Liên danh nhà thầu cao tốc Bắc - Nam: Lợi bất cập hại

Nguyễn Nga|30/11/2022 11:21

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là thách thức và cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Việc áp dụng mô hình tổng thầu với việc lựa chọn được tổng thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín được xem là yếu tố quan trọng và cần thiết để đưa đại dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đồng thời, công tác quản lý và chi phí quản lý dự án của các ban QLDA cũng được giảm đáng kể.

Không nên "băm nát" các gói thầu

Vừa qua, Bộ GTVT đã có công văn 9245/ BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phân chia các gói thầu có giá trị dự kiến khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng, mỗi gói thầu sẽ có khoảng 3 nhà thầu liên danh thực hiện.

161-mach-mau-giao-thong-dotuanhung-compressed-1-.jpg

Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng triển khai đầu tư xây dựng các công trình dự án trọng điểm ngành giao thông, tháng 02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ. Như vậy, việc phân chia dự án thành các gói thầu có quy mô, giá trị như trên xét tổng thể là cơ bản phù hợp.

Tuy nhiên, việc gói thầu sẽ có nhiều nhà thầu liên danh liệu có phù hợp? Xét về tổng thể, một gói thầu có giá trị từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng thì không nhỏ, nhưng nếu liên danh khoảng 3 nhà thầu cho 1 gói thì sẽ thành nhỏ. Bởi liên danh nhà thầu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là liên danh kiểu bắt tay nhau cho đủ điều kiện trúng thầu, sau đó tự chia gói thầu để thi công, mỗi đơn vị làm một đoạn. Như vậy, việc triển khai mô hình liên danh nhà thầu có thực sự đáp ứng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng?

Ngoài ra, việc nhiều nhà thầu trong một gói thầu dễ dẫn tới “không ai nói được ai”, gây khó khăn cho công tác quản lý tiến độ cũng như chất lượng công trình. Trường hợp khi một trong các nhà thầu trong liên danh được “gửi gắm” có năng lực yếu không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của các nhà thầu còn lại mà còn ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng và tính kết nối đồng bộ toàn dự án.

aerial-view-traffic-massive-highway-intersection-1-compressed.jpg

Bên cạnh đó, khi dự án bị chia nhỏ, một nhà thầu có thể sẽ được chỉ định làm nhiều gói thầu nhưng không liền kề nhau mà rải rác, phân bổ không tập trung. Với điều kiện thi công như thế sẽ gây khó khăn, tốn kém chi phí cho việc tập kết và điều phối máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công giữa các gói thầu cũng như cho công tác tổ chức thi công và điều hành dự án.

Có thể thấy, việc tiếp tục triển khai mô hình nhà thầu liên danh ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là “lợi bất cập hại”. Bởi sẽ phát sinh nhiều bất cập gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và tiến độ các công trình... Bên cạnh đó, làm sao kiểm soát và tránh để nhà thầu “bắt tay” nhau rồi tự... chia gói thầu? Cũng không loại trừ việc một số nhà thầu “đi cửa sau” để được chỉ định ghép vào liên danh với nhà thầu chính, nhưng năng lực yếu, không đảm bảo tài chính, cũng như uy tín trong quá trình thực thi, dẫn đến gánh nặng và trách nhiệm đổ lên nhà thầu chính. Từ đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc chia gói thầu làm đường cao tốc không nên tính theo giá trị, nên căn cứ theo tính chất kỹ thuật và ràng buộc rõ các điều kiện với liên danh nhà thầu.

Lâu nay việc chia các gói thầu xây dựng trong nước vẫn đang chủ yếu theo giá trị gói thầu, ít tính toán đến phương án chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, đoạn ngắn nhưng yêu cầu kỹ thuật đặc biệt sẽ chia thành gói thầu riêng, còn đoạn dài nhưng yêu cầu đơn giản có thể gộp thành một gói.

Cùng với việc tính toán chia gói thầu theo tính chất kỹ thuật, thì để tận dụng tối ưu tiềm lực của các nhà thầu mạnh, cũng cần nghiên cứu áp dụng mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu đã từng quản lý, thi công một tỷ lệ lớn đường cao tốc, hiểu được yêu cầu kỹ thuật thay vì lựa chọn hình thức liên danh để tối ưu hiệu quả, gói thầu không bị “băm” nát, khó quản lý.

Tổng thầu - mô hình để doanh nghiệp Việt vươn tầm

aerial-view-road-roundabout-intersection-with-moving-cars-traffic-rural-circular-transportation-crossroads-compressed.jpg

Mô hình tổng thầu được cho là phương án hiệu quả khi có thể khắc phục được những bất cập, bởi gói thầu lớn sẽ do một tổng thầu đứng ra đảm trách, quản lý, chịu trách nhiệm... Tổng thầu được lựa chọn là một đơn vị có tiềm lực, đã từng đảm nhận các dự án khó, lớn, có kinh nghiệm quản lý điều hành để tổ chức thi công khoa học và có đủ khả năng thực hiện các hạng mục quan trọng, hạng mục khó của dự án. Đây là mô hình tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hơn nữa chất lượng nhà thầu trong nước để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiến độ công trình dự án hạ tầng giao thông trong tương lai.

Một số chuyên gia nêu ý kiến, trường hợp áp dụng mô hình tổng thầu, các cấp chức năng có thể vận dụng linh hoạt hệ thống pháp luật liên quan hiện nay để giá trị gói thầu có thể được nâng lên cao hơn 5.000 tỷ đồng, thậm chí là 10.000 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn được tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là thách thức và cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Việc áp dụng mô hình tổng thầu với việc lựa chọn được tổng thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín được xem là yếu tố quan trọng và cần thiết để đưa đại dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đồng thời, công tác quản lý và chi phí quản lý dự án của các ban QLDA cũng được giảm đáng kể.

Trong quá trình thực hiện dự án, một trong những khoản chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xây dựng là chi phí đầu tư máy móc thiết bị. Khi nhận gói thầu nhỏ, lợi nhuận không nhiều sẽ dẫn đến tâm lý “tiết kiệm” chi phí, không mạnh tay trong đầu tư mua sắm thiết bị, hiệu suất thi công do đó không cao. Trái lại, khi đứng trước cơ hội đảm trách các gói thầu lớn, các nhà thầu lớn sẽ có động lực để mạnh dạn đầu tư củng cố nguồn nhân lực và vật lực, mua sắm trang thiết bị thi công hiện đại, nâng cao hiệu suất và kỹ thuật thi công.

Đồng thời, từ kinh nghiệm được tích luỹ sau những gói thầu lớn, những dự án khó, các nhà thầu lớn càng thêm trưởng thành và kéo theo các nhà thầu nhỏ cùng vươn lên. Việc dựng ra giới hạn, đóng khung các gói thầu từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng vô hình trung tạo ra rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thiếu cơ hội để phát triển đột phá sẽ bóp nghẹt khát vọng vươn tầm, khiến các doanh nghiệp trong nước mãi nhỏ bé. Trong khi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc,... đã có các tập đoàn xây dựng tầm cỡ quốc tế, có thể đánh bại nhà thầu trong nước ngay trên “sân nhà” thì năng lực doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở mức 3.000 – 5.000 tỷ đồng...

Bài liên quan
  • Nguồn nhân lực: Câu chuyện "đau đầu" ngành logistics
    Logistics là ngành đang phát triển rất nóng với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% và đóng góp khoảng 5% vào GDP quốc gia. Không thể phủ nhận đây là ngành có tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên để khơi dậy tiềm năng đó thì cần phải giải tốt “bài toán” nguồn nhân lực của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Liên danh nhà thầu cao tốc Bắc - Nam: Lợi bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO