Chiều 15/11, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2022. Nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đúng định hướng, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, tham dự có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành và trên 200 doanh nghiệp.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, tổng số lao động hơn 1,2 triệu người, số lao động trong các khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở hiện nay là khoảng 410 ngàn người. Trong đó lao động ngoài tỉnh khoảng 321 ngàn người và nhu cầu đến 2025 là khoảng 450 ngàn người. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân lao động và những người có thu nhập thấp trong thời gian tới, mới đây Đồng Nai đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 từ 6.000 căn lên 30.000 căn. Tỉnh này đang rất quyết liệt trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND Võ Tấn Đức cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của lãnh đạo tỉnh và sự tích cực cố gắng của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là vai trò của địa phương, các doanh nghiệp, các quyết sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc gia đình chính sách đã được cải thiện đời sống của mình.
Việc phát triển nhà ở xã hội luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, mục tiêu sắp tới giai đoạn 2021-2025, dự kiến phấn đấu xây dựng hơn 10.000 căn nhà ở xã hội, vốn đầu tư dự ước là 10.155 tỷ đồng, nguồn vốn từ Nhà nước, sự phát triển nhà ở của tỉnh và các nguồn vốn khác… Do đó, Đồng Nai mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175 ha, chủ yếu tại thành phố Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành và Trảng Bom.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đang phục hồi tích cực với nhiều kết quả tốt. Điều này hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, và được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Người dân hay người lao động đều mong muốn có nhà để ở. Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng bộ tỉnh về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội rất cần đến sự đồng lòng, chung tay của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đối với chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, đề nghị bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo quy định. Người lao động là tài sản, giá trị phải thu hút nên phải tập trung chăm lo cho họ, giữ chân họ, đó là yếu tố để hình thành giá trị gia tăng cho tỉnh. Từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ tính toán bố trí quỹ đất làm sao để có khoảng 500 ngàn căn nhà ở cho người thu nhập thấp. Các căn hộ khi hoàn thiện phải phù hợp, có không gian, hạ tầng, phúc lợi đầy đủ, đảm bảo chất lượng cho người dân. Vì thế, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm để xây dựng các dự án nhà ở chất lượng, giá cả phù hợp mà người dân có khả năng mua trả góp trong thời gian từ 15-20 năm.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh về tiêu chí chọn nhà đầu tư phải công bố rõ ràng, minh bạch, công tâm không có câu chuyện “sân trước, sân sau” hay phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản tại Đồng Nai và các tỉnh đã cùng nhau trao đổi, trình bày các tham luận về kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn, giải pháp của các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội.