốc lộ của quốc gia này là hơn 65 nghìn km; tổng chiều dài các xa lộ liên tiểu bang là khoảng 130 nghìn km, còn lại là khoảng 3,14 triệu km đường nối liền các quận chính, đường nông thôn và các đường khác. Lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường tăng trưởng đều đặn 10% mỗi năm, trong khi số lượng phương tiện tăng gần 12% mỗi năm. Điều này khẳng định sự cần thiết trong việc phát triển mạng lưới giao thông trong tương lai gần.

Trong khi tuyến đường sắt có mức độ dày đặc đứng thứ 4 thế giới, thì hệ thống vận tải bằng ô tô lại có hệ thống “transport hub” cực kì đa dạng, cũng như là trang bị hệ thống GPS nhằm phục vụ cho quá trình “track&trace”.

Đặc trưng của hành chính Ấn Độ nằm trong sự tỏa vòng của các đô thị lớn, tạo điều kiện cho việc áp dụng vận tải đường bộ mạnh mẽ hơn./.

Nguồn: "Báo cáo Logistics Việt Nam 2022" của Bộ Công Thương

Bài 1: "Bức tranh" Logistics thế giới năm 2022, những tác động và xu hướng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm phát triển logistics thành công ở một số quốc gia (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO