Nguồn nhân lực: Câu chuyện "đau đầu" ngành logistics

Ngô Đức Hành|18/11/2022 12:51

Logistics là ngành đang phát triển rất nóng với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% và đóng góp khoảng 5% vào GDP quốc gia. Không thể phủ nhận đây là ngành có tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên để khơi dậy tiềm năng đó thì cần phải giải tốt “bài toán” nguồn nhân lực của ngành.

Loay hoay "bài toán" nhân lực

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực, tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tăng thêm động lực để xây dựng và phát triển ngành logistics. Dòng chảy thương mại cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu và giúp dịch vụ logistics cạnh tranh tích cực hơn.

Tuy nhiên “câu chuyện” đau đầu là, ngành này đang thiếu khoảng 2 triệu người. Thiếu nguồn nhân lực nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

portrait-asian-woman-business-owner-using-digital-tablet-checking-amount-stock-product-inventory-shelf-distribution-warehouse-factorylogistic-business-shipping-delivery-service-compressed.jpg

Các số liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý trong thời kỳ chuyển đổi số đang thiếu một cách trầm trọng.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cũng ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo và chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Từ trước tới nay nhân lực logistics ở Việt Nam chủ yếu được tuyển dụng từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển. Còn nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Logistics đang được hiểu “lơ mơ” như một “nội hàm”, việc thay đổi nhận thức đang chuyển chưa kịp xu thế.

Cán bộ quản lý thường là những người đang nắm vị trí chủ chốt dù đã được đào tạo hoặc tái đào tạo, nhưng cơ bản vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh logistics. Có thể nói phong cách lãnh đạo và quản lý của đội ngũ này đều chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành, chưa nói tới việc phải cập nhật kiến thức mới của họ.

loading-truck-products-logistics-center-top-view-compressed.jpg

Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội VLA trong 3 năm tới, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động mới và các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cũng cần trên cả triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.

Tìm lời giải vừa khó vừa dễ

Bức tranh trên cho thấy, việc giải bài toán nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành logistics đang ngày càng trở nên cấp thiết. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, việc đào tạo cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế, loại bỏ điểm yếu của nguồn nhân lực logistics Việt Nam là tính kỷ luật và khả năng làm việc tập thể kém. Các cơ sở đào tạo bên cạnh cung cấp kiến thức, kỹ năng, cần phải quan tâm đến rèn luyện tính kỷ luật, chuyên nghiệp cho người lao động, đa dạng hóa loại hình và hình thức đào tạo”.

Ông Trần Thanh Hải đưa ra kiến giải rằng, các nhà hoạch định chính sách đào tạo nên xây dựng một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng; công tác đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học của Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu.

Tất nhiên, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề. Theo đó, Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics.

Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...

young-man-working-warehouse-with-boxes-compressed.jpg

Đồng ý với cách tiếp cận đó, PGS.TS.Lê Quốc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng, dưới góc độ đào tạo cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics; thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập...

Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) kiến nghị, để khắc phục tình trạng này, vai trò của doanh nghiệp đối với đào tạo nhân lực ngành logistics là rất quan trọng. Một ngành đào tạo muốn thành công và phát triển cần có kết nối giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Bản thân Đại học Đông Á cũng đã từng mở rộng quan hệ quốc tế trong việc đào tạo nhân lực cho ngành Logistics.

Có thực hiện được như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực mới phát triển đúng hướng, tiết kiệm thời gian, giúp học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng có thể làm việc ngay, không phải đào tạo bổ sung. Đào tạo nguồn nhân lực logistics như vậy thì mới tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, bền vững giúp cho ngành phát triển theo tiềm năng của mình.

Bài liên quan
  • Nhân lực ngành logistics và nghịch lý "thiếu - thừa"
    Theo “Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics 2021 – 2023” tại diễn đàn “Dự báo kỹ năng cho lao động ngành logistics Việt Nam” do VCCI tổ chức, hiện ngành logistics đang thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực: Câu chuyện "đau đầu" ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO