Ngày nay, thu hồi hàng hóa, phế liệu sản xuất, bao bì là một hiện tượng phổ biến mà các nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ truyền thống và trực tuyến cũng như các nhà cung cấp dịch vụ logistics thường xuyên phải đối diện. Đặc biệt, dưới áp lực cạnh tranh gay gắt và vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay, Logistics ngược (Reverse Logistics) sẽ là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN có thể giảm được chi phí, tăng doanh thu, nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng và giảm tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường; từ đó giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN.
KHÁI NIỆM LOGISTICS NGƯỢC
Lý thuyết về logistics ngược đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và có hệ thống tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Cho đến nay đã có rất nhiều quan niệm khác nhau về logistics ngược. Tuy nhiên, quan điểm của Rogers và Tibben - Lembke (1999) là khái niệm được giới chuyên môn đồng tình và ủng hộ. Khái niệm này đã mô tả sinh động về logistics ngược thông qua việc nhấn mạnh tới mục tiêu và quá trình diễn ra bên trong của logistics ngược, đó là:
"Logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp".
Logistics ngược có những đặc trưng khác biệt căn bản so với logistics xuôi. Bảng 1 dưới đây sẽ mô tả những khác biệt đó.
LOGISTICS NGƯỢC | LOGISTICS XUÔI |
Dự báo khó khăn hơn | Dự báo tương đối đơn giản hơn |
Vận chuyển từ nhiều điểm tới một điểm | Vận chuyển từ một điểm tới nhiều điểm |
Chất lượng sản phẩm không đồng nhất | Chất lượng sản phẩm đồng nhất |
Bao bì sản phẩm thường đã bị phá hủy | Bao bì sản phẩm nguyên vẹn, tiêu chuẩn hóa |
Giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố | Giá cả tương quan đồng nhất |
Tốc độ thường không được xem là ưu tiên | Tốc độ là quan trọng |
Chi phí không thể nhìn thấy trực tiếp | Chi phí có thể giám sát chặt chẽ |
Quản lý dự trữ không nhất quán | Quản lý dự trữ nhất quán |
Mâu thuẫn về sở hữu và trách nhiệm vật chất | Sở hữu và trách nhiệm vật chất rõ ràng |
Bảng 1: So sánh giữa logistics ngược và xuôi
Mô hình và quy trình logistics ngược
Dòng logistics ngược được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thu hồi các sản phẩm không bán được để nâng cấp; thu hồi các sản phẩm có khuyết tật để sửa chữa; thu hồi sản phẩm đã sử dụng để tháo dỡ và tái sử dụng một phần; thu hồi và tái sử dụng bao bì…
Quy trình logistics ngược được thực hiện theo 4 giai đoạn như trong hình 2 dưới đây. Bước đầu tiên trong quy trình logistics ngược là “Tập hợp” bao gồm các hoạt động cần thiết để thu về các sản phẩm không bán được, sản phẩm khuyết tật hay bao bì và vận chuyển chúng tới điểm phục hồi. Tại điểm phục hồi, sản phẩm sẽ được “Kiểm tra” thông qua các hoạt động như kiểm tra chất lượng sản phẩm, chọn lọc và phân loại sản phẩm. Kết quả của giai đoạn 2 là căn cứ quan trọng và cần thiết để xác định quá trình tiếp theo cho hầu hết các sản phẩm thương mại.
Trong giai đoạn 3 “Xử lý”, khi một sản phẩm được thu hồi ngược trở lại, DN sẽ có nhiều cách xử lý: (1) Tái sử dụng trực tiếp hoặc bán lại; (2) phục hồi sản phẩm (sửa lại, làm mới lại, sản xuất lại, tháo để lấy phụ tùng…); và (3) xử lý rác thải (thiêu đốt hoặc thải ra môi trường).
Bán lại được áp dụng khi các sản phẩm được đưa vào thị trường nào đó khá lâu nhưng không bán được vì không có nhu cầu hoặc nhu cầu đã bão hòa có thể được thu hồi để chuyển sang bán ở thị trường khác đang có nhu cầu hoặc bán thông qua các cửa hàng giảm giá. Tái sử dụng là trường hợp chất lượng sản phẩm thu hồi vẫn đảm bảo để có thể quay vòng tiếp tục sử dụng như linh kiện, các loại bao bì sử dụng nhiều lần (chai, lọ thủy tinh), pallet, container và các hầu hết các thiết bị thuê ngoài. Đối với các sản phẩm mà công dụng, màu sắc, kiểu dáng, tính năng… của nó không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì cần phải phục hồi thông qua việc sửa chữa, nâng cấp, làm mới, sản xuất lại… rồi sau đó lại được tiếp tục đưa vào mạng phân phối. Đối với những sản phẩm, bao bì không thể xử lý được dưới các hình thức trên vì điều kiện tồi tệ của nó hay vì trách nhiệm luật pháp và giới hạn về môi trường, DN sẽ cố gắng để vứt bỏ sản phẩm với chi phí thấp nhất.
Giai đoạn cuối cùng là “Phân phối lại” sản phẩm đã phục hồi. Giai đoạn này đề cập đến các hoạt động logistics để đưa lại sản phẩm vào thị trường và chuyển nó cho khách hàng như các hoạt động dự trữ, bán hàng và vận chuyển.
TẠI SAO CẦN QUAN TÂM ĐẾN LOGISTICS NGƯỢC?
Trong những năm gần đây, dưới áp lực cạnh tranh gay gắt và vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, logistics ngược được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN có thể giảm được chi phí, tăng doanh thu, nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng và giảm tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường:
- Logistics ngược tạo sự thông suốt cho quá trình logistics xuôi: Ở nhiều khâu của quá trình logistics xuôi xuất hiện những sản phẩm không đạt yêu cầu cần sửa chữa lại, bao bì lỗi phải dán nhãn mác lại… Để đảm bảo đưa các sản phẩm này trở lại kênh logistics xuôi một cách nhanh chóng, kịp thời nhất thì cần phải phát sinh một loạt các hoạt động logistics ngược nhằm hỗ trợ dòng vận động xuôi này. Điều này cho thấy, sự vận hành của dòng logistics ngược sẽ góp phần đảm bảo sự thông suốt cho quá trình logistics xuôi. Hay nói cách khác, để đạt hiệu quả trong quản trị dòng logistics xuôi, các công ty cần kết hợp thực hiện với các hoạt động logistics ngược.
- Logistics ngược góp phần nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng: Thông qua việc thu hồi các sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng để khắc phục, sửa chữa, bào hành, bảo dưỡng… sẽ góp phần thỏa mãn tốt hơn yêu cầu của khách hàng, nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng của DN. Do đó, một chính sách thu hồi tốt sẽ góp phần mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN.
- Logistics ngược giúp tiết kiệm chi phí cho DN: Khi phải thu hồi hàng hóa trong kênh logistics ngược, các chi phí liên quan đến vận chuyển, dự trữ, phục hồi, sửa chữa… hàng hóa thu hồi sẽ tăng lên. Theo ước tính chi phí dành cho các hoạt động logistics ngược trung bình chiếm khoảng 3% đến 15% tổng chi phí của DN. Tuy nhiên, nếu tổ chức và triển khai tốt dòng logistics ngược thì DN sẽ tiết kiệm được đáng kể các khoản chi phí khác, như: tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu do được tái sinh, giảm chi phí bao bì do tái sử dụng bao bì nhiều lần, thu hồi được giá trị còn lại của những sản phẩm đã loại bỏ, bán lại sản phẩm (dù có thể mức giá không bằng giá của sản phẩm mới) để tăng doanh thu… Những lợi ích kinh tế đó đòi hỏi các DN phải đầu tư nhiều hơn, nghiêm túc hơn vào các chương trình logistics ngược. Bởi vì những khoản chi phí mà họ phải bỏ ra để xử lý hàng hóa bị trả lại không kiểm soát được vượt xa con số mà họ đầu tư cho việc quản lý các chương trình logistics ngược một cách bài bản.
- Logistics ngược giúp tạo dựng hình ảnh “xanh” cho DN. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay là do hoạt động sản xuất kinh doanh của con người gây ra. Do đó, các DN cần quan tâm hơn nữa tới việc giảm sự tác động tiêu cực của sản xuất kinh doanh đến môi trường thông qua thu hồi nguyên vật liệu, sản phẩm và bao bì để tái chế hoặc vứt bỏ nó một cách có trách nhiệm. Không những thế, khách hàng, các cơ quan quản lý chức năng và công chúng cũng thường đánh giá rất cao trước những hành vi thân thiện với môi trường của DN. Điều này một lần nữa khẳng định, nếu DN thực hiện tốt logistics ngược sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh “xanh” trong tâm trí khách hàng và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình.
Logistics ngược được xem là một công cụ giúp các các DN nâng cao được khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận và thỏa mãn khách hàng tốt hơn. Điều này đòi hỏi các DN cần phải nhận thức rõ hơn về vai trò của logistics ngược và có những đầu tư thích đáng cho hoạt động này.