Mô hình cảng xanh sắp thí điểm tại Việt Nam có gì đặc biệt?

Báo Giao thông|26/08/2019 08:50

(VLR) Cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng trong phát triển cảng biển...

Xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam không những đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn giúp các cảng biển hội nhập với quốc tế

Xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam không những đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn giúp các cảng biển hội nhập với quốc tế

Cảng càng nhộn nhịp, nguy cơ ô nhiễm càng lớn

Cục Hàng hải VN vừa phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải VN), Chủ nhiệm đề án cho biết, Việt Nam là quốc gia ven biển nằm trong khu vực trung tâm của Đông Nam Á, với đường bờ biển dài 3.260km và khoảng 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển và thềm lục địa. Cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam hiện nay tương đối hoàn thiện với 45 cảng biển, 281 bến cảng, tổng công suất thiết kế đạt 550 triệu tấn hàng/năm, đón nhận hơn 120.000 tàu biển mỗi năm.

“Hoạt động của hệ thống cảng biển ở Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo XNK hàng hóa giữa các vùng miền trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế, số lượng tàu biển ra, vào cảng biển Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt tại các cảng biển khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường tại vùng biển và vùng nước cảng biển ngày tăng cao.

Theo nghiên cứu, hiện dịch vụ vận tải tại cảng biển vận chuyển khoảng 20% lượng chất thải đổ ra biển. Cảng càng nhộn nhịp, nguy cơ ô nhiễm tại cảng càng lớn. Do vậy, việc triển khai mô hình cảng xanh tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường là việc làm cấp thiết trong thời kỳ hội nhập”, bà Tú Anh thông tin.

Thí điểm trước mới nhân rộng

Cũng theo bà Tú Anh, trên kinh nghiệm xây dựng cảng xanh trên thế giới, tiêu chí về cảng xanh tại Việt Nam được xác định dựa trên các yếu tố như: tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm năng lượng; Kiểm soát về khói, bụi tại cảng bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật; Xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể, sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước; Kiểm soát nước thải, xây dựng cơ sở tiếp nhận chất thải từ tàu tại cảng,…

Tuy nhiên, nhận diện về khó khăn trong phát triển cảng xanh tại Việt Nam, bà Tú Anh cho rằng, hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.

“Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Doanh nghiệp (DN) thiếu vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn rất hạn chế”, bà Tú Anh nói.

Đánh giá về đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới. Tuy nhiên, để mô hình này khả thi cao, các tiêu chí phải hài hòa với lợi ích của DN, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, làm giảm giá trị kinh tế trong khai thác của DN. Các tiêu chí có thể ở mức tiệm cận với quy chuẩn chung.

Cũng theo ông Hoàng, đề án phát triển cảng xanh của Việt Nam cần thực hiện thí điểm trước tại 1, 2 cảng. Sau đó, trên cơ sở đánh giá sự phù hợp các tiêu chí đối với điều kiện tại Việt Nam mới lên lộ trình nhân rộng ra các cảng khác.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mô hình cảng xanh sắp thí điểm tại Việt Nam có gì đặc biệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO