Luật thương mại Việt Nam & những bất cập về dịch vụ logistics (phần 2)

17/06/2016 09:05

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ở số trước, Vietnam Logistics Review đã giới thiệu đến bạn đọc những khái niệm và điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics. Số này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được quy định trong bộ luật thương mại Việt Nam năm 2005.

(Vietnam Logistics Review)Ở số trước, Vietnam Logistics Review đã giới thiệu đến bạn đọc những khái niệm và điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics. Số này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được quy định trong bộ luật thương mại Việt Nam năm 2005.

Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics

Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là nội dung cơ bản của quy định pháp luật về dịch vụ logistics. Quyền và nghĩa vụ này nằm rải rác trong các quy định của hệ thống pháp luật chung và các quy định của hệ thống pháp luật chuyên ngành. Theo Điều 235 Luật Thương mại Việt Nam, các chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics có quyền thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ. Khi các chủ thể không thỏa thuận được với nhau thì họ có các quyền và nghĩa vụ tại Điều 235 Luật của bộ luật này.

Như vậy, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền được hưởng thù lao và các chi phí hợp lý khác từ việc thực hiện dịch vụ. Mức thù lao này do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Mức thù lao này có thể được xác định theo số tiền tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ trên giá trị hàng hóa. Mức thù lao phụ thuộc vào nội dung, mức độ phức tạp của công việc mà khách hàng ủy thác. Ngoài tiền thù lao, người làm dịch vụ logistics có thể yêu cầu khách hàng thanh toán các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc thực hiện dịch vụ nếu điều này được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài ra, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tiền thù lao và các khoản chi phí hợp lý khác, người làm dịch vụ logistics còn có quyền cầm giữ và định đoạt hàng hóa. Theo Điều 239 Luật Thương mại năm 2005: “thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền cầm giữ một số lượng hàng hóa nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hóa đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng”. Tuy nhiên, quyền cầm giữ hàng hóa chỉ phát sinh khi có các điều kiện sau:

˗ Khách hàng không thanh toán nợ đã đến hạn cho người làm dịch vụ logistics.

˗ Người làm dịch vụ chỉ được quyền cầm giữ số lượng hàng hóa có giá trị tương đương với giá trị nợ mà khách hàng chưa thanh toán, không vượt quá giá trị khoản nợ đó.

˗ Người làm dịch vụ phải thông báo bằng văn bản ngay cho khách hàng về việc cầm giữ hàng hóa.

Quyền định đoạt hàng hóa cầm giữ của người làm dịch vụ logistics chỉ phát sinh sau thời hạn 45 ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hóa hoặc chứng từ liên quan đến hàng hóa, nếu khách hàng không trả nợ thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa hoặc chứng từ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hàng hóa có dấu hiệu bị hư hỏng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng. Việc định đoạt hàng hóa cầm giữ phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp cầm giữ và định đoạt hàng hóa sai gây thiệt hại cho khách hàng thì người làm dịch vụ logistics phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Lưu ý rằng, mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hóa do khách hàng chịu.

Bên cạnh quyền thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng phải có nghĩa vụ thực hiện các công việc theo đúng thỏa thuận với khách hàng. Đây được coi là nghĩa vụ cơ bản nhất của người làm dịch vụ logistics nhằm đảm bảo được quyền lợi của khách hàng. Các công việc mà người làm dịch vụ logistics phải thực hiện có thể đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ, hoặc được khách hàng hướng dẫn cụ thể trên cơ sở các quy định chung của hợp đồng. Về nguyên tắc, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải làm theo đúng những chỉ dẫn của khách hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho khách hàng thì điểm b, c khoản 1 Điều 235 Luật Thương mại 2005 quy định: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng”; “Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn”.

Ngoài ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics còn phải có nghĩa vụ thực hiện các công việc cho khách hàng trong thời gian hợp lý khi các bên không có thỏa thuận về điều này. Riêng đối với dịch vụ logistics liên quan đến vận tải thì thương nhân còn phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải. Các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics ngoài các quyền và nghĩa vụ đã nêu ở trên được quy định trong Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 thì còn có các quyền và nghĩa vụ cụ thể được quy định trong các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics vận chuyển đường biển thì nghĩa vụ của họ được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hàng hải năm 2005.

Như vậy, căn cứ từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể cũng như việc thực hiện một hay nhiều chuỗi dịch vụ logistics mà các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền, nghĩa vụ quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau. Ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định ở các văn bản pháp luật trong nước thì quyền và nghĩa vụ của các thương nhân kinh doanh dịch vụ này còn được quy định trong các công ước quốc tế, các điều ước mà VN tham gia.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Luật thương mại Việt Nam & những bất cập về dịch vụ logistics (phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO